Back to VNY2K Homepage TRANGNHÀ VNY2K

Sángtác

Mụclục


Đứa Con Cầu Tự

Tácgiả: Nguyễn Phước Đáng

Một

Chiều nay, chiều ba mươi tháng chạp. Nhà ông Đạt giữ nếp cũ, tổ chức lễ cúng "rước ông bà" về ăn Tết. Ông mời duy nhứt một người bạn thời trung học. Ông nhìn mâm cổ cúng trên bàn thờ, buột miệng nói đùa với giọng thật nghiêm chỉnh và ngậm ngùi:

- Cúng vậy, nhưng không biết vong linh ông bà cha mẹ có book được vé máy bay EVA hay CATHAY PACIFIC... mà qua đây chứng chiếu lòng thành của mình không? Mấy tuần nay giá vé phi cơ qua lại VN lên vùn vụt. Chắc gì có vé...

Ông Đạt kéo mời ông Trần Quang lại bàn ăn...

Ông Trần Quang cúi nhìn mâm thức ăn trên bàn, ngước lên nhìn chủ nhà, rồi nói:

- Chỉ mình tôi với ông thôi sao?

- Chỉ mình ông với tôi thôi! Bà xã với mấy đứa con, con dâu và đám cháu nội ở mâm sau. - Ông Đạt nheo mắt, cười đểu, hạ giọng - Mình quan trọng ngồi riêng mâm phòng khách...

- Len lén quan trọng hả?

Hai ông cùng cười vang như pháo chiều ba mươi...

- Có dự định mời Tuấn nheo, hắn có thời làm sĩ quan "tà lọt" Phụ Tá Chánh Văn Phòng Phủ Thủ Tướng Trần Văn Hương, ông nhớ chớ? Nhưng hôm nay, ngày áp chót năm âm lịch, chợ đông khách, nên chủ chợ bắt làm thêm over time thành không đến được. Ông thích bia hay chát đỏ?

- Thứ nào nhè nhẹ. Còn lái xe về! Kỳ trước nhậu bên nhà thằng con ông có Tuấn nheo. Tôi nhớ. Lúc rày hắn ra sao?

- Vẫn như năm trước, đầu tắt mặt tối suốt 6 ngày, Hắn nghỉ ngày thứ Hai, nên cuối tuần có gì vui cũng chả rủ được hắn. Ê! Hôm nay có dĩa dưa đầu heo hết sẩy... Không có vụ lái xe, tôi bắt ông quắt cần câu mới về...

- Ngon! Ngon tuyệt! Mua ở đâu? Hay bả làm?

- Có tiệm nào bán ngon được vậy mà mua! Tôi có thường nhậu đâu mà bả làm! Nhưng mà hôm nay tôi nhậu mút chỉ với ông. Cạn ly nầy đi, rồi lai rai tôi kể chuyện lai lịch keo dưa đầu heo năm nay...

 

Hai

Những năm đầu "cách mạng thành công", tức là những năm đầu bọn mình sập tiệm, những năm có bà già tuyên bố "cột đèn có chân nó cũng bỏ nước ra đi", bà xã tôi từ Sài Gòn đi xe đò về Long Xuyên. Hai ba giờ khuya bắt thằng con thay bả ra bến xe miền Tây xếp hàng mua vé xe. Hàng người rồng rắn ngoằn ngoèo dài cả trăm thước. Nhân viên phòng vé còn bày trò "dê đạo lộ" bằng cách bắt từng người trong hàng xoè bàn tay, chìa ra cho anh ta cầm ký tên lên đó bằng bút bi, bất kể đàn ông con trai hay đàn bà con gái, để phòng vé kiểm soát chuyện bán chỗ cho người khác... Cầm được bàn tay đàn bà con gái, nhứt là bàn tay nào đẹp, thì anh ta rề rà ký lâu lắc... Ông ở tù mút mùa lệ thuỷ, nên không biết cảnh nầy. Tôi tù 2 năm rưởi về nên nếm trải nhiều lần. Sau lưng thằng con là "bác Út". Bác quèo thằng con, nhỏ to chuyện trò cho qua thì giờ, vì còn cả 1-2 tiếng nữa mới bắt đầu bán vé.

