Ziendan TiengViet
TRANGNHÀ VNY2K
TRANGCHỦ   Ghidanh   Ðăngnhập   Danhsách thànhviên
Xem thưriêng   Banquảntrị   Tìmkiếm   Thắcmắc chung

Bạchđằnggiang: Trận Hảichiến Lẫylừng trong LịchsửBắc Giang
:: Diễnđàn tiếngViệtTảnmạnVấnnạn của chúngta....
Tácgiả
Tiểumục bàiđăng trước | bàiđăng kế »
dchph

Ziendan.net

Hồsơ
Gianhập: Nov.15.2002
Nơicưtrú: Global Village
Trìnhtrạng: [hiệntại không cómặt trên diễnđàn]
IP: IP ghinhập
Bạchđằnggiang: Trận Hảichiến Lẫylừng trong LịchsửBắc Giang

Tácgiả : Bắc Giang





Chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ kể từ khi nước thủy triều lên cho đến khi nước thủy triều xuống, Ngô Quyền đã tiêu diệt nguyên một hạm đội gồm hàng trăm chiến thuyền của quân Nam Hán, hàng ngàn xác quân Tầu bị thả trôi sông hoặc chìm sâu dưới đáy biển....

Trận hải chiến kinh hoàng này đã đưa dân tộc ta thoát khỏi 1050 năm đô hộ của giặc Tầu!

Lịch sử oai hùng của dân tộc ta trải dài hơn bốn ngàn năm bắt đầu từ năm 2876 trước Công Nguyên (TCN) với vua Kinh Dương Vương của nước Xích Quỷ,đây là quốc hiệu đầu tiên nước ta, truyền sang họ Hồng Bàng trở thành nước Văn Lang với 18 đời Hùng Vương . Nước Văn Lang ngày đó bao gồm hầu hết các tỉnh thuộc Bắc Việt trải dài về phía nam cho tới Việt Thường (nay là Quảng Bình, Quảng Trị) và một phần của các tỉnh Quảng Ðông,Quảng Tây bây giờ mà sau này Quang Trung Ðại Ðế có ý định đòi nhà Thanh trả lại sau chiến thắng Ðống Ða). Cho đến năm 257 TCN thì vua Hùng Vương thứ 18 bị Thục Phán cướp ngôi và đổi tên nước là Âu Lạc, Thục Phán lên ngôi vua lấy tên là An Dương Vương cho xây thành Cổ Loa ( chúng ta vẫn còn di tích thành này gần Hà Nội bây giờ). Khi An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc thì bên Tầu lúc đó Tần Thủy Hoàng đã thống nhất thiên hạ , mãi cho đến năm 208 TCN thì nhà Tần bắt đầu suy yếu, giặc giã nổi lên khắp nơi, nhân dịp đó, quan úy của quận Nam Hải là Triệu Ðà lợi dụng cơ hội mang quân sang chiếm nước Âu Lạc rồi sát nhập vào quận Nam Hải thành nước Nam Việt. Nước Nam Việt tồn tại được gần một trăm năm ,trải qua nhiều triều đại cho đến năm 111 TCN , lúc đó bên Tầu thuộc nhà Tây Hán , Hán Vũ Ðế sai Lộ Bát Ðức và Dương Bộc đem năm cánh quân sang chiếm nước Nam Việt rồi biến nước Nam Việt thành một quận của Tầu gọi là Giao Chỉ bộ, chia làm 9 quận. Nước ta biến mất tên trên bản đồ từ đó và bị cai trị như các quận bộ bên Tầu, nhưng rất là hà khắc, cay nghiệt. Như vậy năm 111 TCN là năm thứ nhất dân ta bước vào 1050 năm bị đô hộ. Trong hơn một ngàn năm đô hộ này chúng ta có nhiều cuộc khởi nghĩa, trong đó có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 , cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thị Trinh năm 248, cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn năm 541 và cuộc khởi nghĩa của Mai thúc Loan năm 722 . Nhưng đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa của Ngô Quyền vào cuối năm 938 đầu năm 939 đã đưa dân tộc ta thoát khỏi 1050 năm đô hộ của giặc Tầu bằng một trận hải chiến oai hùng trên sông Bạch Ðằng.

