Printable Version


+-+ Sáchbáo - phimnhạc
|---+ Sáchbáo mới
+-----+ Topic: Đọc sách: Giết con chim nhại by dchph


Author: dchph posted on 5/31/2014 9:44:42 AM

Phạm Văn

“Ồ, Dill, xét cho cùng anh ta chỉ là người da đen.”

Scout trả lời khi Dill tỏ vẻ uất ức vì thái độ khinh thị của công tố viên da trắng đối với một người da đen trên ghế nhân chứng. Chỉ bằng một câu nói của Scout, tác giả Giết con chim nhại cho thấy tư tưởng phân biệt chủng tộc đã ăn sâu vào tâm trí người miền Nam nước Mỹ hồi thập niên 1930. Người đọc biết Scout là đứa bé không thành kiến, sẵn sàng đón nhận cuộc sống chung quanh rồi nhào nặn những điều mới mẻ ấy trong đầu óc non nớt của nó, và nó nói câu trên như thể đó là điều tự nhiên.

Tuy nhiên, Giết con chim nhại không chỉ nói về nạn kỳ thị chủng tộc của xã hội Mỹ (cũng như chúng ta không đọc Chiến tranh và Hoà bình của Leo Tolstoy, chẳng hạn, chỉ để biết về xã hội quý tộc Nga đầu thế kỷ 19). Giá trị lâu dài của tác phẩm còn nằm ở cách kể chuyện cường điệu và hóm hỉnh của Harper Lee. Bà mô tả một xã hội tù đọng và những người sống nơi đó, qua những suy luận phóng đại của Jem, trí tưởng tượng láu lỉnh của Dill, và nhận xét mộc mạc của Scout.

Bọn trẻ ở thị trấn Maycomb nhận xét về ông láng giềng: “Ngoài việc mỗi Chúa nhật đổi bạc lẻ cho đĩa quyên tiền, mỗi đêm ông Avery chỉ ngồi trên hàng hiên đến chín giờ và hắt hơi”. Với những người khác trong xóm, chúng cũng có những phúng dụ tương tự: cô giáo Caroline “trông giống và có mùi như giọt thuốc bạc hà”; cô Maudie “có cái lưỡi chua cay, và cô không đi làm việc thiện quanh xóm như cô Stephanie”; bà Dubose giấu cây súng lục trong đống khăn choàng; và nhất là nhà Radley, “nơi cư ngụ của một thực thể bí ẩn, chỉ cần mô tả nó là đủ cho chúng tôi ngoan nhiều ngày liên tiếp”, mặc dù chúng luôn tìm cách gặp cái thực thể rùng rợn đó. Những người ấy là hình ảnh sinh động trong “một thị trấn cổ phát chán”, nơi người ta “chẳng có gì vội, vì chẳng có chỗ nào để đi, chẳng có gì để mua và không có tiền để mua, chẳng có gì để xem bên ngoài địa phận hạt Maycomb”.

Lee mô tả các nhân vật của bà một cách gián tiếp qua những đoạn văn dí dỏm. Jem biết xoay xở đắp một người tuyết, dù tuyết rơi chỉ đủ để làm một “em bé tuyết”. Nhưng nó ngạc nhiên khi Cal, bà người làm da đen, cho nó biết rằng cả giáo đoàn người da đen ở Maycomb chỉ có bốn người biết đọc, và nó “như bị sét đánh” khi biết bà đã học chữ bằng cuốn sách luật của Anh quốc, vì tác giả bộ sách… “viết tiếng Anh giỏi”. Jem kể về cha: “Atticus nhịp bàn chân lúc radio cò cưa nhạc, và chưa thấy ai thích món xúp rau [nhà nghèo] bằng ổng”, tương tự với nhận xét của Scout: “phải là một ông già nhà quê như Atticus mới nhận ra mùi sóc túi và thỏ” toả ra từ các món ăn thơm ngon trong khu nhà của người da đen.

Sau khi Tom bị bồi thẩm đoàn kết án, bản năng nhạy cảm của Dill bật lên tuyên bố “tao sẽ là thằng hề kiểu mới. Tao sẽ đứng giữa vòng rồi cười thiên hạ”, một thái độ đối đầu có vẻ rất trẻ con, nhưng cũng là thái độ của con chim cắt săn mồi. Đứa bé lắm mưu mẹo buồn cười và khôn lỏi này là kẻ nhanh trí nhất trong phòng xử chật ních, một đứa trẻ biết khóc biết cười trước cảnh bất công, mà không cần lý luận dông dài.