- Bác đi Long Xuyên thăm nuôi con gái, và phải ở lại đó vài ngày, mà bác không quen biết ai dưới đó...

Mãi đến khi bắt đầu bán vé, bà xã tôi mới ra, bả đi dọc theo hàng người dài nhằng để tìm thằng con. Nó bàn giao "bác Út" cho bả:

- Đây là bác Út, con mới quen. Bác có người con vượt biên bị bắt, giam giữ ở Long Xuyên, bác đi thăm, mà không quen biết ai dưới đó hết. Má về nói với ba, thấy tiện thì giúp bác tạm trú ít ngày.

Xe khởi hành từ sáng sớm, qua gần 20 trạm kiểm soát hàng hoá của mỗi tỉnh, của mỗi huyện, của mỗi xã nữa, nên tới chiều bà xã mới về tới nhà, dẫn theo ông khách lạ hoắc. Và tôi liều mạng chứa chấp ông khách "anh Út", mà không "đăng ký tạm trú" suốt 2 ngày, để anh hoàn thành công việc thăm nuôi con gái cưng ở kinh ông Cò, đường vô núi Sập, Long Xuyên. "Anh Út" còn nhiều lần xuống thăm con, rồi tin cậy bọn tôi, nên sau đó cho đám con đông đảo xuống để đi thăm nuôi chị, em chúng thay ảnh nữa. Dĩ nhiên đám cháu tạm trú tại nhà chúng tôi. Hai gia đình trở thành thân thiết từ đó.

Khi cô con gái cưng được thả, "anh Út" không còn có dịp tới lui Long Xuyên nữa. Nhưng từ đó, mỗi lần có lên Sài Gòn, chúng tôi thường đến nhà thăm "anh Út".

Rồi bặt đi một dạo vài năm, khi tôi trở lại tìm thăm, thì hay tin gia đình anh đã sang Mỹ. Thế là đứt đường tơ! Hai gia đình lạc nhau, lạc nhau trên chục năm...

Bà Đạt từ nhà trong bước ra, nhìn mâm tiệc của 2 ông, đon đả:

- Thịt-gÃp-ba nướng và bánh hỏi còn nhiều. Tôi mang ra một dĩa nữa cho ông với chú Trần Quang nhậu. Còn món cà ri Ấn Độ sẽ dùng sau với bánh mì. Bánh mì Lee sanwiches y hệt bánh mì baguette Long Xuyên mình thuở trước... Các món, ăn có được không chú Trần Quang?

- Ngon! Ngon lắm chị...

- Món thịt-gÃp-ba của bà hôm nay tuyệt cú mèo!

- Ông khen thiệt hay có mặt chú Trần Quang ông khen để tôi phồng lỗ mũi? O€! Tôi quên! Để tôi vào đưa dĩa bánh phồng tôm và hạt điều ra, các ông lai rai...

- Ông kể lòng vòng nãy giờ mà chưa đả động gì tới chuyện dưa đầu heo...

- Thủng thẳng rồi sẽ tới. Mình còn nhậu lâu mà. Nhậu xong rồi, ông còn phải ở lại nói chuyện cho hả hơi rượu. Chừng đó ra về mới an toàn với mấy ông cảnh sát. Coi chừng mấy ổng bắt ông bước đi trên bờ kè vĩa hè, bắt làm chim bay cò bay, coi ông còn vững không, rồi bắt thử nồng độ rượu tùm lum... Ông còn nhớ Nguyễn Đắc Dận không?

- Dận dân biểu, vua chim cút chớ gì?

- Đấy! Dận dân biểu rút chốt lựu đạn, giơ cao tay đi lên diễn đàn giành micro, làm cả hội trường quốc hội ùa chạy bò càn. Dận dân biểu tẩm xăng, sắp sửa tự thiêu tại tiền đình quốc hội. Nhưng tất cả đều giả: Lựu đạn đã tháo lấy đi kíp nổ, rồi mới rút chốt an toàn. Tẩm xăng, nhưng không đem theo diêm quẹt mà lại mang theo bình chửa lửa!