Ngược lại dòng lịch sử, vào năm 920 Dương diên Nghệ, một anh hùng có công đánh đuổi giặc Nam Hán, chiếm được thành Ðại La và lên cầm quyền tự xưng là Tiết độ Sứ. Dương diên Nghệ có hai nha tướng thân cận là Kiều công Tiễn và Ngô Quyền . Kiều công Tiễn được chủ tướng tin dùng và giao cho giữ thành Ðại La, còn Ngô Quyền được Dương diên Nghệ thương mến gả con gái cho và đưa về giữ thành A¨i Châu ( tức là Thanh Hóa bây giờ). Kiều công Tiễn là người phản phúc âm mưu sát hại chủ tướng để đoạt chức Tiết độ Sứ do đó năm 938 Dương diên Nghệ bị Kiều công Tiễn giết chết,hành động phản trắc này đã làm dân chúng bất bình và phẫn nộ. Khi Ngô Quyền được tin Dương diên Nghệ bị giết bèn phất cờ khởi nghĩa nên được mọi tầng lớp dân chúng, các hào trưởng địa phương ủng hộ rất nhiều, chính Kiều công Hãn là cháu Kiều công Tiễn cũng đem quân ve àvới chính nghĩa. Ngô Quyền trở thành ngọn cờ qui tụ những người yêu nước, lúc đầu chỉ là báo thù cho chủ tướng nhưng sau đó biến thành cuộc khởi nghĩa dành lại độc lập cho dân tộc ta.

Vào cuối năm 938 đầu năm 939 lúc thời tiết mưa dầm gió bấc, Ngô Quyền thống lĩnh một đạo quân tiến ra Bắc trừng phạt kẻ phản loạn, khi đến đèo Ba Dội ( thuộc tỉnh Ninh Bình bây giờ) thì Kiều công Tiễn đã được mật báo, trước sức tiến quân như vũ bão của Ngô Quyền, Kiều công Tiễn thấy chống không lại bèn cho người sang Tầu cầu cứu. Trong lịch sử, Ðèo Ba Dội không nổi tiếng lắm , nhưng trong văn chương đèo Ba Dội rất được nhiều người biết đến qua tài thơ văn hóm hỉnh của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạo cảnh cheo leo

Trở lại lịch sử bên Tầu lúc bấy giờ là nhà Nam Hán, Hán Chủ Lưu Cung vẫn muốn giữ Giao Chỉ bộ dưới quyền cai trị của người Tầu nên mượn cớ giúp Kiều công Tiễn để đem quân sang trừng phạt Ngô Quyền. Chúng ta hãy thử theo dõi trận hải chiến oai hùng nhất trong lịch sử của dân tộc ta.

Với ý đồ xâm lăng đất nước ta, Vua Nam Hán là Lưu Cung họp triều đình bàn mưu tính kế . Trước Tác Tả Lang Hầu tên là Dung khuyên Lưu Cung không nên đánh để quân sĩ được nghỉ ngơi, hơn nữa Sùng Văn Hầu Tiêu ´ch cũng can ngăn:

- Ngô Quyền là người kiệt liệt chớ nên coi thường , đại quân đi nên cẩn thận chắc chắn . Dùng nhiều kẻ dẫn đường rồi sẽ tiến. ( trích Ngũ Ðại Sử ký quyển 65)

Những lời khuyên can trên không cản được ý đồ xâm lược của Vua Nam Hán cho nên Lưu Cung phong cho con trai là Vạn Vương Lưu Hoàng Tháo làm Tinh Hải Quan Tiết Ðộ Sứ rồi sau đổi thành Giao Vương ( ý muốn sau khi cướp được Giao Châu sẽ giao cho Lưu Hoàng Tháo trấn giữ) thống lĩnh một hạm đội sang xâm chiếm nước ta.

Quân Nam Hán tiến quân bằng hai ngã:

1) Ðạo quân thứ nhất do Thái Tử Lưu Hoàng Tháo cầm đầu với hàng ngàn binh sĩ thiện chiến cùng hàng trăm chiến thuyền lớn nhỏ khởi hành từ hải cảng Quảng Châu theo vịnh Hạ Long vào nước ta bằng cửa sông Bạch Ðằng.

