Printable Version |
+-+ Tảnmạn |
Author: dchph posted on 11/16/2013 9:04:11 AM Tácgiả: Đinh Nghệ An AQ là nhân vật làm nên tên tuổi của nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc. Đại diện cho tính cách của AQ là phép thắng lợi tinh thần, thua nhưng tự cho là mình thắng, dốt nhưng tự cho là mình khôn, đểu giả nhưng tự cho là mình tốt bụng. Một ví dụ cụ thể về tính cách của AQ là lần kia anh bị người ta đánh tơi bời, anh ta tự nhủ "có sao đâu, hắn đánh mình thì cũng như hắn đánh cha hắn thôi." AQ luôn tự đánh giá mình với thang điểm cao nhất, rồi tự vui sướng, và khoe khoang cái thang điểm đó với thiên hạ. Hầu hết người Việt điều biết đến nhân vật AQ, và đáng buồn thay, hầu hết người Việt cũng có phần nào cái tính cách nhố nhăng của nhân vật này, mà cụ thể là cái thói tự phong. Xin được bắt đầu bằng câu nói rất phổ biến : "Một người Việt thì hơn 1 người Nhật nhưng 3 người Việt thì thua 3 người Nhật." Chắc các bạn cũng đã nghe, hoặc có thể đã nói, ít nhất 1 lần trong đời. Câu nói này có 2 vế, và vế thứ 2 "... 3 người Việt thì thua 3 người Nhật", có ý nói người Việt thiếu tinh thần tập thể. Tuy nhiên, đối với người Việt, vế 2 chỉ là hoa lá cành, họ chẳng thèm lưu tâm chuyện học hỏi tinh thần tập thể. Cái họ muốn gởi gắm là "người Việt hơn người Nhật." Tôi không biết dựa vào đâu và bằng chứng nào để bảo rằng 1 người Việt hơn 1 người Nhật. Kinh tế của Nhật Bản hiện nay thế nào chúng ta đã tỏ, văn hóa Nhật Bản ra sao chúng ta cũng đã tường. Còn về lòng quả cảm, sức mạnh quân sự của người Nhật, thể hiện qua chiến tranh thế giới lần thứ 2, thì cả thế giới đều hãi hùng. Về phương diện cá nhân thì người Nhật là dân tộc Châu Á đoạt giải Nobel nhiều nhất. So sánh với Nhật Bản với Việt Nam thì mọi thứ đều khập khiễng. Nên cái chuyện "1 người Việt Nam hơn 1 người Nhật" chỉ có thể xây dựng trên tinh thần AQ của Lỗ Tấn. Trong 1 phong trào khá rầm rộ bàn về thói hư tật xấu của người Việt, có người đã viết 1 bài dài lê thê, kể rất nhiều thói xấu của người Việt mà ông ta cho rằng phải loại bỏ, và rồi cuối bài ông ta nhấn mạnh : "tôi thấy người Việt ta lãnh vực nào cũng dở, chỉ có đánh giặc là giỏi." Thế đấy, nói gì thì nói, ngay cả trong bài viết bàn về cái xấu của mình, cuối cùng cũng phải khen mình 1 câu. Chẳng nhẽ cái anh AQ đã ở trong máu? Liên quan đến chuyện đánh giặc giỏi thì có rất nhiều người Việt đang sống tại Việt Nam vẫn thường xuyên huênh hoang rằng ta đây có lịch sự chống ngoại xâm oanh liệt, và gần đây đã đánh tan 2 đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, cả nhân loại nghiêng mình bái phục. Cái này trước hết là do hệ thống tuyên truyền, nhồi sọ của Việt Nam đã làm việc quá tích cực, nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng hơn là tinh thần AQ trong mỗi người Việt. Họ thích tin những gì làm cho mình oai, thậm chí nếu chính phủ Việt Nam không tuyên truyền họ cũng tự tin như thế (anh AQ cũng vậy). Khi họ cố tin như thế thì lẽ dĩ nhiên là họ không thèm và không muốn tìm hiểu thêm các thông tin khác, cái có thể làm cho họ hết oai. Và khi như thế thì cái tư duy suy luận độc lập hẳn đã là xa xỉ đối với họ. Nên