Từ lúc rời mái trường Thoại Ngọc Hầu, tôi có nghe tiếng tăm Nguyễn Đắc Dận, nhưng đâu có dịp gặp y. Mãi đến khi vào thăm nuôi Mỹ tôi mới tình cờ gặp lại bạn cũ thời trung học đó. Nhìn nhau mà chẳng nói được một lời. Y đang là tù nhân tại trại giam đó. "Anh Út" nhờ tôi thay anh đi thăm nuôi Mỹ, đứa con gái bị tù của anh, vì lần đó anh không xuống được. Tôi chưa biết mặt Mỹ và Mỹ cũng chưa biết mặt tôi. Cuộc thăm nuôi trôi trót, dù gay go, có rất nhiều ngỡ ngàng. Do chả ai biết ai, phải đợi đến khi tất cả người thân đã gặp nhau xong, tới lúc chỉ còn lại tôi với Mỹ trơ trọi, chừng đó hai chú cháu ngầm hiểu đây là người thân của nhau. Chính tên Thiếu Tá công an Trưởng Trại Giam ngờ vực và đích thân ra chỗ thăm nuôi để ngầm theo dõi cuộc tiếp xúc của 2 chú cháu. Thăm nuôi xong ra về, tôi gặp Nguyễn Đắc Dận đang làm tạp dịch.

- Bây giờ Dận ở đâu? Hắn là dân biểu, sao lại bị giam ở đó?

- Hắn vượt biên bị bắt từ bên Miên, bị di lý về An Giang. Chuyện vượt biên của hắn cũng là chuyện ly kỳ, vượt biên bằng ghe tam bản với máy cô-le bốn. Đi cả bầu đàn thê tử. Sau khi được thả, Nguyễn Đắc Dận tìm đến nhà thăm tôi. Lúc hưng thịnh, dáng vóc, trang phục của y ra sao, tôi không có cơ hội thấy để biết. Lúc sa cơ, đến nhà tôi trông hắn thật thiểu não. Chỉ có cái miệng là còn Nguyễn Đắc Dận. Nụ cười vẫn duyên dáng y như thuở nào! Với giọng trầm ấm như xưa, hắn khề khà kể chuyện vượt biên cho tôi nghe:

 

Ba

Đoàn vượt biên của moa có 2 chiếc, ghe của moa và ghe của thằng Vân, đại uý trợ y ở quân y viện Long Xuyên mình, toa biết Vân mà! Nói là đoàn, vì đi chung một ngõ, ra cửa cùng một lúc, chứ thật ra ghe thằng nào nấy lo. Ghe vượt biên của bọn nầy là nhứt thế giới, chiếc tam bản nhỏ chạy bằng máy cô-le bốn, ra cửa biển Hà Tiên như một thuyền con đánh lưới ven biển. Bọn mình đã "điều nghiên" kỹ lưỡng: Ghe con với máy cô-le thì làm gì mà vượt biên vượt biển, nên từ Đông Hồ mình đường đường chính chính chạy xành xạch ra cửa biển Hà Tiên, qua mặt bọn VC canh gác dễ dàng. Con đường moa tính là đi cập ven biển vịnh Thái Lan, xa bờ trong độ an toàn sóng gió, như những chiếc thuyền đánh lưới to nhỏ tương đương ở địa phương, không quá xa để còn kịp tấp vào bờ khi biển động. Qua được một ngày an lành, đã gần đến Kampot, dự trù khi đến điểm nầy, moa tìm cách hoà nhập với những ghe đánh cá địa phương để vượt qua. Ở Kampot có bộ đội cộng sản Việt Nam. Rủi cho moa là hôm đó biển động, moa cho ghe tấp vào bờ, ghe bị cỡi lên đá lô nhô và bể mũi. Khi biển yên, ghe của thằng Vân "ra khơi" lại, sau nầy biết được là nó đi lọt, còn moa không trở ra được, mà phải tìm cách sửa ghe. Thật là bối rối, moa chưa biết phải xoay xở ra sao, thì hoạ vô đơn chí, một toán bộ đội cộng sản Việt Nam xuất hiện. Moa khai bị lâm nạn và mong được giúp đỡ đưa đến Kampot. Moa được giúp đỡ như mong muốn. Moa khai biết lái xe để hy vọng kiếm được việc làm cầm hơi, lòng khá vui mừng nghĩ rằng đã thoát nạn và sẽ hoạch định lại chuyện vượt biên. Từ đó sang Thái Lan thì gần lắm. Nhưng chỉ 5 hôm sau là moa bị bắt. Bọn bộ đội trở lại khu vực ghe lâm nạn, họ lục soát toàn khu vực và tìm thấy toàn bộ giấy tờ tuỳ thân moa cất giấu trong một bọng cây! Họ áp giải moa về Việt Nam. Sau cùng đưa vô giam ở kinh ông Cò hơn năm nay mới được thả. Moa có thằng con đang ở U¨c. Moa kiệt lực rồi sau chuyến nầy. Nhưng moa sẽ làm lại chuyến khác...

