Return to front page!


 

Comments on
"Thử Ðitìm Cáitươngđương Trong Phiêndịch"
 

Góp ý với giáo sư Trịnh Nhật

Diệu Tần

 

Trên liên mạng, trang ViệtNgữ2020, ông Trịnh Nhật, nguyên giảng sư Ðại học Miền Tây Sydney (University of Western Sydney, Australia) có bài viết bàn về phiên dịch"Thử đi tìm cái tương đương trong phiên dịch".

Bài biên khảo liên hệ đến ngôn ngữ của tác giả rất có giá trị, công phu và khá đầy đủ. Bài viết đã được đăng liên tiếp ba kỳ trên tạp chí Thế Kỷ 21, năm 1999.

Qua công trình biên khảo này, người đọc sẽ thấy rõ hơn những khó khăn trở ngại của người biên dịch và thông dịch. Mặt khác, bài viết cũng là một bài học dành cho những ai ưa thích nghề dịch thuật. Tác giả còn cho người đọc hiểu thêm một số Anh ngữ hiện đang sử dụng ơ ûU¨c, cũng như với một văn phong dí dỏm, đôi khi hài hước, khiến người đọc không bị nhàm chán, vì biên khảo thường khô khan.

Với kinh nghiệm giảng dạy ngôn ngữ và làm việc tại đài phát thanh B.B.C. Luân Ðôn, ông đã có nhiều năm từng trải, vật lộn với chữ nghĩa cả Việt lẫn Anh. Tôi xin bày tỏ lòng quý trọng và cám ơn ông. Tiện đây tôi cũng mạn phép góp đôi lời thô thiển, mong tác giả và độc giả góp thêm ý kiến.

3.1 Ý niệm màu sắc

Từ xưa Việt Nam chúng ta có ý niệm chỉ có màu xanh, không phân biệt rõ blue hay green. Nhưng khỏang từ 7,8 chục năm nay tôi nghĩ chúng ta đã có ý niệm phân biệt rõ blue và green. Nhất là ở miền Trung, đồng bào nói màu lục (diệp lục tố); xanh dương, lam. Còn màu vàng yellow cũng đã có ý niệm gọi màu vàng tươi sẫm là hoàng yến, nghệ và cam. Màu vàng ngả về màu xanh gọi là vàng chanh. Thực ra theo thuật ngữ hội họa chúng ta không có màu trắng và màu đen, hai thứ đó không được gọi là màu.

3.3 Ý niệm về "anh chị em"

Tác giả viết: Người Việt mình xem chừng không coi trọng, không quan tâm nhiều đến kẻ dưới bằng người phương Tây, và điều này có thể thấy rõ hơn khi người Việt Nam giới thiệu nhau trong lúc gặp gỡ. Lúc đó ta thường không giới thiệu "trẻ em". Ðiều này không đúng với thực tế. Hiện nay chúng ta biết ở hải ngoại và ở trong nước nữa, chúng ta chú ý đến trẻ em nhiều lắm. Ở cả hai phương trời các bà mẹ đều không dám sinh con nhiều, nên trẻ em được cưng chiều nhiều hơn (trong gia đình đủ sống và giàu có).

- Tôi nghĩ từ "tiết hạnh" dịch là chastity tạm được. Ngoài ra ý niệm tiết hạnh đã xưa rồi, trên thực tế, ở trong và ngoài nước. Từ nửa thế kỷ nay, đã có câu than vãn

Văn minh Ðông Á trời thu sạch
Này lúc cương thường đảo ngược ru?

Hiếm chuyện thủ tiết, hầu như không có cảnh quạt nồng ấp lạnh nữa. Phải nhìn thẳng vào thực trạng xã hội và gia đình để đau đớn thấy rõ trước mắt. Do đó khi dịch tiết hạnh và hiếu, tam tòng. Chỉ nên thêm cho đó là cổ ngữ (archaic) tiện bề phiên dịch.