họ không hề biết đặt câu hỏi tại sao chính phủ Việt Nam sau mấy muơi năm từ trận Điện Biên Phủ vẫn chưa dám công bố số lính Việt thật sự đã tử trận. Nếu 1 người Pháp chết trận mang theo 100 người Việt thì họ có cho là "chỉ đánh giặc là giỏi" không nhỉ? Họ có còn tự phong ông Võ Nguyên Giáp là 1 trong những tướng tài nhất thế giới không nhỉ? Không, họ không bao giờ chấp nhận 1 tỉ lệ thương vong khủng khiếp như thế, vì thừa nhận điều đó là thừa nhận mình tầm thường (cho dù là sự thật), làm tổn thương cái "oai" của họ. Chuyện đánh Mỹ còn trầm trọng hơn, vì Mỹ là cường quốc thế giới hiện nay, đánh thắng Mỹ phải oai hơn đánh thắng Pháp chứ, nên giá nào cũng phải bảo mình thắng, ai nghĩ mình không thắng là ... phản động. Trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam và hệ thống báo chí tuyên truyền thì chỉ thấy toàn là : chiến thắng oai hùng và rút lui trong chiến thuật. Chắc chắn không bao giờ thấy chữ "thua" hay "bại trận" của phe ta. Thua chỉ dành cho địch, ta chỉ có thắng (thậm chí không có hòa). Cái lối tuyên truyền thô thiển, ngốc nghếch thế sao họ không nhận ra cái trò đãi bôi ấy? Biết bao nhiêu trận đánh, mà toàn là thắng, thế tại sao phải 20 năm sau, mới chiếm được miền Nam, mặc dù Mỹ đã bỏ đi trước đó 3 năm? Có người bảo Cộng Sản giỏi tuyên truyền, lừa bịp, tôi không đồng ý. Theo tôi họ tuyên truyền rất dở, chỉ vì cái tinh thần AQ của người Việt quá lớn. Vào những dịp 30 tháng tư, các báo chí Việt Nam thường phỏng vấn một số nhân vật liên quan đến chiến tranh, mục đích chính là để gom lời khen "ta quá oai", để cái tinh thần AQ thăng hoa cùng lễ hội. Lần kia phỏng vấn lầm ông Vương Trí Nhàn một học giả và cũng là 1 cựu chiến binh. Ông Nhàn đã trả lời đại ý là "đánh Pháp thì có thể tạm được, chứ đánh Mỹ là quá sức, khủng khiếp quá, tôi nghĩ không có cuộc chiến thì hơn." Ông Nhàn trả lời theo tinh thần của 1 học giả, nói thật những suy nghĩ của mình, mặc dù ông cũng phải cố tình không nói rõ hơn, vì sự an toàn. Đó là trường hợp hiếm hoi, có lẽ là duy nhất, có người đã nói thật trên báo Việt Nam về 2 cuộc chiến ấy, còn lại là "khen túi bụi". Một trong trường hợp khá phổ biến nữa là người Việt thường hỏi (hay gợi ý) sao cho để người ta khen mình. Ví dụ mời người khác đến nhà mình ăn cơm rồi hỏi "ông thấy nhà tôi có đẹp không?" Sau đó khoe với con cái và hàng xóm rằng "ông A bảo nhà tôi rất đẹp", hay "con phải biết tự hào về cái nhà của mình vì chính người ngoài cũng phải thừa nhận nó đẹp mà". Thậm chí, nhiều khi họ bỏ tiền cho người khác khen mình mà vụ nổi bật nhất là lần ông Phan Văn Khải sang Mỹ. Việt Nam đã bỏ tiền thuê người viết và in riêng thành 1 bản trên báo WJS, để khen mình. Rồi đem về nước nói với người dân là "báo Mỹ nói thế", khách quan nhé. Một trong nhiều câu chuyện tuơng tự mà bạn có thể thỉnh thoảng lại được nhìn thấy trên báo chí tại Việt Nam là 1 thanh niên Thụy Điển đã nói "tôi mơ ước sáng mai thức dậy trở thành người Việt Nam", hay "trong thời kỳ phản chiến tại Mỹ, nhiều thanh niên Mỹ đã mơ ước được làm người Việt Nam". Bạn có thấy tào lao không? Tào lao quá đi chứ, nhưng họ vẫn tin và người ta vẫn tuyên truyền vì