- Bây giờ Nguyễn Đắc Dận ở đâu?

- Không biết được con bảo lãnh hay tự y vượt thoát. Nhưng tôi biết y đang ở U¨c. Nào, mình cụng ly mừng cho Nguyễn Đắc Dận.

- Ông vẫn chưa nói đến chuyện dĩa dưa đầu heo.

- Sắp kể đây! -Ông Đạt quay vào nhà trong gọi- Bà ơi, bảo tụi nhỏ đưa cà-ri với bánh mì ra đây đi... Đừng dẹp thịt nướng và dưa đầu heo. Cứ để đó, bọn tôi vẫn còn ưa hai thứ nầy.

 

Bốn

Cuối năm 1993 tôi lò mò sang Mỹ. Tôi biết gia đình "anh Út" ở lẩn quẩn đâu đây quanh San Jose, mà không biết đích xác địa chỉ để tìm đến. Suốt 8 năm, thỉnh thoảng nhớ tới, vợ chồng cứ nhắc nhở nhau chuyện chưa tìm gặp được "anh Út". Tôi than với bả "Bây giờ mình khá ổn định rồi. Tôi chỉ còn ao ước gặp lại gia đình anh Út thôi!"

Rồi một hôm, ở nhà một mình, bất ngờ tôi được một cú phone lạ, hỏi qua hỏi lại để xác nhận lý lịch nhau. Đầu dây bên kia biết đầu dây bên nầy là "chú Sáu Long Xuyên" và đầu dây bên nầy biết đầu dây bên kia là "anh Út" năm xưa. Nửa tiếng sau, "anh Út" lái xe đến tìm gặp tôi. Chúng tôi ôm nhau mừng rỡ. Bao nhiêu năm nay gia đình "anh Út" cũng mong có ngày gặp lại gia đình tôi, nhưng vô vọng, vì cứ đinh ninh chúng tôi vẫn còn kẹt lại bên Việt Nam.

"Anh Út" cho biết hai thằng rể, trên đường đi làm, cùng gọi về nhà báo cho anh biết đài phát thanh nhắn tin tìm người thân, nói đúng tên anh và kể ra gần đầy đủ tên bầy con gái của anh. Chúng bảo anh gọi lại số phone 929-7318 xem coi là ai. Thế là chúng tôi trùng phùng sau mười mấy năm bặt tin nhau.

Chiều, bà xã đi làm về, tôi thích thú báo tin "anh Út" đến thăm và nói lên nỗi thắc mắc của mình:

- Không biết ai cho số phone mà anh Út gọi được cho tôi để đến đây?"

