admin |
Ziendan.net
|
|
Hồsơ |
Gianhập:
| Sep.15.2002 |
Nơicưtrú:
| Global Village |
Trìnhtrạng:
|
[hiệntại không cómặt trên diễnđàn]
|
IP:
| IP ghinhập |
|
NGUYỄN DU CÓTHỰCSỰ HOÀI LÊ ?
Bắc Giang Hôm nay tình cờ mở một quyển sách giáo khoa nói về truyện Kiều thấy tác giả bàn luận về tâm sự hoài Lê của cụ Tiên Ðiền làm tôi nghi ngờ , thấy có một điều gì bất ổn.Tôi không biết sự thật cụ Tiên Ðiền mang cái tâm sự lạ lùng đó hay không? Tại sao cụ lại phải hoài Lê, nếu có hoài , có thương, có nhớ, có tiếc thì tiếc những ông vua giỏi dang, tài đức chứ ai lại đi tiếc cái nhà Lê .. mạt đó! Ai chứng minh được tâm sự hoài Lê của cụ là sự thật, tài liệu nào nói đến điều đó, gia đình, bạn bè, hàng xóm,những người thân thuộc, có ai được nghe cụ thố lộ tâm sự đó chưa? Trong các bài thơ chữ Hán, chữ Nôm , từ ba tác phẩm viết bằng chữ Hán ( Thanh hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục) cho đến bốn tác phẩm bằng chữ Nôm ( Thác lời trai phường nón, Văn tế hai cô gái phường vải, Văn tế thập loại chúng sinh, Ðoạn trường tân thanh) không thấy một câu, một đoạn nào mang ý nghĩa " hoài Lê" , dù nghĩa đen hay nghĩa bóng, bài nào của cụ đã dám diễn tả cái tâm sự " bất trung" đó ? Sách đã nói: " Trung thần bất sự nhị quân" , là người đã đỗ đến tam trường , từng đi sứ sang Trung Hoa, làm quan đến chức Ðông các đại học sĩ, cụ tất hiểu điều ấy hơn ai hết .Là người nho học xuất thân, tài hoa phong nhã ,đầy khí tiết thì càng không thể mang cái tâm sự vừa bất trung vừa.. phản loạn đó! Sở dĩ tôi gọi là tâm sự phản loạn vì cụ không thể bắt chước những bọn đứng núi này trông núi nọ, làm quan, ăn bổng lộc của triều Nguyễn mà dám tưởng nhớ đến nhà Lê, ( tội này nhẹ nhất là chém đầu không thì cũng tru di tam tộc) ,mà thực sự nhà Lê thời đó chỉ là một nhà Lê .. mạt, với những Lê Chiêu Thống non yếu, bất tài, bất lực, Lê Hiển Tông ngồi làm bù nhìn trong suốt 46 năm, chẳng có gì đáng mà phải.. hoài, phải nhớ, phải mong, quyền bính đã nằm trong tay Chúa Trịnh, Vua Lê chỉ ngồi đó làm vì , mọi chuyện đều do phủ Chúa quyết định , bổng lộc đều do Chúa Trịnh ban phát, vậy nếu có hoài thì hoài Trịnh chứ sao .. hoài Lê??? Nếu có hoài Lê đi chăng nữa là hoài cái thời xa xưa của vua Lê Thái Tổ (1428-1533) đánh đuổi quân Minh dành lại độc lập cho nước nhà, hoặc vua Lê Thánh Tông một vị hiền triết , thông minh bác học, chứ ai lai đi hoài cái ông vua bạc nhược kia! Hơn thế nữa, đa số những người trong dòng họ cụ Tiên Ðiền đều phò nhà Trịnh từ Nguyễn Nghiễm cho đến Nguyễn Khản đều được Chúa Trịnh vị nể, tin dùng. "Ăn cây nào rào cây ấy" Aên cơm của Chúa Trịnh, chúa Nguyễn mà cứ nằng nặc .. hoài Lê thì đúng ra phải căng ra đánh cho một trăm trượng mới hả dạ!!! Vả lại, trong ÐTTT cụ cũng đề cao đạo lý "trung, hiếu, tiết, nghĩa", cụ còn thấm nhuần tinh thần "trung quân ái quốc" của Mạnh Tử thì không có một lý do gì lại hoài Lê, lại ngấm ngầm tỏ vẻ bất trung với nhà Nguyễn!!!Nói vậy thì nói chứ có hoài ai đi chăng nữa cũng không phải đức tính tốt của một chính nhân quân tử! Gán cho cụ Tiên Ðiền cái "bản án" hoài Lê,tôi nghĩ , là hạ nhục cụ chứ thật ra chẳng có vinh dự gì, nếu cụ còn sống mà biết điều này thì chắc chắn phải .. la trời!!! Ða số những sĩ phu thời Lê mạt điều biết rõ Chúa Trịnh chuyên quyền nhưng vì chức tước, bổng lộc, địa vị, danh vọng mà phải phò Trịnh . Khi nhà Tây Sơn mang quân ra Bắc hà với danh nghĩa " Phò Lê, diệt Trịnh" thì hầu như cả dòng họ nhà Nguyễn Tiên Ðiền đều chống nhà Tây Sơn bởi vì đụng chạm đến quyền lợi riêng tư chứ chẳng có lý tưởng phò Lê gì cả! Việc cụ Tiên Ðiền định chạy theo Lê chiêu Thống sang Tầu ( nhưng thất bại) cũng chỉ là một cách mưu tìm bổng lộc cho chính mình chứ không phải vì trung thành, trung nghĩa! Nếu nói là trung thành thì tại sao không lo việc cần vương cho đến nơi đến chốn mà lại ra cộng tác với vua Gia Long??? Trước khi chứng minh cụ Tiên Ðiền không hề hoài Lê như người đời sau gán ghép ï, thiết tưởng nên lược qua phần tiểu sử và tình trạng xã hội lúc đó. - Cụ sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766 (tức là ngày 23 tháng 11 năm Ất dậu) , có sách đề năm 1765 tức là năm thứ 28 niên hiệu Cảnh Hưng, nguyên quán làng Tiên Ðiền, huyện Ngi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, thân phụ là nhị giáp tiến sĩ Nguyễn Nghiễm , thân mẫu là bà trắc thất Trần thị Thấn. - Năm 1771 : Anh em nhà Tây sơn khởi binh , Nguyễn Du được 5 tuổi. - Năm 1776 : Tây sơn hạ thành Gia định - Năm 1778 : Nguyễn Nhạc lên ngôi vua tại Qui Nhơn - Năm 1782 : Trịnh Sâm mất, Trịnh Tông lên ngôi Chúa cử Nguyễn Khản ( anh cả của Nguễn Du) làm Thượng thư bộ Lại, Nguyễn Du được 16 tuổi. - Năm 1785 : Nguyễn Huệ đại thắng ở Phú Xuân. Nguyễn Du 19 tuổi đỗ tam trường - Năm 1786 : Nguyễn Huệ ra Bắc diệt Trịnh vói chiêu bài "diệt Trịnh, phò Lê". Nguyễn Du được 20 tuổi, " có thể" khởi sự viết Thanh hiên thi tập - Năm 1788 : Nhà Lê mất nghiệp , Nguyễn Aùnh tái chiếm thành Gia định. - Năm 1789 : Quang Trung đại phá quân Thanh , vua Lê chiêu Thống trốn sang Tầu cầu cứu , Nguyễn Du (23 tuổi) đang giữ chức quan võ ở Thái Nguyên, không thể sang Tầu với vua Lê, đành về làng Quỳnh Côi ở với anh vợ là Ðoàn nguyễn Tuấn lo việc cần vương nhưng thất bại nên về ẩn náu tại Tiên Ðiền. - Năm 1796 : Nguyễn Du dự định vào Gia định cộng tác với Chúa Nguyễn , âm mưu bị bại lộ, bị nhà Tây sơn bắt giam ba tháng. "Có thể" cụ đã thai nghén ÐTTT vào thời gian này.Năm nay Nguyễn Du đúng 30 tuổi. " Trải qua một cuộc biển dâu". ( Một biển dâu= 30 năm) - Năm 1797 : Nguyễn Du ẩn dật tại Tiên Ðiền, - Năm 1801 : Nguyễn Aùnh hạ thành Huế, qua năm sau 1802 hạ thành Thăng Long thống nhất sơn hà, lên ngôi Hoàng đế niên hiệu Gia Long, xuống chiếu mời các cựu thần nhà Lê trở lại làm quan. Ðến đây bắt đầu cái khúc mắc, đầu mối cho những nghi vấn văn học sau này . Sử liệu không ghi rõ cụ " bị" hay "được" ra làm quan (vì chỉ một mình cụ biết chuyện này) . Nếu "bị" ra làm quan thì tâm sự hoài Lê có thể xẩy ra, hoặc nếu vì ham bổng lộc, danh vọng, địa vị mà "được" ra làm quan thì tâm sự hoài Lê coi như không có (chỉ do đời sau gán ghép, bịa đặt) hoặc nếu có thì cụ đáng để người đời khinh thường, chê bai không