2) Ðạo quân thứ hai do chính Vua Nam Hán là Lưu Cung mang quân đến đóng tại biên giới thuộc trấn Hải Môn ( phía tây nam huyện Bát Bạch, tỉnh Quảng Tây) để sẵn sàng tiếp cứu khi cần thiết.

Ngòai ra quân Nam Hán còn được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Kiều công Tiễn ngay từ trong thành Ðại La (gần Hà Nội bây giờ) đánh ra.

II) Một vài điều cần biết về sông Bạch Ðằng.

Trước khi bước vào trận đánh này, thiết tưởng sự hiểu biết về chiến trường được Ngô Quyền chọn lựa trước là phía hạ lưu sông Bạch Ðằng không phải là điều vô ích.

Sở dĩ chúng ta gọi là sông Bạch Ðằng vì ngay tại cửa sông này có nhiều sóng to, gió lớn gọi là sóng bạc đầu ( Bạc là Trắng, là Bạch) do đó có tên là Bạch Ðằng Giang. Nếu chúng ta xem xét kỹ cấu tạo của lòng sông Bạch Ðằng sẽ thấy ở phía hạ lưu lòng sông dốc ra biển, chỗ nông nhất có thể là 8 mét, nhưng chỗ sâu có thể lên đến 18 mét , nên nước thủy triều khi lên thì rất chậm chạp nhưng tạo ra nhiều đợt sóng to (sóng bạc đầu),ngược lại khi thủy triều xuống thì nước rút rất nhanh, như vậy dù thủy triều lên hay xuống đều tạo ra khó khăn, nguy hiểm cho tầu bè qua lại, thêm vào đó hai bên bờ sông là những rừng rậm bao la bát ngát nên dân địa phương quen gọi sông Bạch Ðằng là sông Rừng, trong ngôn ngữ của dân địa phương chúng ta còn tìm thấy nhiều di tích của những địa danh như bến đò Rừng, xóm Rừng,phà Rừng, chợ Rừng , giếng Rừng...v..v. Ca dao chúng ta cũng có câu:

Con ơi hãy nhớ lời cha
Gió to sóng lớn chớ qua sông Rừng

Sở dĩ người cha khuyên con chớ qua sông Rừng vì bất cứ ngày nào trong năm cũng có thể có sóng to gió lớn nhất là các trận cuồng phong vào tháng ngày cuối đông.

Hai bên bờ sông Rừng là vách đá cheo leo , thẳng đứng tạo nên một cảnh đẹp hùng vĩ cũng là nơi ẩn núp rất tốt cho quân của Ngô Quyền sau này. Ngay ở hạ lưu sông Bạch Ðằng còn có ba con sông khác đổ vào là sông Chanh, sông Ruột Lợn ( vì nó chạy cong queo như cái ruột lợn) và sông Cấm ( còn gọi là sông Nam Triệu) (xem hình 1) . Theo bộ sử Cương Mục, sông Bạch Ðằng được mô tả: " Sông rộng hơn hai dặm, ở đó có núi cao ngất, nhiều nhánh sông đổ lại , sóng cồn man mác giáp tận chân trời, cây cối um tùm, che lấp bờ bến . Bạch Ðằøng Giang còn là cửa ngõ của nước ta thông thương ra vịnh Hạ Long, phía hữu ngạn có dãy núi vôi Tràng Kênh gồm nhiều hang động sông lạch và thung lũng hiểm trở . Lịch sử chưa chứng minh được trận đánh xẩy ra ở khúc nào trên sông Bạch Ðằng nhưng biết chắc ở một chỗ nào đó giữa khoảng ngã ba sông Chanh cho tới cửa biển.

Trước hết tưởng cũng cần nhắc lại, chúng ta có ba (3) trận Bạch Ðằng Giang, cả ba trận quân Tầu thua cả ba:

- Trận thứ nhất do Ngô Quyền đại chiến với quân Nam Hán năm 939. (trong phạm vi chật hẹp của bài này xin chỉ được mô tả trận đánh thần tốc này).