Bà xã hân hoan ra mặt, bả vỗ vào ngực:

- Còn ai trồng khoai đất nầy? Tôi chớ ai. Kết quả nhanh không ngờ! Hồi khoảng 10 giờ tôi nhắn tin trên đài phát thanh của cô Mai Hân. Tôi kể tên anh Út có mấy đứa cháu tên Y¨, Mỹ, Phan, và thằng con trai út tên Phi Vân. Tôi không nhớ hết tụi nó. Nhưng bấy nhiêu cũng đủ để xác định gia đình "anh Út".

Hai gia đình chúng tôi liền tù tì tới lui gặp nhau, xao xuyến, ồn ào kể lại chuyện xưa, tổ chức ăn nhậu trong nhà, cùng đi chơi picnic, ăn nhậu ngoài công viên, và cứ quà cáp qua lại, khi có dịp lễ lạt lớn nhỏ. Cái radio cassette để đầu bàn, đó là quà của gia đình "anh Út" tặng trong ngày tái ngộ. Năm nay anh chị Út đem đến đủ thứ quà Tết, với keo dưa đầu heo tuyệt cú mèo nầy, cũng là dịp mừng căn nhà mới housing của tôi!... Mời ông gắp miếng dưa đầu heo, mình cạn ly nầy. Tôi xin phép gởi theo hơi cay lời hoan hô keo dưa đầu heo của người bạn cố tri.

 

Năm

- Bà ơi! Bảo "tụi nhỏ" ra dẹp chén dĩa đi. Cho bình trà u-tê-cu (UTQ) để tôi với chú Trần Quang "trà đàm" xả hơi rượu.

- Tụi nhỏ nào? Còn một "đứa lớn" nầy thôi. Ông mải kể chuyện năm trên mà không hay biết "tụi nhỏ" đã về hết rồi.

- Vậy hả? Xin lỗi bà! Thôi thì "đứa lớn" cảm phiền cho anh bình trà quạu. Cảm ơn bà -Ông Đạt quay qua ông bạn Trần Quang, giọng lè nhè- Bây giờ thì tới phiên ông. Ông có chuyện gì hãy kể ra chơi cho tan hơi rượu mà lái xe về an toàn với mấy ông cảnh sát. Rủi có bị đo nồng độ rượu thì phải dưới 0.08.

Ông Trần Quang tựa lưng vào sofa, ngẩng đầu nhìn trần nhà, vỗ trán:

- Kể chuyện gì đây?... À! Có chuyện thời sự cộng đồng nầy! Gần đây ông có quan tâm đến chuyện báo chí, đài phát thanh xôn xao về chuyện "đứa con cầu tự" cựu tướng lãnh thả ba-lông được CSVN mời về thăm Việt Nam không?

- Làm sao không! Bên U¨c cũng rộ lên chỉ trích, phản đối. Tờ bán nguyệt san Tiếng Vang ở Sắc-tô chơi nguyên số báo 72 ngày 16-11-02 nói về chuyện nầy. Những đứa trẻ Việt Nam không thông tiếng Việt hiểu và dịch ngay đơ "Buddha's child" là "con Phật" hay "đứa con của Phật", chứ không dịch là "đứa con cầu tự" như ông đâu.

- Có thể là vậy. Tiếng Anh không có từ để chuyển đạt đúng được ý nghĩa "cầu tự". Tôi đồng ý "đứa con do cầu xin mà được" khác nghĩa với "đứa con của Phật". Nhưng mà mình bỏ qua chuyện chữ nghĩa và dịch thuật. Tôi muốn kể ông nghe chơi về cái chi tiết Ông Nguyễn Cao Kỳ viết rằng ổng ân hận vì lúc đó ổng thấy ông Nguyễn Văn Thiệu mặt mếu máo muốn khóc nên ổng động lòng trắc ẩn mà rút tên, nhường cho Ông Thiệu đứng Trưởng còn ổng đứng Phó, lập liên danh đại diện quân đội ra ứng cử Tổng Thống. Ông có tin là chuyện đó xảy ra như vậy không?

- Hẳn là không. Đứa con nít cũng không tin được. Nhưng tôi không biết lý do thực sự chuyện rút tên, nhường bước của Ông Kỳ.