xứng đáng là một kẻ sĩ đã thấm nhuần tinh thần Khổng Mạnh. Cụ lần lượt nhận chức tri huyện Phù Dực (Thái Bình) , tri phủ Thường Tín, Bố Chánh tỉnh Quảng bình, - Năm 1805 : Vua Gia Long vời cụ vào Phú Xuân ban tước Du Ðức Hầu, "có thể" cùng năm này cũ đã hoàn thành tác phẩm ÐTTT - Năm 1813: Cụ được thăng Cần chánh đại học sĩ , đồng thời được cử làm Chánh sứ sang Tầu - Năm 1820 : Vua Gia Long băng hà, Vua Minh mạng lên ngôi , cụ được cử sang Trung quốc lần thứ hai, nhưng chưa kịp đi thì bị bệnh mất vào ngày 16 tháng 9 năm 1820 , hưởng thọ 54 tuổi. Bây giờ chúng ta bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn và tế nhị, đó là công việc tìm hiểu qua tác phẩm ÐTTT cùng các bài thơ chữ Hán, chữ Nôm và cuộc đời tác giả xem thật sự cụ Tiên Ðiền có mang tâm sự hoài Lê hay không? Ở các nước tây phương, việc nghiên cứu một tác giả hay một tác phẩm theo tiến trình hoàn toàn khoa học vì họ có đầy đủ kiến thức, phương tiện, công ,của để thực hiện tiến trình này một cách toàn hảo ,vô tư . Công việc nghiên cứu, phê bình ở Việt nam gặp nhiều trở ngại nhất là những tác phẩm cổ ,chúng ta thiếu thốn đủ thứ về sử liệu , thân thế tác giả, thời đại tác phẩm thai nghén, hoàn thành cũng như chủ đích của tác giả khi sáng tác muốn nói lên tâm sự gì. Nhiều tác phẩm văn chương của Việt nam nay đã bị tam sao thất bản , mỗi bản in một khác, lại thêm dịch lại từ chữ Hán, chữ Nôm mỗi người tùy theo sự hiểu biết hạn hẹp, chủ quan của mình, dịch khác nhau không đúng nguyên bản, đôi khi làm sai hẳn ý nghĩa của tác giả, có khi những điều chúng ta biết về tác giả chỉ là giai thoại, tục truyền, không căn cứ vào những tài liệu vững chắc. Một thí dụ điển hình là cho đến bây giờ chúng ta biết được bao nhiêu về nữ sĩ Hồ xuân Hương, có thật có một người đàn bà tên là Hồ xuân Hương, nếu có, thì thật sự bà sinh ra năm nào? Hay chỉ là nghe đồn, tục truyền, giai thoại, truyền thuyết , những bài thơ mà chúng ta biết được có thật là của một người tên là Hồ xuân Hương mà chúng ta chiêm ngưỡng hay không , hay các cụ ta thời xưa hễ cứ thấy bài nào có vẻ "tục" thì gán đại cho Hồ xuân Hương, lâu dần từ đời này sang đời khác mặc nhiên những "gán đại" đó trở thành sự thật!!! Ðó là một điều khó khăn cho công việc nghiên cứu văn học sau này. Trở lại ÐTTT, chúng ta có ít nhất bẩy bản chữ nôm và hai mươi mốt bản quốc ngữ, mỗi bản đôi khi có nhiều chữ thật khác nhau từ cách viết cho đến ý nghĩa, thí dụ, có bản in "Phong tình CỔ lục còn truyền sử xanh" bản khác in " Phong tình CO¨ lục còn truyền sử xanh" Có bản in " Ngựa xe như nước áo quần như NEN" có bản in " Ngựa xe như nước áo quần như NEM". Hoặc " Gia tư NGHỈ (dấu hỏi) cũng thường thường bậc trung" hoặc " Gia tư NGH¹ (dấu ngã) cũng thường thường bậc trung" Qua những sự khác biệt ấy chứng tỏ các cụ ta ngày xưa không đặt nặng vấn đề bảo tồn văn hóa , chúng ta không có những thư viện, viện bảo tàng, trung tâm nghiên cứu, để góp nhặt, phân loại, bảo quản những tài liệu lịch sử đưa đến tình trạng " rối loạn văn học" như hiện nay,ai muốn nói gì thì nói, muốn viết gì thì viết, kể cảø những