- Trận thứ hai xẩy ra năm vào tháng 3 năm Tân Tỵ 981.Với ý đồ xâm lăng, quân nhà Tống chia làm hai toán sang đánh nước ta, toán thứ nhất do Hầu nhơn Bảo và Tôn toàn Hưng tiến chiếm Lạng Sơn, toán thứ hai do Lưu Trừng đem thủy quân tiến vào sông Bạch Ðằng. Vua Lê Ðại Hành thấy sức địch quá mạnh phải lui binh và trá hàng rồi dụ Hầu nhơn Bảo tới chỗ nguy hiểm bắt giết chết tại chỗ, quân Tống như rắn không đầu mất tinh thần bỏ chạy tán loạn bị giết hơn một nửa, bọn thủy quân do Lưu Trừng lãnh đạo thấy lục quân tan vỡ vội vàng tháo chạy không dám nghênh chiến .Kết quả trận thứ hai này chúng ta không tốn một giọt mồ hôi đã làm quân Tầu hoảng vía, bỏ chạy.

- Trận thứ ba do Hưng Ðạo Vương Trần Quốc Tuấn đại phá quân Nguyên năm Mậu Tý 1288 , bốn tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi , Phàn Tướng, Tích Lệ và Cơ Ngọc bị bắt sống cùng hơn 400 chiến thuyền bị đánh đắm cùng hàng ngàn xác chết, máu chẩy đầy sông.

III) Ngô Quyền giết Kiều công Tiễn và tiêu diệt quân Nam Hán.





Ðạo binh của Ngô Quyền ào ạt vượt qua đèo Ba Dội tiến như vũ bão đến thành Ðại La mà không gặp một sức chống cự nào của Kiều công Tiễn, chỉ trong vòng vài ngày, thành Ðại La thất thủ , Kiều công Tiễn bị chém đầu bêu tại cửa thành. Ngô Quyền vào thành họp các tướng sĩ mà bàn rằng:

- Hoàng Tháo là một đứa trẻ dại, ,đem quân từ xa đến quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Kiều công Tiễn bị giết chết , không có người làm nội ứng đã mất vía trước rồi. Quân ta sức còn mạnh, địch với quân mỏi mệt tất phá được! Song chúng lợi là có chiến thuyền to lớn , nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua cũng không thể biết được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở cửa biển trước vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của chúng nhân khi nước triều lên , tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự . Không kế gì hay hơn kế ấy cả!

Chư tướng đều phục kế sách ấy tuyệt vời và nghiêm chỉnh thi hành. Ngô Quyền huy động toàn quân, toàn dân vào rừng chặt cây thành từng khúc vót nhọn một đầu rồi đem bịt sắt lại và cắm xuống lòng sông Bạch Ðằng khoảng gần cửa sông,cọc được đóng thành một trận địa cọc mênh mông bát ngát từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia , khi thủy triều lên cọc bị che kín , đứng từ bờ bên này nhìn sang bên kia là những vách đá cheo leo, rừng cây rậm rạp, gió thổi ào ào, sóng gầm thét dữ dội, cảnh đẹp hùng vĩ có ai ngờ dưới mặt nước kia là một bãi cọc nguy hiểm mà chỉ trong vòng vài ngày nữa khi thủy triều xuống sẽ là mộâ chôn của hàng ngàn quân xâm lược.

Sau khi trận địa cọc đã được bầy bố xong xuôi, Ngô Quyền cử Tướng Dương Tam Kha thống lãnh một đạo hùng binh đóng dọc theo bờ bên phải của sông Bạch Ðằng, đồng thời, Ngô xương Ngập cùng Ðỗ cảnh Thạc đem một đạo quân khác đóng ở bờ bên trái của sông Bạch Ðằng. Trong khi đó, Ngô Quyền hướng dẫn một hạm đội gồm mhiều chiến thuyền lớn nhỏ đóng ở phía thượng lưu sông Bạch Ðằng hầu chặn hướng tiến của địch quân.