- Đau lòng mà nói, những chuyện đại sự như vậy (và cả những chuyện nhỏ hơn nữa) đều có bàn tay lông lá của chú Sam. Chú ta muốn cánh quân nhân lên làm Tổng Thống. Mà quân đội có tới 2 liên danh thì sẽ bị chia phiếu. Và như vậy cánh dân sự sẽ đắc cử. Người ta mới bày ra cái trò Hội Đồng Quân Lực họp nhau bàn luận để tuyển chọn ra một liên danh quân đội duy nhất mà thôi.

Hội Đồng Quân Lực gồm những ai, tôi không nhớ hết, nhưng rường cột là 4 ông Tướng Vùng và những Tướng Tá Tư Lệnh Sư Đoàn, Tư Lệnh Quân Binh Chủng... Theo tôi suy đoán thì các ông Tư Lệnh Sư Đoàn dĩ nhiên sẽ nhìn theo cánh tay giơ lên của ông Tư Lệnh vùng mình mà bỏ phiếu. Ai cũng lo thủ lấy thân. Như vậy, rốt cuộc chỉ có 4 lá phiếu quyết định.

Đại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, Chủ Toạ phiên họp. Thông thường các ông chủ toạ hay tuyên bố trước lúc bỏ phiếu, đại khái như vầy "Các anh biểu quyết. Lá phiếu của tôi sẽ là lá phiếu quyết định, nếu số phiếu 2 bên ngang ngửa!".

Nhiều người chúng ta không có cơ may đọc được cái biên bản đó, nên không biết tỷ lệ phiếu ủng hộ giữa ông Thiệu và ông Kỳ là bao nhiêu. Không biết Đại Tướng Viên có cần bỏ phiếu để quyết định hay không. Nhưng nhìn 4 thành viên quan trọng hàng đầu trong Hội Đồng Quân Lực thì mọi người đoán được số phiếu dành cho ông Thiệu hẳn vượt xa ông Kỳ:

Tư Lệnh Vùng I là Tướng Hoàng Xuân Lãm (người Quảng Trị)

Tư Lệnh Vùng II là Tướng Vĩnh Lộc (người thần kinh xứ Huế)

Tư Lệnh Vùng III là Tướng Lê Nguyên Khang (người miền Bắc, bạn của ông Kỳ?)

Tư Lệnh Vùng IV là Tướng Nguyễn Văn Mạnh (người Phan Thiết).

Thuở ấy Tướng Lê Nguyên Khang ôm một mình 3-4 cái Tư Lệnh: Tư Lệnh Quân Đoàn III kiêm Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô, kiêm Tư Lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến... Lá phiếu của Tướng Khang chắc phải nặng ký lắm. Tuy nhiên Ông Thiệu có 2 lợi thế biện luận: Ngoài 3 ông Tướng Vùng là người Trung, ông còn là người lớn tuổi hơn, chửng chạc hơn ông Kỳ. Ông lại nhiều sao hơn, thâm niên, cấp bậc quân đội cao hơn... (Ông biết không, Cụ Phan Khắc Sửu, lúc bấy giờ là Quốc Trưởng, ký thăng cấp Đại Tướng cho ông Trần Thiện Khiêm và ông Nguyễn Khánh. Ký một lượt cũng được, nhưng cụ Sửu ghét ông Nguyễn Khánh nên cụ tách ra ký sau 1 ngày chơi, để ông Nguyễn Khánh thua ông Trần Thiện Khiêm 1 ngày thâm niên cấp bậc)

Chắc ba ông Tướng miền Trung giơ tay ủng hộ Ông Thiệu. Tướng Lê Nguyên Khang liếc xéo thấy cuộc thế đà ngả ngũ, nên cũng đành lòng "nhất trí" với 3 ông Tướng bạn. Như vậy là không có phiếu chống? Tướng Cao Văn Viên chắc không cần bỏ phiếu, được lòng cả Tướng Thiệu lẫn Tướng Kỳ. Thế là quân đội lập ra liên danh đoàn kết Thiệu & Kỳ để tranh cử với mấy liên danh dân sự:

. Trần Văn Hương & Mai Thọ Truyền,

. Phan Khắc Sửu & Phan Quang Đán,

. Trương Đình Dzu & Trần Văn Chiêu, vân... vân...