nhà nghiên cứu, phê bình văn học, hầu như những gì chúng ta biết được về tác phẩm, tác giả đều là .. giả thuyết!!! Mỗi người như một ông thầy bói mù coi voi mà đưa một giả thuyết khác nhau làm cho lũ hậu sinh lâm vào mê hồn trận! Một điều đau khổ là những giả thuyết của những ông thầy bói mù này lại được mang vào văn học sử, giảng dậy ở bậc trung học, đại học!!! Muốn nghiên cứu một tác giả phải biết tác giả đó sinh năm nào? Ơû đâu? Gia thế ra làm sao? Hoàn cảnh sống như thế nào? Tình trạng xã hội lúc đó ra sao? Chiến tranh? Hòa bình? Ðời sống vật chất, đờisống tinh thần, đời sống tình cảm. Tất cả từ những chi tiết nhỏ nhặt thời niên thiếu, lúc trưởng thành, lúc thái nghén tác phẩm, lúc viết tác phẩm đều ảnh hưởng tới tác phẩm đó. Muốn vậy nhà nghiên cứu, phê bình phải xem xét cặn kẽ từng chi tiết, nếu có thể đến tận nơi tác giả đó đã từng sống, căn nhà tác giả đó đã từng ở, từng đi qua, tiếp xúc với dân địa phương để biết những phong tục tập quán còn rơi rớt lại, những văn bản, những chi tiết mà con cháu, họ hàng, làng xóm, bạn bè còn lưu giữ , tất cả được đem về dùng những phương pháp khoa học như phân tích, tổng hợp, loại trừ vv.. như vậy mới hy vọng - tôi dùng chữ hy vọng- có được tài liệu THẬT và SỐNG ÐỘNG về tác giả đó. Chúng ta không thể ngồi trên bàn viết muốn viết sao, muốn vẽ voi, vẽ chuột ra sao lũ con cháu phải chịu vậy!!! Với Ðoạn Trường Tân Thanh, chỉ giới hạn trong tâm sự " hoài Lê" của cụ Tiên Ðiền là một trường hợp điển hình .Hầu hết các sách giáo khoa của chúng ta, các tài liệu còn sót lại mà chúng ta biết được đều nhai đi , nhai lại cái tâm sự "hoài Lê" đó mà thật sự cụ Tiên Ðiền CO¨ THỂ KHÔNG CO¨! Là một người xuất thân nho học, đã từng làm quan, đã từng là Cần Chánh Ðiện Học Sĩ, đã từng làm Chánh Sứ sang Trung Hoa, đã hưởng biết bao bổng lộc nhà Nguyễn thì cụ Tiên Ðiền có gan to bằng trời cũng không dám có tâm sự đó vì các vua chúa thời xưa rất đa nghi, chỉ hơi tỏ vẻ bất mãn, bất trung là có thể bị chém đầu như chơi! Ngược lại, cụ Tiên Ðiền rất được các vua triều Nguyễn trọng vọng, tin cẩn, chính Giáo sư Thanh Lãng cũng phải xác nhận đọc hết các thơ văn của cụ từ chữ Hán sang chữ Nôm không hề thấy một đoạn nào cụ Tiên Ðiền ghét nhà Nguyễn, kể cả nhà Tây Sơn, hoặc tưởng nhớ nhà Lê, hơn thế nữa cụ rất thích thú trong thời gian làm quan phụng sự triều Nguyễn, ngay đến lúc bị bệnh gần chết, tưởng lại được phụng mạng Vua đi sứ lần thứ hai nhưng chẳng may bạo bệnh qua đời, chứng tỏ rằng cụ chẳng hoài .. ai cả!! Vua cho việc thì làm hết mình hết sức, tận tâm tận lực, đó là ước nguyện, tâm chí của kẻ sĩ. Người đời sau "gán đại" cho cụ cái tâm sự giống tâm sự của nàng Vương thúy Kiều , đã thề thốt với Kim Trọng mà phải rơi vào tay Thúc Sinh, Từ Hải trong suốt mười lăm năm , có thểø hoàn toàn sai lầm, vì nếu tâm sự đó có thật chăng nữa, cụ cũng chẳng dại gì bộ lộ ra( để mang tội bất trung) hoặïc ví mình với một " con đĩ" ( câu của cụ Ngô đức Kế và Huỳnh thúc Kháng) xấu xa đê hèn. Chúng ta thấy năm 1786 cụ cũng đã từng là một quan võ ở Thái Nguyên vậy tại sao không tự ví mình