IV) Trận Bạch Ðằng Giang

Trong các hải cảng của Trung Quốc, cửa biển Quảng Châu là một trong những cửa biển lớn, đồng thời cũng là trung tâm mậu dịch buôn bán với khắp nơi trên thế giới, và là một quân cảng quan trọng hàng đầu trấn giữ vùng biển Thái bình Dương. Từ Quảng Châu các chiến thuyền Trung Quốc đi dọc theo vịnh Hạ Long để vào cửa sông Bạch Ðằng mất khoảng 5- 7 ngày. Suốt dọc đường không có gì trở ngại vì như chúng ta đã biết mặt nước của vịnh Hạ Long luôn luôn phẳng lặng, dễ dàng cho tầu bè qua lại. Thái tử Lưu Hoàng Tháo là một người trẻ tuổi, hung hăng, thiếu kinh nghiệm nên thừa lúc quân Nam Hán đến cửa sông Bạch Ðằng chờ lúc thủy triều lên để tiến vào thì Ngô Quyền bắn tin cho biết Kiều công Tiễn đã bị giết , đây là một đòn tâm lý làm cho quân địch hoang mang, dao động . Quả trúng kế, khi thủy triều lên Ngô Quyền cho một vài chiến thuyền nhỏ ra khiêu chiến rồi giả vờ thua rút lui, Lưu hoàng Tháo với thái độ dương dương tự đắc, khinh địch, thiếu kinh nghiệm đã cho quân đuổi theo ,khi tất cả các chiến thuyền của quân Nam Hán đã vượt qua bãi cọc đóng sẵn thì quân ta bắt đầu tấn công. Từ hai bên bờ các binh sĩ bắn ra những tên, tên lửa để tiêu hủy thuyền địch, đồng thời những thuyền nhỏ của ta được thả xuống từng toán tấn công địch từ khắp mọi phía, thêm vào đó, hạm đội thiện chiến do Ngô Quyền chỉ huy từ phiá thượng lưu tấn công như vũ bão vào các chiến thuyền địch.Với ba mũi dùi tấn công của quân ta, quân Nam Hán trở nên nao núng, càng ngày trận chiến càng trở nên ác liệt, tuy nhiên,quân ta cũng vẫn chỉ đánh cầm chừng chờ khi thủy triều xuống mới tấn công dữ dội .Trước sức tấn công mãnh liệt của quân ta Thái tử Lưu Hoàng Tháo phải cho quân rút lui ra biển để bảo toàn lực lượng, nào ngờ các các cọc được đóng sẵn ( vì nước triều xuống) bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước làm cản trở sự di chuyển của thuyền địch , thêm vào đó có cái đâm thủng thuyền địch, không bỏ lỡ cơ hội, Ngô Quyền cho một toán người nhái lặn xuống lòng sông đục thủng thuyền địch làm thuyền địch chìm rồi bị nước cuốn ra biển vô số kể , quân Nam Hán kẻ bị thương, kẻ bị tên bắn trúng, kẻ không biết bơi chết hầu như gần hết tất cả bị thủy triều lôi ra biển trong nháy mắt. Thái Tử Lưu Hoàng Tháo và Trước Tác Tả Lang Hầu Dung bị chết tại trận . Trận chiến diễn ra rất khốc liệt nhất là vào lúc thủy triều xuống , cả hạm đội oai hùng của quân Nam Hán bị tiêu hủy không còn một chiếc chạy thoát về Tầu, hàng ngàn, hàng ngàn quân sĩ tử trận xác chết đầy sông. Trận chiến diễn ra chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ từ lúc thủy triều lên cho đến khi thủy triều xuống nhanh đến nỗi Vua Nam Hán chưa kịp được báo tin thì trận chiến đã kết thúc, nước triều đã cuốn tấn cả thuyền bè, xác người ra biển cả.

Nghe tin Thái Tử Lưu Hoàng Tháo bỏ xác tại trận, Vua Nam Hán bàng hoàng kinh sợ thu hồi binh mã bỏ ý định xâm chiếm nước ta. Khi về tới kinh đô, Vua Nam Hán hèn hạ không nhận lỗi mà đổ tội cho Trước Tác Tả Lang Hầu Dung đã cản trở cuộc tiến binh làm nhụt lòng binh sĩ, y truyền cho đào mả của Hầu Dung lấy xác băm ra làm trăm mảnh để làm gương cho kẻ khác, đồng thời xét thấy cái tên Lưu Cung không được hên cho lắm, bèn đổi thành Lưu Yểm.