4.2 Trong trường hợp cá biệt, trước sự hiện diện của những người giải thích luật và thi hành luật pháp, tôi nghĩ từ gentleman và lady có thể dịch tạm là "người vô tội". Gọi họ là người lịch sự, đàng hoàng e không đúng chỗ và mỉa mai.

- Nhảy vào thuật ngữ pháp luật, tòa án nước bản ngữ là chuyện rắc rối. Ý niệm "de facto partner" chỉ còn cách tạm dịch là "thực trạng bạn sống chung không hôn thú". Tôi đề nghị gặp những thuật ngữ, những từ chuyên môn, nên dịch theo lối cắt nghĩa.

4.3 Tác giả còn tạm dịch "problems" là lỗi và đưa thí dụ: lỗi tại tinh trùng (sperm problems); lỗi ở ống dẫn trứng (Fallopian problems). Nghe tiếng "lỗi" thấy hơi kỳ kỳ, tuy rằng có lỗi hẹn, lỗi thề, đan lỗi (sai). Thông thường chúng ta dùng lỗi để chỉ sự sai lầm của con người, ít dùng cho loài vật và vật dụng Thí dụ: Lỗi tại ai? Lỗi tại anh tại ả, tại cả đôi bên. Nếu nói ống dẫn trứng bất thường; ống dẫn trứng có trở ngại có lẽ hợp hơn .

- Từ "rice" thì "imported rice" phải là "gạo nhập khẩu" vì rất hiếm nhập khẩu thóc, rice fields phải là ruộng/đồng luá, green rice phải là đồng lúa xanh, rice bubbles là bọt cơm sôi, boiled/ steamed rice là cơm nấu/ thổi và cơm hấp/thố. Tôi cũng có tiếp cận với sinh viên quân nhân Mỹ các ngành học tiếng Việt suốt hai mươi năm, phải giảng thật kỹ cho họ hiểu thế nào là lúa; thóc, gạo, cơm. Chúng tôi chỉ thêm cho họ thế nào là cháo và thế nào là xôi.

4.4 Tác giả nói đến ngôn ngữ ngọn thiếu từ cá biệt hyponym. Vì về house nhà cửa khó chọn được từ tương đương. Tôi tìm thấy thêm, ngoài những từ tác giả đã nêu: dinh thự, sảnh đường, thính đường, hội trường, căn phố, nhà song lập, tứ lập.

- Cũng như từ cooking nấu ăn, khó chọn từ cho tương xứng chứ tiếng Việt còn có thể kể thêm: nướng than, bỏ lò, đồ (xôi), nướng gạch, nướng vỉ, nhúng, lẩu, ninh (hầm), ram, hon, kho, nướng xâu, kho cháy cạnh.

- Về động từ "to wear", Việt Nam không có từ tổng thể nhưng rất giàu từ liên hệ đến to wear. Giống như to carry mà tác giả đã tạm giải thích vì dân Việt Nam gốc là nông nghiệp và làm nông nghiệp rất lâu đời. Cho nên từ về khoa học kỹ thuật, triết học thì ít là vậy. Cũng như dân da đỏ ở bắc My,õ có một dân tộc ít người có đến 20 từ chỉ về cá hồi (salmon). Vì họ sinh sống bắng nghề đánh bắt cá hồi, sống chết với cá hồi, buồn vui vì cá hồi.

- Tác giả có ngạc nhiên là sao từ "to loose" (thua, bại) Việt Nam có nhiều mà từ to win lại có ít. Thưa có nhiều lắm: được, thắng, đạt, có ưu thế, trội hơn, vượt, sống còn, thành công, đè bẹp, hạ (đối phương), trên chân, nghiền nát (đối phương)&..Tiếng Việt không thiếu gì từ chỉ ý niệm thắng. Trong lịch sử, chúng ta có thắng và có bại.