có vẻ làm người Việt Nam sang quá, có người mơ được như mình cơ mà. Gần đây có cuốn sách "Điệp Viên Hoàn Hảo", do 1 người Mỹ viết, về Phạm Xuân Ẩn. Thế là dân Việt Nam cứ như lên đồng rằng tình báo của ta còn trên CIA một bậc, chính người Mỹ thừa nhận nhé. CIA là trung tâm tình báo tác oai tác quái ở mọi quốc gia trên thế giới. Thế mà ta hơn CIA 1 bậc cơ mà, oai quá đi chứ, cả thế giới hãn phải rất khâm phục người Viêt. Toàn là lý luận của anh AQ. Họ không hề, hoặc không muốn, lưu tâm đến 1 yếu tố hàng đầu mà cũng đơn giản là ông ta là người Viết sách bán mà, chẳng nhẽ đặt tên của cuốn sách là "Điêp Viên Bình Thường"? Đi bán hàng mà bảo hàng của tôi cũng thường thôi thì sao mà bán được. Mà quả thực, đọc cuốn sách này 2 lần, tôi chẳng thấy có gì đặc biệt của Phạm Xuân Ẩn cả, ông ta chỉ là 1 điệp viên bình thường như cả ngàn điệp viên bình thường khác. Có lẽ những kẻ lên đồng này chỉ chú ý cái tên sách, cái tên rất oách và với họ, thế là đã đủ cho cái tinh thần AQ của họ. Bạn có thế thấy nhiều ví dụ khác về chuyện người nước ngoài khen chúng ta về 1 lãnh vực nào đó và nếu chịu khó tìm hiểu bạn sẽ thấy hầu hết (nếu không phải tất cả) đều là những lời lẽ có cánh, xuất phát vào những tình huống như đã kể ở trên. Không chỉ dân đen mà cả thành phần trí thức, đã từng tiếp xúc với nền văn minh của thế giới, vẫn không thoát được căn bệnh này. GS Hoàng Tụy là 1 trong những nhà toán học hiếm hoi của Việt Nam ở vào tầm thế giới, ông cũng đi nhiều nơi, tham dự nhiều hội thảo khoa học. Ông cũng là người rất có tâm huyết với nền giáo dục ở Việt Nam. Ông bảo nền giáo dục của Việt Nam không chỉ lạc hậu mà là lạc hướng. Ông bảo vào thời ông, khoảng năm 1970, Việt Nam có nền toán học rất tốt bằng chứng là vào thời đó 1 nhà toán học hàng đầu của Hungary đã đến Việt Nam và đánh giá Việt Nam là 1 trong những quốc gia có nền toán học phát triển nhất. Cái này có khác gì cái ví dụ tôi đề cập phía trên, mời người ta vào nhà ăn cơm rồi xem lời khen của người ta như là 1 bằng chứng của sự thật. Thật đáng buồn! Tôi cũng đã thấy trên 1 số blogs, các tác giả cũng khuyên đại ý là khi đến Mỹ thì không nên nhắc đến chiến tranh Việt Nam vì như thế là nhắc lại viết thương lòng của kẻ chiến bại dưới tay Việt Nam. Không nên nhắc đến chiến tranh Việt Nam vì đó là đề tài quá cũ, không còn hấp dẫn, chứ không phải kẻ chiến thắng nói với người chiến bại. Trong cuộc chiến ấy chính phủ Mỹ đã thua người dân Mỹ chứ không phải Việt Nam. Ý của các tác giả nêu trên, xét kỹ cũng không ngoài 2 chữ AQ. Liên quan đến trí tuệ, các bạn cũng thấy, người Việt chúng ta thường nói "người Việt Nam chăm chỉ, cần cù, thông minh, giỏi toán, có năng khiếu về vi tính .v.v". Toàn những thứ quý hiếm, thế sao đã gần nữa thế kỷ trôi qua khi chiến tranh chấp dứt, chúng ta vẫn nghèo nàn và lạc hậu? Bạn có thể hỏi lại thế GS Ngô Bảo Châu thì sao? Phải, ông ấy là 1 trong khoảng 10 nhà toán học Việt Nam ở vào tầm thế giới, nhưng đó là những cá nhân, còn ở bình diện quốc gia, với dân số 50-90 triệu và cả thế kỷ mà chỉ có khoảng chục nhà toán học có tầm cỡ, thì khó có thế lấy đó làm đại diện cho 1 dân tộc được. (Tôi đã đề