IV) Một vài nhận xét về trận Bạch Ðằng Giang





Trận Bạch Ðằng Giang là một nét độc đáo trong nghệ thuật quân sự không riêng gì của Việt Nam mà của cả thế giới. Ngô Quyền đã sáng tạo một trận địa cọc tuyệt hảo mà sau này Vua Lê Ðại Hành cũng như Hưng Ðạo Ðại Vương Trần quốc Tuấn đã áp dụng và chiến thắng vẻ vang. Kỹ thuật đóng cọc thật là tinh vi, khỏang cách của các cọc xa nhau vừa đủ chỉ để những thuyền nhỏ của quân ta lách qua mà không gặp trở ngại (xem hình 2) trong khi các thuyền lớn của quân Nam Hán bị kẹt cứng giữa các lằn cọc không thể nào di chuyển được mà còn bị cọc đâm thủng. Hơn nữa, Ngô Quyền còn tính toán thế nào để vừa vặn lúc thủy triều xuống phải tấn công mạnh mẽ để địch quân phải lui binh mà kẹt trong đám cọc đã đóng sẵn. Sự tính toán cho đúng thời điểm từ lúc khiêu chiến (nước thủy triều lên) , lúc giả thua thế nào để địch tin tưởng là thật mà đuổi theo , phải đánh cầm chừng thế nào để địch quân không tiến ra xa quá bãi cọc hầu lúc thủy triều xuống có thể kịp thời dốc toàn lực tấn công mạnh mẽ làm địch quân không có cách nào hơn là phải lui binh để phải xập vào bẫy đã định sẵn ( bãi cọc) là một bài toán khó khăn của Ngô Quyền. Một số cọc (xem hình 3) đã được tìm thấy sau này ở khoảng ngã ba sông Chanh, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khảo cổ tính bằng chất phóng xạ Carbon C14 thì đây có thể là những cọc có niên đại vào khoảng 1288 tức là thuộc trận Bạch Ðằng thứ ba của Hưng Ðạo Ðại Vương phá quân Nguyên.

V) Xét một vài ưu khuyết điểm của cả hai bên.

1) Quân Nam Hán.

a) Ưu điểm. Quân Nam Hán là một quân đội tinh nhuệ, được huấn luyện kỹ càng , võ trang đầy đủ, thêm vào đó chiến thuyền là những thuyền lớn vượt đại dương một cách dễ dàng

b) Khuyết điểm. Thái Tử Lưu Hoàng Tháo là một người trẻ tuổi, kiêu ngạo, chủ quan, khinh địch . Trong binh thơ Tôn Tử có câu " Biết mình, biết người trăm trận trăm thắng .Thái Tử Lưu Hoàng Tháo có thể biết mình nhưng đã không biết người , không biết gì về Ngô Quyền, về sông Bạch Ðằng , không hề tìm hiểu về tình hình địch, không có một chút hiểu biết tối thiểu nào về sông Bạch Ðằng, nơi mà trận chiến sẽ xẩy ra, đó là khuyết đểm to lớn nhất của một nhà quân sự.

2) Quân của Ngô Quyền.

a) Khuyết điểm. Ða số quân của Ngô Quyền là lính mới. Lúc đầu chỉ là một đội quân nhỏ đủ để giữ thành Ái Châu (Thanh Hóa), nhưng từ khi Ngô Quyền phất cờ khởi nghĩa, hàng ngàn hàng vạn thanh niên nam nữ từ khắp mọi nơi về đầu quân dưới ngọn cờ chính nghĩa cho đến khi trận đánh bắt đầu chỉ có vài ba tháng, việc huấn luyện rất sơ sài có thể không đủ sức đương đầu với một đội quân hùng mạnh, tinh nhuệ như quân Nam Hán. Thêm vào đó Ngô Quyền không có nhiều chiến thuyền to lớn như quân Nam Hán, đa số những thuyền của Ngô Quyền là những thuyền nhỏ do dân chúng, các hào trưởng, các bộ lạc địa phương hiến tặng.