- 4.5 Bàn về hai ngôn ngữ khác nhau về mô thức kết hợp ngữ (collocational patterns), Tôi có đọc lại quyển "Hồi ký Nguyễn Hiến Lê", riêng phần dịch thuật ông dành 7 trang để nói sơ về phiên dịch, tôi trích đoạn sau đây để thấy các học giả chúng ta khi dịch cũng đã kỹ càng, cẩn thận lắm: 

Tác giả Nguyễn Hiến Lê kể lại: ông Vi Huyền Ðắc không dịch câu: "Nous nous connaissions depuis l'âge des chaussettes" của Pháp là: "Chúng tôi biết nhau từ khi còn đi vớ ngắn" (vì trẻ em Việt rất ít khi đi vớ); cũng không dịch là:"Chúng tôi biết nhau từ khi còn để chỏm" vì trẻ em Pháp không để chỏm); mà dịch là "Chúng tôi biết nhau từ khi hỉ mũi chưa sạch", cũng đã là khéo chuyển lắm, độc giả chỉ thấy xuôi tai thôi ít ai nhận được công phu củ người dịch.

- Tác giả dịch đùa cho vui từ "strong tea", "wash hair", "delivery a baby"chứ không ai dịch là trà khỏe, rửa tóc, giao đứa bé cả.

- Từ "top" là áo, từ mấy chục năm gần đây chúng ta có thêm nhiều từ chỉ cái áo; áo cổ lọ, cổ tim, áo cánh len, áo chui đầu, áo "lu", áo khoác, áo đuôi tôm, áo ba lỗ (T shirt), xường xám (tiếng Quảng Ðông), váy ngắn, váy dài, vớ mỏng, áo viền đăng ten.

- Riêng bàn về từ giả (false, forged) thì forged/ false signature còn có thể dịch là mạo chữ ký; "reproduction painting; replica statue" còn có thể dịch là bức tranh sao chép, bức tượng sao chép.. Từ giả có hàm ý chê trách, việc làm bất hợp pháp, bất hợp lệ, còn reproduction và replica không có ý đó.

- Từ black đen. Chưa bao giờ tôi nghe thấy gọi con bò màu đen là con bò hóng. Có lẽ đây là một lỗi đánh máy sai chăng? Bồ hóng hay mồ hóng là do những cặn than, khói kết tụ lại do khói than củi bốc lên trong bếp. Chúng ta có câu: Ðen như bồ hóng". Riêng khói huyền trong câu thơ phổ nhạc "khói huyền bay lên mây" không phải là khói màu đen mà là khói huyền ảo (illusion, visionary smke, sợi khói thuốc lá mơ màng uốn éo bay lên cao.

Tác giả nói người "nghiền cờ bạc". Có lẽ dịch "heavy gambler" là người mê cờ bạc đúng hơn là nghiền. Nghiền/ nghiện chỉ dùng để chỉ thói quen ăn, uống, hút, ngửi& như nghiện thuốc lá, nghiện rượu, nghiện ma tuý, nghịên hơi hướm, ít ai nói nghiền cờ bạc.

- Một sự tình cờ là ở miền nam , không biết từ bao giờ đã có câu : "lạnh cẳng, rét" là hàm ý sợ sệt, nhút nhát trùng hợp với "to have cold feet" của tiếng Anh.

4. 6.2 Câu thành ngữ / tục ngữ "Cháy nhà ra mặt chuột" ngoài nghĩa đen và nghĩa bóng tác giả nêu lên còn hàm ý: Khi xảy ra biến cố tai nạn mới thấy rõ những kẻ xấu xa, mới biết ai xấu ai tốt, ai là người tin cậy được, ai là kẻ bất tài, vô dụng.

- Bảng đề trước cửa "Ðại sứ quán Oâtxtrâylia" với tôi, xướng lên nghe tạm được, nhưng nhìn vào có điều gì không ổn. Bởi nếu dùng từ Hán-Việt như thế, ông đại sứ phải gọi là sứ thần, không gọi là "ông đại sứ được. Từ "quán" xưa quá, ảnh hưởng nặng từ Trung Quốc, chưa kể quán là quán cà phê, quán bia ôm à? Tại sao phải tránh chữ đề "Toà đại sứ Uùc" ?

5.5 Từ "chemical castration" dịch ra là "dùng thuốc để thiến" dĩ nhiên không xuôi rồi. Nếu muốn tránh từ diệt dục theo triết lý nhà Phật, nên dùng thử " tiêm thuốc triệt dâm" được chăng?