(Các chánh trị gia dân sự trước khi lập liên danh ứng cử Tổng Thống, đều có thăm dò phản ứng từ Toà Đại Sứ Mỹ. Tất cả đều được Toà Đại Sứ khuyến khích, bằng cách hứa hết lòng ủng hộ. Toà Đại Sứ Mỹ có yểm trợ đô-la cho các liên danh nầy không thì không biết. Thế là những người có danh tiếng ùn ùn lập liên danh ra tranh cử. Nhờ vậy mà liên danh quân đội đắc cử vẻ vang, đúng với ý đồ của Toà Đại Sứ.)

Như vậy, ông Thiệu không cần mếu máo muốn khóc. Ông Kỳ không cần động lòng trắc ẩn để nhường cho ông Thiệu. Mà đó là kết quả phải tuân hành của cuộc thảo luận và bỏ phiếu minh bạch của Hội Đồng Quân Lực. Ông Kỳ chấp hành nhưng sủng sẳng đòi một điều kiện:

- Tôi chấp hành quyết định của Hội Đồng Quân Lực. Nhưng theo Hiến Pháp thì Phó Tổng Thống là một chức vụ không có thực quyền. Tôi yêu cầu một việc "Khi liên danh quân đội đắc cử, Phó Tổng Thống được quyền chỉ định Thủ Tướng"

Ông Nguyễn Văn Thiệu làm bộ suy nghĩ một hồi, rồi vui vẻ chấp nhận lời yêu cầu của ông Kỳ. Quả thật, sau khi đắc cử, Phó Tổng Thống Kỳ chỉ định Luật sư Nguyễn Văn Lộc, và Tổng Thống Thiệu giữ lời, mời L/S Lộc giữ chức vụ Thủ Tướng. Sau 6 tháng thử tài điều hành Nội Các, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chê Thủ Tướng Nguyễn Văn Lộc dỡ, và chiếu theo hiến định, Tổng Thống mời Ông Trần Văn Hương thành lập Nội Các mới. Thế là vi cánh của Phó Tổng Thống bị chặt đứt lần hồi. Phó Tổng Thống ngồi chơi xơi nước cho đến hết nhiệm kỳ.

Nhiều chuyện nhiêu khê nằm đằng sau hậu trường chính trị lắm ông ơi! Chuyện cụ Trần Văn Hương lên thay Luật Sư Lộc là chuyện chú Sam định đặt trước. Tôi biết được chuyện nầy là vì trước ngày bầu cử, cụ Hương đã vui miệng hớ lời, bộc bạch tâm sự với... tôi "Thất cử Tổng Thống, bác sẽ làm Thủ Tướng..." Cụ phải chờ 7 tháng sau, vì Tổng Thống giữ lời hứa với Phó Tổng Thống.

- Những chuyện ông kể hôm nay quả là có tình có lý, tôi tin. Nhưng chỗ bạn nhậu với nhau, tôi hỏi thiệt, chuyện kể có "hư cấu" không?