như Từ Hải : Ðường đường một đấng anh hào ít nhất cũng vinh dự hơn nhiều! Viết một tác phẩm, nhất là đại tác phẩm như ÐTTT không thể nào hoàn tất một sớm một chiều, một tháng một năm mà nhiều khi trải dài từ năm này qua năm nọ. Muốn biết cụ tiên Ðiền có hoài Lê hay không , chúng ta thử xem ÐTTT được thai nghén hay bắt đầu viết từ năm nào, nếu thai nghén từ trước khi làm quan cho nhà Nguyễn thì có gì đâu để mà .. hoài! Theo Trương Chính (đây cũng chỉ là giả thuyết) cụ Tiên Ðiền thai nghén ÐTTT vào năm 1796 , lúc đó vừa tròn 30 tuổi , nên trong phần mở đầu truyện Kiều chúng ta thấy câu: Trải qua một cuộc bể dâu Những điều trông thấy mà đau đớn lòng Trong sách "Thần tiên truyện" có viết: Tam thập niên vi nhất biến Thương hải biến vi tang điền Có nghĩa là trong đời người cứ ba mươi năm (tam thập niên) lại có một lần thay đổi, biển cả hóa thành ruộng dâu, ruộng dâu hóa thành biển cả. Ðại Nam Quốc Sử Diễn Ca cũng có câu: Biển dâu biến đổi cơ trời Mà so Hồng Lạc lâu dài ai hơn? Năm 1796 (cụ Tiên Ðiền được 30 tuổi) , cụ đã chứng kiến nhiều sự thay đổi tang thương ( Những điều trông thấy mà đau đớn lòng) từ cảnh thất bại nhục nhã của Vua Lê, Chúa Trịnh, đến loạn kiêu binh năm 1784, chuyện băng hà của Vua Quang Trung năm 1972, người vợ thân yêu của cụ mất năm 1795, tất cả đã làm rung động tâm hồn cụ, vừa vặn lúc đó cụ tình cờ được đọc Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân mà viết ra ÐTTT. So sánh tâm sự của cụ với tâm sự của nàng Kiều có thể không ổn thỏa cho lắm, nàng Kiều bỏ Kim Trọng lưu lạc giang hồ suốt mười lăm năm qua tay hết Thúc Sinh lại Từ Hải, luôn luôn nhớ về mối tình xưa cũ, còn cụ Tiên Ðiền mấtû Vua Lê, Chúa Trịnh nhưng năm 1796 đã ra làm quan cho nhà Nguyễn đâu, vậy làm sao có tâm sự giống Vương thúy Kiều được? (mãi cho đến năm 1802 mới " bị/ được" ra làm quan cho triều Nguyễn) . Nếu "bị" ra làm quan thì may ra còn hoài Lê, còn "được" ra làm quan thì chẳng còn lý do gì để hoài ai cả, chỉ hoài cái .. nồi cơm!!! Chín mươi phần trăm tôi đoán cụ "ÐƯỢC" ra làm quan , vì cụ không hề phàn nàn ,trách móc nhà Nguyễn, cụ còn được vua Gia Long tin dùng và thăng quan tiến chức rầm rầm!!! Cũng có nhiều giả thuyết đưa ra cho rằng cụ Tiên Ðiền viết ÐTTT sau khi làm quan cho triều Nguyễn, như tác giả Ðào duy Anh, Hoàng xuân Hãn đoán Nguyễn Du viết sau khi đi sứ về, dù trước hay sau, lúc nào đi chăng nữa, nếu chưa tìm được bằng chứng như di cảo, bút tích, sử liệu, thì cũng chỉ là giả thuyết không thể quyết đoán được! Nếu đọc kỹ ÐTTT chúng ta có thấy tác giả trình bầy hoàn cảnh thương cảm, éo le của nàng Kiều rồi nghĩ cụ Tiên Ðiền cũng có hoàn cảnh tương tự có thể sai, vì là một thi sĩ mang tâm hồn đa sầu đa cảm , trước những bất công uất ức cụ mượn lời thơ để diễn tả lại cái cảm xúc đó, chứ chưa chắc đã muốn gửi gấm gì trong đó! Tôi biết nhiều thi sĩ trong văn thơ thì than mây, khóc gió, nhớ nhung, thương tiếc, nhưng sự thật ngoài đời lúc nào cũng vui như tết, trong thơ thì: Một chè, một rượu, một đàn bà Ba cái lăng nhăng nó quấy ta Nhưng ngoài đời lại là là một người gương mẫu, đạo