- Bàn về body language, tác giả còn thử dịch là thái độ, hành động có lẽ chưa được

chỉnh. Hành động là act/ action, nên đổi là động tác (movement), thái độ là attitude nhiều khi không biểu tỏ bằng cử chỉ mà bằng tiếng nói hay chữ viết qua thư từ, công văn.

- Từ "ngôn ngữ loài vật" (animal laguage), có lẽ thừa một từ ngữ vì loài vật không có chữ viết, nên gọi là "tiếng nói loài vật".

6. Phần kết luận

Từ ai khải quá mới lạ (obituary). Orbituary có hai nghĩa; Bài ai điếu/ điếu văn và bài viết về tiểu sử người chết. Bà Judy Stowe chắc chắn chỉ viết tiểu sử chứ không mắc mớ gì bà phải viết ai điếu khóc ông Tôn Ðức Thắng. Có lẽ theo chủ trương vô tư trung thực từ xưa của Ðài BBC, bà ta sẽ không có giọng điệu khen hay chê quá đáng. Vậy figurehead có ghi trong từ điển Webster's Ninth New Collegiate giải nghĩa một là hình tượng gắn trên mũi tàu thuyền, hai là chỉ có danh thôi, không có quyền. Vậy dịch là "bù nhìn" quá nặng, mà nên dịch là: Ông Tôn Ðức Thắng giữ chức vụ tượng trưng/ chức vụ trên danh nghĩa (như nhiệm vụ của Nữ hoàng Anh, vua Nhật bản).

Nói chung bài viết của giáo sư Trịnh Nhật rất bổ ích. Ðúng như lời ông nói, ông tạm ngưng bởi viết về đề tài này phải kéo đến 10 bài nữa mới hết.

Dịch thành ngữ, tục ngữ ca dao đã khó, theo tôi dịch lời nhạc và dịch thơ còn khó gấp bội. Bà Thái Thanh, cô Y' Lan khi hát bài "Giết người trong mộng" cứ cất cao giọng mãi:

Giết người đi! Giết người đi! ...

Dịch không khéo sẽ là là chuyện phản ý tác giả, là kêu gọi mọi người hãy phạm tội ác giết người đi!!

Dịch thơ Nguyễn Du trong truyện Kiều còn khó hơn

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Phiên dịch sao cho xuôi mà vẫn giữ được ý của tác giả là muốn tả cô Thuý Vân phúc hậu, hiền lành, tuy không tài hoa bằng cô chị.

Tả cái chí tự do vẫy vùng của Từ Hải, vẫn có nhà khoa bảng dịch sai câu sau đây, vì ông hiểu sai nghĩa từ "đàn":

Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo

Ðàn ở đây không phải là guitare mà là một loại ná, nỏ đời xưa. Do đó chúng ta thấy không những người dịch phải thông thạo ngôn ngữ gốc và ngọn, còn phải thông thạo cả thứ tiếng góp phần tạo ra ngôn ngữ gốc nữa.

 

Diệu Tần - Nguyễn Tinh Vệ
G. S. Phụ tá, Viện Ngôn ngữ Bộ Quốc phòng Mỹ
Defense Language Institute/ F.L.C., Monterey


Ýkiến bạnđọc nhân đọc bàiviết nầy:

 


Diễnđàn TiếngViệt
Ýkiến? Phêbình? Vàođây Ziendan.com 



WWW  VNY2K

   
   HỌCTHUẬT
   SÁNGTÁC
   BÚTKÝ VIỄNDU
   TÂMTÌNH SONGNGỮ

 

This website advocates the use of Vietnamese2020 for a better way to  process Vietnamese information.
Sứmạng chính của trangnhà VNY2K.COM là cổvõ cáchviết mới Việtngữ2020 vì đó là conđường hiệnđạihoá tiếngViệt. 
www.vny2k.com | Ziendan.net | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com


For comments or questions, please send an email to vny2k1 (a) yahoo dot com
Copyright © 1999-2009  www.vny2k.com.