cập đền vấn đề này ở những bài viết trước, ở đây tôi chỉ muốn bàn đến tinh thần AQ). Rõ ràng là chúng ta thực sự không có những đức tính ấy, chỉ là chúng ta tự dán chúng lên mặt mình mà thôi. Chúng ta khoe khoang về thành tích của GS Ngô Bảo Châu mà không hề đề cập đến tỉ lệ với dân số Việt Nam, và cũng không hề đề cập đến thành tích của toán học của nhiều quốc gia khác, đề thấy rằng chúng ta chẳng hề hơn họ. Không, chúng ta giấu những thông ấy, hoặc có thể không biết, không có ý tìm, hay cố ý phủ nhận, mục đích chính chỉ để cảm thấy mình oai. Trước đây tôi cũng ấn tượng với thành tích huy chương vàng của Việt Nam trong các kỳ thi toán quốc tế lắm, đọc báo chí toàn thấy tung hô. Nhưng sau khi biết 1 kỳ thi có rất nhiều huy chương vàng, còn so sánh với các quốc gia khác, Việt Nam vẫn còn thua khá xa, thì tôi cảm thấy nó bình thường. So sánh tổng thể, thành tích thì không tệ, nhưng cũng không khá, chỉ là bình thường. Cái đáng chú ý nhất trong chuyện này vẫn là cái tinh thần AQ nham nhở của người Việt. Một lãnh vực khác mà chúng ta thường tự đề cao mình là sự khéo léo, mà phổ biến nhất là trong số người Việt tại Mỹ. Chúng ta thường bảo người Việt làm Nails nhiều vì có ưu thế là sự khéo léo bẩm sinh của người Việt. Không, đó chỉ là chúng ta tự khen mình. Sự khéo léo của người Việt chỉ ở mức trung bình, thậm chí hơi thấp. Người Mỹ hay các dân tộc thiểu số không tham gia công việc làm Nails, không có nghĩa là họ không khéo léo, và người Việt tham gia nhiều không có nghĩa là mình khéo léo. Sự khéo léo của người Việt trong nghề Nails chỉ đủ để hoàn thành công việc, trừ 1 số rất ít thực sự khéo léo và có năng khiếu nghệ thật cho nghề. Người Việt tham gia nghề Nails vì đó là nghề dễ bắt đầu, không đòi hỏi tiếng Anh hay kiến thức xã hội. Hơn nữa đây là nghề khá độc hại nên ít đối thủ cạnh tranh, chỉ có người Việt cạnh tranh với nhau. Một người thợ Nails khéo léo sẽ là người yêu công việc của mình, coi đó là 1 dạng nghệ thuật, coi đó là niềm vui của cuộc sống, và coi đó là niềm tự hào. Với tôi, nghề Nails là 1 nghề về nghệ thuật. Một người có khả năng và yêu công việc của mình sẽ là người xuất sắc trong công việc, và tương tự 1 người xuất sắc trong công việc, hẳn phải là người có khả năng và yêu công việc của mình. Phần lớn thợ Nails người Việt ghét công việc của mình, chỉ coi đó là kế sinh nhai. Họ tiếp tục làm Nails vì đã quen việc, quen với thời gian biểu cho gia đình, và thu nhập sẽ thấp hơn nếu phải bắt đầu 1 công việc mới. Khi người ta ghét công việc của mình thì trên 90% là người đó không có khả năng (hoặc năng khiếu) trong công việc họ đang làm, mà ở nghề Nails là sự khéo léo và tính thẩm mỹ. Bạn có thế thấy khá nhiều thợ Nails người Việt có thu nhập cao hơn mức trung bình trong xã hội Mỹ, nhưng số người thực sự có năng khiếu của nghề này rất ít. Và với tinh thần của anh AQ, thợ Nails người Việt luôn cho rằng họ không yêu cái nghề của mình vì đó là nghề không oai, chứ xét về sự khéo léo và khả năng chung thì họ dư thừa. Về mặt đức hạnh, nhân văn thì còn trơ tráo hơn. Tôi không biết dựa và số liệu nào mà rất nhiều người Việt cho rằng người Việt Nam có đức hạnh, nhân văn hơn hẳn không chỉ Mỹ mà cả thế giới. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chủ cà phê Trung Nguyên, đã có câu nói để đời, đại diện cho tinh thần AQ của người Việt. Đó là "Việt Nam nên nắm lấy ngọn cờ mà trên thế giới chưa ai nắm là ngọn cờ nhân văn". Đại khái là theo ông, kinh tế hay kỹ thuật, thế giới đã có kẻ đứng đầu, ưu thế của ta là nhân văn, phải nắm lấy ngọn cờ này. Tôi chả biết với cái ưu thế nhân văn này ông Vũ đã dựa vào đâu, toàn nói càn, tự tâng bốc hợm hĩnh. Và các bạn cũng thấy rõ lãnh vực này trên báo chí Việt Nam. Lần kia, có người vào Việt Nam định mở sòng bạc, thế là có phóng viên đã hỏi người này, đại khái là "ông nghĩ là mở sòng bạc tại Việt Nam có thành công không khi người Việt Nam vốn rất đặt nặng vấn đề đạo đức?". Ai đánh giá người Việt là đạo đức nhỉ? Trong xã hội Việt Nam, trong cộng động người Việt Nam vẫn đầy rẫy những chuyện thất đức như các quốc gia hay cộng đồng khác đấy thôi. Khi chuyện thất đức xảy ra, báo chí Việt Nam đăng tải thì bạn sẽ thấy rất nhiều người Việt Nam phản ứng đại khái như "ghê quá, chuyện tưởng chỉ có ở Phương Tây". Họ tự cho mình trong sáng, đến khi thấy chuyện xảy ra thì không thèm soi lại mình, mà vẫn suy nghĩ theo kiểu, cái này là tai nạn, thỉnh thoảng thôi, chứ bản chất ta vẫn đạo đức hơn Tây Phương nhiều. Ở Mỹ cũng thế, rất nhiều người Việt than phiền ở Mỹ thiếu tình người, hồi ở Việt Nam hay hơn nhiều, con cái lớn lên ở Mỹ, có văn hóa Mỹ là hỏng hết, coi cha mẹ không ra gì. Họ tự cho là văn hóa Việt Nam có nhân bản hơn mà chẳng biết dựa vào đâu, thậm chí đôi lúc mâu thuẫn với chính mình. Các bậc cha mẹ người Việt tại Mỹ thường bảo con cái người Mỹ thương cha mẹ mình hơn con cái người Việt. Nếu dựa vào tiêu chuẩn của họ thì phải nói thêm là cha mẹ người Mỹ thương con cái hơn cha mẹ người Việt. Trong khi họ phớt lờ chuyện người Mỹ là người là từ thiện nhiều nhất. Ai ở Mỹ một thời gian sẽ nhanh chóng nhận ra là người Mỹ sòng phẳng, nhưng đồng thời có tinh thần tuơng trợ đồng loại rất cao, và nhất là đánh giá cao tinh thần trung thực. Nếu người Việt phải chọn 1 trong 2 người không quen biết, 1 người Mỹ và 1 người Việt, để tin tưởng giao phó chuyện quan trọng, hầu hết họ sẽ chọn người Mỹ. Ví dụ, khi làm 1 dịch vụ nào đó, người Việt tại Mỹ thường làm ở dịch vụ người Việt vì dễ trao đổi và giá cả rẻ hơn, nhưng với họ, làm ở dịch vụ của người Mỹ, khả năng xảy ra lừa đảo sẽ ít hơn nhiều. Thế tại sao họ cho rằng người Việt nhân bản hơn? Cũng vì anh AQ cả. Điểm lại, các bạn sẽ thấy hầu thế cái hay cái tài của thiên hạ, người Việt gom hết vào mình. Xét kỹ, tất cả đều là tự phong để phục vụ cái tôi tầm thường. Nhân vật AQ của Lỗ Tấn thực chất chỉ là 1 Anh Quèn, tất cả công việc của anh chỉ là tầm thường hoặc không có và rồi tưởng tượng ra những thứ thắng lợi tinh thần khác nhau. Thỉnh thoảng các bạn cũng có thể thấy 1 số người Việt lớn tiếng "với người Việt Nam, không có gì là không thể". Cái này thì phải gọi là Ông Quèn mới đúng. Đinh Nghệ An Souce: http://nguoimynguoiviet.blogspot.com/2013/10/nguoi-viet-va-tinh-than-anh-quen-cua-lo.html |
End of Printable Version |