b) Ưu điểm. Sở dĩ Ngô Quyền thắng được quân Nam Hán trước hết là nhờ những tin tức tình báo, Ngô Quyền đã biết trước được con đường tiến quân của Thái Tử Lưu Hoàng Tháo để chặn đánh , sau nữa là nhờ mưu trí, ôngõ bầy ra một cái bẫy kổng lồ dưới lòng sông Bạch Ðằng mà địch quân không hề biết đến cộâng với tinh thần yêu nước cùng sự căm thù của quân dân ta sau khi phải chịu đựng hơn một ngàn năm đô hộ tàn ác, cực kỳ hung bạo. Ý chí quyết vùng lên đánh đuổi quân xâm lược đã là một trong những yếu tố quyết định trong trận hải chiến một mất một còn này. Hơn nữa Ngô Quyền có đầy đủ ba yếu tố Thiên thời, Ðịa lợi, Nhân hòa. Thiên thời là gặp lúc mùa đông gió bấc, mưa to sóng lớn làm trở ngại cho việc điều binh của quân Nam Hán rất nhiều nơi đất lạ quê người. Ðịa thế hiểm trở, núi non ngất trời ,rừng rậm bao la hai bên bờ sông làm cho quân vủa Ngô Quyền dễ bề ẩn núp cộng với lòng sông thoai thoải dốc ra biển lúc nông lúc sâu tạo thành tạo thành những đợt sóng bạc đầu là một lợi thế của quân ta. Nhưng quan trọng hơn cả là yếu tố Nhân hòa, sau hơn một ngàn năm bị đô hộ, toàn dân muôn người như một chung lưng đấu cật là một yếu tố tất thắng của quân dân ta.

VI) Kết luận.

Ngay sau khi đại phá quân Nam Hán, Ngô Quyền bỏ chức Tiết độ Sứ , không chịu thần phục nước Tầu và xưng Vương là Ngô Vương Quyền. Nhưng làm vua chỉ được vỏn vẹn 5 năm thì mất . Ngô Vương Quyền sinh ngày 12 tháng 3 năm Ðinh Tỵ 897 tại làng Ðường Lâm tỉnh Sơn Tây con của Thứ Sử Ngô Mân, mất năm 944 hưởng thọ 47 tuổi . Sử sách mô tả Ông là một người có thân thể cường tráng, trí tuệ sáng suốt , chăm rèn võ nghệ. Vẻ người khôi ngô, mát sáng như chớp, có trí dũng, sức có thể nhấc vạc giơ cao. Sử gia Lê văn Hưu viết trong Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư:

" Tiền Ngô Vương lấy quân mới tập họp của đất Việt mà đã phá được trăm vạn quân của Lưu Hoàng Tháo, mở nước xưng Vương , làm cho người phương Bắc không dám sang nữa.Chỉ là một cơn giận, báo thù cho chủ tướng mà yên được dân, mưu giỏi mà đánh cũng giỏi vậy."

Nhà sử học Ngô thì Sĩ đã hết sức ca ngợi chiến thắng Bạch Ðằng Giang như sau:

" Thắng lợi lớn trên sông Bạch Ðằng đặt căn bản cho việc phục lại quốc thống sau này, các đời Ðinh,Lê, Lý, Trần vẫn phải nhờ vào cái uy danh lẫm liệt ấy . Hơn nữa chiến công Bạch Ðằng còn vang dội cho đến nghìn thu, há phải chỉ lừng lẫy thời bấy giờ mà thôi đâu! "

Bắc Giang




- Ngườihiệuđính: dchph vào ngày Nov.6.2012, 18:18 pm

-----------------------------

Nov.6.2012 18:15 pm
Ðềtài nầy đãcó 0 bàitrảlời kểtừ Nov.6.2012.
Xếp đềtài nầy vào mục cần theodõi  Email cho ngườiquen  In đềtài nầy ra giấy

Trảlời nhanh

NOT ALL THE CHINESE RULERS LEARN THE SAME THE LESSONS OF VIETNAM'S HISTORY. LET'S TEACH THEM ANOTHER ONE, A CHINA 911 STYLE!
Flag counter for this page only -- reset 06262011

Diễnđàn cổvũ sửađổi cáchviết ChữViệt2020 mới!
ziendan.net | vny2k.com | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com
©2002-2023 vny2k.com