Scout giỏi quan sát, nó biết có “tiền bạc trao tay” khi Atticus nhờ Jem đưa nó tới trường ngày đầu tiên, vì nó nghe trong túi Jem leng keng mấy đồng xu. Scout là một đứa bé biết suy nghĩ độc lập và hiểu sự việc theo nghĩa đen. Nó thường tìm đến cha mỗi khi gặp khó khăn, tuy ông “có vẻ kém khả năng và thiếu hùng dũng”. Nó vừa ngưỡng mộ vừa cạnh tranh với anh. Nó theo anh đi khắp nơi, lẻn vào vườn cải nhà Radley, đến nhà bà Dubose “độc ác nhất trần đời”…

Nó sẵn sàng đánh nhau với bất kỳ ai làm nó tức giận và để bênh vực cha và anh. Nhưng Scout cũng là đứa trẻ “không giữ được cái gì lâu trong đầu”, như nhận xét của anh nó. Nó có thể tấm tức khóc vì uất ức, nhưng cũng lập tức quên ngay, khi Jem dỗ nó bằng thỏi kẹo lớn, buộc nó phải chú ý nhai cho thành một cục vừa trong miệng mình.

Tác giả khéo léo mô tả sự trưởng thành của Scout qua mối liên hệ giữa nó với Cal, cô Maudie và bác Alexandra. Từ những cuộc đụng độ “bi hùng và nghiêng lệch” giữa nó với Cal, “Calpurnia luôn luôn thắng, phần lớn vì Atticus luôn luôn về phe với bà”, tới ước muốn của nó được đến thăm nhà bà “để thấy bà sống ra sao, bạn của bà là ai”. Nó đánh giá cô Maudie là một bà “tương đối vô hại” trong xóm, dần dần cô trở thành người bạn để nó đến tâm sự mỗi khi cô đơn. Ngay cả với bác Alexandra, đối thủ của nó trong mọi việc, nó vẫn biết noi gương bà để tiếp khách “bằng kiểu cách tiếp khách giỏi nhất của mình”, khi thấy bà bị xúc động mạnh mà vẫn có thể tỏ ra là một phụ nữ lịch lãm.

Đến cuối truyện, Scout tổng kết kinh nghiệm của nó trong cuộc sống, và tác giả rón rén xen vào kể Scout “cảm thấy rất già”, nhưng khi lé mắt nhìn hạt sương trên đầu mũi làm nó chóng mặt, nó nghĩ Jem và nó sẽ lớn lên “nhưng chẳng còn gì nhiều để chúng tôi học nữa, có lẽ ngoại trừ môn đại số”.

Đứng trên hiên nhà Radley, nó lan man nhớ lại một cách nôm na lời khuyên của Atticus, rồi giản dị triết lý vụn “mình sẽ không bao giờ thật hiểu một người cho tới khi mình đứng ở chỗ của người đó và từ đó đi ra rồi mới biết. Đứng trên hiên nhà Radley cũng là đủ [để hiểu Boo]”.

Vào thời điểm người ta trịnh trọng gọi nhau là “sir” hoặc “ma’am” hoặc “miss”, nhưng người da trắng có thể gọi một người da đen là “boy” hay “it”, một cách khinh miệt, bất kể tuổi tác, bất kể hoàn cảnh nào, Harper Lee lặng lẽ xây dựng nhân vật, và bà để thế giới xung quanh họ đổ xuống như nó phải đổ. Tác giả dẫn người đọc từ cuộc sống trầm lắng ở Maycomb tới những vấn đề nhức nhối trong xã hội, không bằng lời rao giảng nhàm chán, mà bằng những nhận xét hài hước hồn nhiên của bọn trẻ đang lớn và phải lớn.

Chúng ta có thể tìm thấy nhiều bài luận văn sâu sắc hơn lời của Atticus khi ông biện hộ cho Tom, khi ông giải thích về nạn phân biệt chủng tộc cho các con ông, khi ông phân tích hệ thống tư pháp của Mỹ hay bất cứ vấn đề lớn nhỏ nào. Nhưng nếu một ngày nào những vấn đề ấy không còn cần đến các bài xã luận nữa, Giết con chim nhại vẫn là cuốn tiểu thuyết đặc sắc có thể làm chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần vì cách thể hiện cá tính nhân vật một cách tinh tế và trào phúng trong đó.

Vấn đề lớn, hoặc nhân vật toàn trí toàn năng, không nhất thiết sẽ làm nên tác phẩm lớn. Scout và Dill, Chí Phèo và Thị Nở, Xuân tóc đỏ với quả bóng quần vợt, cô Mùi và nhà mẹ Lê, họ chỉ sống trọn từng ngày bằng tất cả khả năng của họ, họ không lên gân avant-garde, không thời thượng làm dáng. Mỗi khi nghĩ tới xã hội làng Vũ Đại mà chúng ta đang sống, chúng ta cảm thấy Chí Phèo và Xuân tóc đỏ và Dill phải như thế, chúng ta ước ao được sống giữa xóm Cầu Mới có cô Mùi, hay trong thị trấn Maycomb có Scout. Họ sinh động trước mắt chúng ta, họ là những tuyệt tác, và trong một chừng mực nào đó họ là những con chim nhại kể câu chuyện đời thường.
*
Con chim nhại được dùng làm ẩn dụ phảng phất trong suốt tác phẩm của Harper Lee. Vào một buổi tối không trăng cuối tháng Mười, “tít trên cao trong bóng đêm, một con chim nhại lẻ loi đang sung sướng trút ra hết các bài hát sở trường của nó mà không biết nó đang đậu trên cây của ai, náo nức đổi từ tiếng ki-ki the thé của chim hướng dương, qua tiếng quác-quác cáu kỉnh của chim giẻ xanh, tới tiếng than vãn u-ơ u-ơ u-ơ buồn bã của chim đớp muỗi.”