- Hẳn nhiên là có! Chuyện kể miệng nào cũng vậy, không đại ngôn, thêm thắt, vẽ vời hoa lá thì cũng bình dân hoá hay cụ thể hoá sự kiện và lời nói để làm sáng tỏ vấn đề. Tôi dùng lối kể chuyện thứ nhì, đơn giản và bình thường hoá câu chuyện. Hư cấu là chỗ đó. Những người cầm bút đều viết có hư cấu, ít hay nhiều. Ngay khi viết hồi ký hay nhật ký, các chính trị gia, các tướng lãnh cũng đưa hư cấu vào. Những nhà văn càng nổi tiếng là những nhà văn viết hư cấu tuyệt vời. Bạn đừng bao giờ tin nhà văn viết dưới tựa sách hay trong lời nói đầu "Đây là truyện thật 100%". Sách lịch sử, từ cổ đại đến hiện đại, cũng không viết sự thật một trăm phần trăm! Viết trên giấy trắng mực đen, có thời gian để truy cứu, xét nét, mà còn vậy, thì tôi kể chuyện theo trí nhớ (không có sách để lật tham khảo) thì chắc là phải có "hư cấu" rồi. Chừng nào bạn có cơ hội đọc được biên bản phiên họp Hội Đồng Quân Lực về vụ nầy, bạn sẽ nhận rõ chi tiết những lời kể hư cấu của tôi. Nhưng tinh thần trong chuyện kể thì lại là chuyện khác đó ông bạn! Bạn hãy tìm đọc những sách viết về hậu trường chính trị miền Nam mà thẩm định lời tôi. Sự thật tiềm ẩn trong hư cấu. Hư cấu trùm phủ lên và soi tỏ sự thật. Đó là nghệ thuật mà bạn...

- Nghe ông nói, tôi lại nẩy ra thêm một thắc mắc khác: "Các ông Tướng Tá thành viên Hội Đồng Quân Lực chắc còn nhiều vị vẫn sống nhăn răng bên Mỹ, chắc có đọc biết chuyện ông Kỳ viết là ổng thấy ông Thiệu mếu máo, nên ổng nhường. Các vị đó có tin lời Tướng râu kẻm không, mà chẳng thấy ai lên tiếng để dân ngu khu đen bọn mình biết sự thật?" Nhưng mà thôi! Mình bỏ qua chuyện đó đi. Suy cho cùng tột, mình có nói phét mà chơi cũng chả sao. Người ta khoác lác trong khi tỉnh táo ngay trong hồi ký của họ, mình có láo thiên láo địa trong lúc ngất ngưởng chén đầy chén vơi, âu cũng là điều thú vị.

 

Sáu

Trở lại chuyện "con cầu tự".

Thuở xưa, và ngay bây giờ nữa, khi hai vợ chồng hiếm muộn, khi họ chưa có con trai để nối dõi tông đường, thì hai vợ chồng dắt nhau vào đền miếu, chùa chiền "cầu tự".

Cơ may nào đó đến, khiến họ có được đứa con như mong ước, thì họ gọi đó là "đứa con cầu tự", cầu xin mà có.

Nói theo khoa học, thì có nhiều cơ may lắm: cơ may người chồng hay người vợ bỗng hết bệnh hiếm muộn, kể cả cơ may người vợ "ăn nem" mà có con, dù người chồng chưa hết bệnh, không đi "ăn chả".

Nhưng với lòng tin vô vi, người ta vẫn coi "đứa con cầu tự" là sản phẩm được Trời Phật ban cho.

- Theo kinh nghiệm của tôi qua những đứa con cầu tự mà tôi từng theo dõi quan sát, thì 99% rưỡi con cầu tự là những đứa con hư, hư từ thuở bé, hư đến lúc trưởng thành. Điều đó cũng dễ hiểu. Những đứa con cầu tự từ lúc sơ sinh đã sống lọt thỏm trong sự nuông chìu mù quáng của cha mẹ, sống trong môi trường nuôi dưỡng sự hư hớm... Vậy, theo tôi,... Được là đứa con cầu tự thì cũng chẳng có gì để hãnh diện với đời.

Ô! 10 giờ rồi! Hẳn hơi rượu đã tan biến theo câu chuyện đứa con cầu tự...

Thôi tôi về! Như vầy chắc đã an toàn với mấy tay cảnh sát Mỹ rồi!

 

San Jose, cuối Đông 2003 (15-3-2003)

Nguyễn Phước Đáng

 


Mụclục


Back to VNY2K Homepage
Trởvềlại trangnhà VNY2K

Back to top

Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com

Copyright © 2003-18. All rights reserved. 

Flag counter for this page only -- reset 06062023