mạo, không thể nào ngờ được! Trong suốt chiều dài của hơn bốn ngàn năm dựng nước,từ đời Hùng Vương , nhà Ðinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn cho đến thời cận đại,biết bao cuộc đổi thay,biết bao nhiêu thăng trầm, các phe nhóm, đảng phái thay phiên nắm quyền cai trị đất nước, đa số sĩ phu của chúng ta chỉ phò .. thiïnh chứ ít ai dại gì phò..suy! Gần đây, nhất là dưới thời Pháp thuộc biết bao sĩ phu ra cộng tác với chính quyền thuộc địa, họ là những người văn hay chữ tốt, mộng ước lấp sông vá biển, vì dân vì nước, nhưng thực sự họ rất tính toán ,thực tế chỉ nghĩ đến quyền lợi của giai cấp, của gia đình, của cá nhân, thơ văn thì cao cả, đa sầu, đa cảm, nhưng thái độ chính trị lại xu thời, thỏa hiệp, đầu hàng, cụ Tiên Ðiền cũng chỉ là NGƯỜI không ra ngoài cái định lý thông thường ấy! Như vậy chuyện cụ "được" ra làm quan cho nhà Nguyễn và làm một cách hăng say, đam mê ,được các vua triều Nguyễn trọng vọng, khen thưởng là chuyện.. bình thường , chẳng dại gì ôm cái bụng trống rỗng mà hoài cái nhà Lê.. mạt đó! Câu hỏi được đặt ra là nếu thật sự cụ Tiên Ðiền không hoài Lê, thì giả thuyết này từ đâu mà có? Ðiều bất hạnh là chúng ta cũng không đủ tài liệu để chứng minh ai là tác giả của cái quan niệm "quái gở" này, chỉ biết rằng quan niệm này được một số người tán đồng, trong đó đáng kể nhất là những người đã ra cộng tác với chính quyền Pháp mưu tìm vinh thân phì gia, có được quyền thế, tạo được thế đứng trong văn học ,nhưng sợ thế gian chê cười,nên mượn truyện Kiều cũng như cụ Tiên Ðiền để bào chữa cho hành động "ma giáo" của mình, tự ví mình như Vương thúy Kiều, gán cho cụ Tiên Ðiền cái nhãn hoài Lê cũng như họ,ï mặc dù làm cho Pháp nhưng vẫn một lòng tưởng nhớ đến tổ quốc, con dân Việt Nam, những người đó phải kể đến Phạm Quỳnh, Tôn thọ Tường, Nguyễn văn Vĩnh..vv. Ðó cũng chỉ là thái độ của đa số kẻ sĩ "thực tế", sống theo thuyết "quyền biến", "xu thời" mà chính trong ÐTTT cụ cũng nhiều lần ca tụng thái độ "chấp kinh tòng quyền" đó: -Lần thứ nhất khi Thúy Kiều bán mình chuộc cha, biết bán mình là hành động xấu xa, nhưng vì đồng tiền trước mắt, nàng tự bào chữa: Sao cho cốt nhục vẹn toàn Trong khi ngộ biến tòng quyền biết sao. -Lần thứ hai sau khi Kim Trọng tìm được Thúy Kiều, nàng muốn đi tu cho trọn kiếp thì Vương Oâng khuyên giải: Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền -Lần thứ ba xẩy ra sau khi Kim Trọng tìm được nàng, muốn tái hợp duyên xưa cho trọn lời hứa lúc ban đầu (mười lăm năm trước) nên tìm cách dỗ ngon dỗ ngọt: Xưa nay trong đạo đàn bà Chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường Có khi biến, có khi thường Có quyền nào phải một đường chấp kinh Nhưng nói cho cùng, ta cũng không trách họ được, dù ai ai đi chăng nữa, kể cả chúng ta, cả cụ Tiên Ðiền, cả nhũng kẻ sĩ thời xưa, thời nay ,đều chỉ biết "tòng quyền", cứ thấy đâu "ốp- phơ gióp" thơm, tiền nhiều ,thì chạyï nhanh đến.. bắt , chỉ hoài cái.. nồi cơm chứ chẳng hoài ai cả!!! Bắc Giang
-----------------------------
We are the advocates of the new Vietnamese2020 language reform!
|