Atticus dặn đứa con trai: “[…] giết một con chim nhại là tội lỗi”.

Scout đem câu nói ấy hỏi cô Maudie trong khu phố, và cô xác nhận: “Loài chim nhại chỉ hót cho mình thưởng thức chứ chẳng làm gì khác. Nó không ăn hết vườn của người ta, không làm tổ trong kho bắp, nó không làm cái gì ngoài việc đem cả tấm lòng của nó để hót cho mình nghe. Vì vậy giết một con chim nhại là tội lỗi.”

Như một con chim nhại, Tom hết lòng giúp cho cuộc sống của Mayella dễ chịu hơn, vui thú hơn, mà không đòi hỏi điều gì, nhưng theo sự quan sát của Scout, Mayella “có vẻ lén lút, giống như con mèo ngoe nguẩy đuôi không chớp mắt”. Loài mèo thường rình săn chim, và sau khi Mayella xuống khỏi ghế nhân chứng, Scout chợt thấy rằng “Mayella Ewell phải là người cô đơn nhất trần gian. Cô ta thậm chí cô đơn hơn cả Boo Radley, người không ra khỏi nhà đã hai mươi lăm năm”.

Ngay cả Atticus cũng mang hình ảnh xa xôi của con chim nhại qua lời buộc tội của Mayella, vì cô cho rằng Atticus “nhại” cô, chế giễu cô, trong khi ông chỉ tỏ ra lịch sự theo phép thông thường của một người đối với một người khác. Tác giả cố ý dùng chữ “nhại” ở đây. Con chim nhại lặp lại tiếng hót của loài chim khác, Atticus chỉ tái hiện lại biến cố đã xảy ra giữa Mayella và Tom, mô tả lại sự thật, một sự thật trái ngược với lời khai của Mayella, sự thật về xã hội của họ, của Maycomb, đôi khi trái với niềm tự tin cao cả đã thành nếp trong tâm trí của nhiều người.

Boo Radley là một con chim nhại khác. Từ nhiều năm Boo đã chọn ở ru rú trong nhà, nhưng Boo đem lại niềm vui cho trẻ con, ông bí mật để quà trong bọng cây sồi nơi Jem và Scout đi qua mỗi ngày trên đường đến trường, ông lặng lẽ quàng cái chăn cho Scout lúc hai anh em nó đứng trước cổng nhà ông trong đêm lạnh giá khi một nhà trong xóm bị cháy. “Ông cho chúng tôi [Scout và Jem] hai con búp bê bằng xà phòng, một cái đồng hồ hỏng với sợi dây đeo, hai đồng xu may mắn, và mạng sống của chúng tôi”. Trải qua bao nhiêu biến cố, những biến cố đáng sợ thật và những biến cố ghê rợn trong trí tưởng tượng trẻ con, và khi rốt cuộc đã thấy Boo Radley, Scout chợt hiểu rằng nếu buộc Boo ra khỏi nhà thì cũng giống như bắn con chim nhại.

Tom Robinson và Boo Radley là hai con chim nhại cần thiết cho hạt Maycomb. Tom xuất hiện trước công chúng và là lý do để dân trong hạt lũ lượt kéo vào thị trấn để thưởng thức một trò giải trí man rợ như “ngày hội La Mã”, trong khi Boo giấu mình trong chốn riêng của ông, không ai nhớ tới ông, trừ bọn trẻ tò mò. Những con chim nhại lẻ loi với cá tính hoàn toàn khác nhau, nhưng cần thiết cho Maycomb, vì nó giúp Mayella đỡ vất vả trong việc nhà, giúp Maycomb có một bồi thẩm viên đắn đo rất lâu trước khi kết án một người da đen, giúp mang lại những món quà trìu mến và bảo vệ mạng sống của hai đứa trẻ. Và trong một chừng mực nào đó, Scout cũng là con chim nhại của người đọc, qua lời kể chất phác của nó, qua sự trưởng thành mà không cay đắng vì những điều xấu xí xảy ra trước mắt nó.

Phạm Văn

Tháng Giêng 2014



End of Printable Version


NOT ALL THE CHINESE RULERS LEARN THE SAME THE LESSONS OF VIETNAM'S HISTORY. LET'S TEACH THEM ANOTHER ONE, A CHINA 911 STYLE!
Flag counter for this page only -- reset 06262011

Diễnđàn cổvũ sửađổi cáchviết ChữViệt2020 mới!
ziendan.net | vny2k.com | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com
©2002-2024 vny2k.com