Printable Version |
+-+ Nguồngốc dânViệt |
Author: dchph posted on 9/4/2011 10:39:57 AM Posted on 15/03/2010 by bongdentoiac Source: http://bongdentoiac.wordpress.com/2010/03/15/ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-cac-h%E1%BB%8D-ph%C6%B0%C6%A1ng-dong/ Đây chỉ là nguồn gốc sơ lược và có thể không chính xác vì cái này chỉ dựa trên sách cổ hoặc một số giả thuyết… Mỗi một họ có nhiều nguồn gốc, ghi chép dưới đây chỉ liệt kê một vài nguyên nhân vì rất khó có thể biết được tất cả. Chính vì thế, bạn cũng đừng nên dựa vào đó để xác định nguồn gốc 1 họ mà hãy chỉ coi đây là 1 trong những nguồn tham khảo. Tất nhiên, chỉ những họ mình tình cờ biết được mới có tên ở đây. Nói chung, có quá nhiều họ nên không thể nêu ra nguồn gốc tất cả được. Các họ của người Á Đông hầu hết xuất phát từ Trung Quốc. Họ của người Việt, người Triều Tiên và người Nhật có sự giống nhau và giống họ người Hán có thể là: + Do trùng lặp, tức là lấy họ giống nhau (vô tình) hoặc bị bắt phải mang họ (ép buộc). + Do bắt chước vì trước kia không có họ. + Do đồng hoá lẫn nhau. Nguồn gốc họ người Nhật Họ của người Nhật xuất hiện từ khá muộn. Đến tận thế kỉ XVII, hầu như người Nhật đều không có họ. Tại thời điểm đó, chỉ những gia đình quyền thế mới có họ. Những nhánh độc lập của hoàng tộc được Nhật Hoàng phong họ, trong khi các gia đình quý tộc từ xa xưa có họ riêng của mình. Những dòng họ cổ này mang đậm màu sắc Thần đạo. Các viên tướng được phong họ và cấp ấp, đất đai theo công trạng của mình. Ngoài ra cũng có một số họ có nguồn gốc Trung Quốc và Triều Tiên do những người này mang theo khi lánh nạn sang Nhật Bản từ thế kỉ IV như Vương, Tần… Đến khoảng giữa thế kỉ XIX, hầu hết dân số Nhật Bản vẫn chưa có họ chính thức. Thiên hoàng Minh Trị đã đưa ra một bộ luật bắt buộc phải mang họ để nộp thuế, ban hành năm 1883 làm cho các tầng lớp dân thường như nông dân, thương nhân phải chọn và đăng kí họ. Đây là lí do chính làm bùng nổ số họ của người Nhật. Việc đột nhiên phải chọn họ cho mình đã làm không ít người dân ít chữ phải lúng túng. Họ thường tìm đến người có chữ trong làng để xin họ, hoặc đơn giản là lấy cùng họ của những người láng giềng. Vậy nên không hiếm trường hợp cả làng lấy cùng một họ. Những họ được chọn phổ biến nhất là tên địa danh, đặc điểm địa hình, phương hướng… Cũng có những gia đình lấy nghề nghiệp làm họ của mình. Nguồn: Tên họ của người Nhật Bản. Ở Nhật Bản dòng họ Thiên hoàng (tức hoàng tộc) là những người duy nhất không có họ (chỉ có tên hay tước hiệu). Chú thích Phần diễn giải nguồn gốc ở dưới thường nhắc đến chữ thị (氏, họ) như Thác Bạt thị, Thần Nông thị… Thị ở đây được hiểu là thị tộc hay ngành họ. Còn họ mà chúng ta đang nói tới là tính (姓) như Bách gia tính. A An (安) Người An Tức (Parthia) sau khi di cư đến Trung Nguyên, đã lấy An làm họ. Thời Bắc Nguỵ, An Trì thị đổi thành họ An. Â Âu (欧), Âu Dương (欧阳) Theo sách Cựu Đường thư, thiên Tể tướng thế hệ biểu, Vô Cương, chắt đời thứ 7 của Câu Tiễn, được ban cho đất ở núi Âu Dư Sơn để cai trị. Do vậy, một số cháu chắt Vô Cương đã nhận họ Âu; một số khác nhận họ kép Âu Dương theo tên một ngọn núi ở đó. B Bát (八) Họ Bát là chi nhánh của họ Khương, bộ tộc Bát thị. Bắc (北) Họ Bắc xuất phát từ con cháu Xi Vưu, sau khi bị Hoàng Đế đánh bại, di chuyển lên phía bắc, nhân đó lấy chữ bắc làm họ. Bùi (裴) Theo Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo, họ Bùi thuộc dòng họ Doanh, hậu duệ của Bá Ích (con Cao Dao). Con cháu của Tần Phi Tử phong làm Bùi Hương Hầu, nhân đó lấy làm họ. Theo sách Thông chí, thiên Thị tộc lược, Bá Khôi thời vua Đại Vũ nhà Hạ, được ban cho đất ở làng Bùi. Con cháu Bá Khôi nhận tên làng Bùi làm tên họ. C Cao (高) Theo Quảng vận, đời Chu, con cháu của Kỉ Thái Công được ban cho nước Cao để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên nước Cao làm tên họ. Chu (周) Thời Tam Đại, có nước nhỏ gọi là Chu, do Thái Vương cai trị. Con là Văn Vương nối nghiệp, nhận tên Chu làm tên họ nên gọi là Chu Văn Vương. Sau khi nhà Chu bị Tần diệt, con cháu lấy Chu làm họ để tưởng nhớ nước Chu. Xem thêm: Lịch sử họ Chu Cơ (姬) Vào thời cổ đại, bộ tộc Chu được Ngu Thuấn ban cho họ Cơ. Khi nhà Chu (1122 TCN – 256 TCN) thành lập, các vua Chu lấy Cơ làm họ. Cung (弓) Theo sách Tính thị khảo lược, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách Vạn tính thống phổ, Thúc Cung làm quan đại phu nước Lỗ. Cháu chắt đã nhận chữ Cung làm tên họ. D Doãn (尹) Ban đầu từ Doãn để chỉ bộ lạc cổ gọi là rợ Nhung. Khi người Nhung cư ngụ trong lãnh thổ Hán, bị đồng hóa thì người Nhung đã nhận tên bộ tộc Doãn làm tên họ. Dong (庸) Bắt nguồn từ tên nước đời Chu. Dư (余) Theo sách Nguyên Hoà tính toản và Phong tục thông nghĩa, người sáng lập họ Dư là Do Dư làm quan đời nhà Tần. Con cháu nhận tên ông làm tên họ. Dương (羊) Theo sách Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo, họ Dương là chi nhánh của họ kép Dương Thiệt, và bắt đầu xuất hiện thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Đ Đào (陶) Họ Đào bắt nguồn từ chức quan Đào chính. Đào chính là chức quan trông coi việc chế tạo đồ gốm cho cung điện nhà Chu. Người đầu tiên giữ chức quan Đào Chính là ông Ngu, con cháu ông lấy từ Đào làm tên họ. Trong Hán tự, đào có nghĩa là đồ gốm. Đằng (滕) Bắt nguồn từ nước Đằng, một chư hầu nhà Tây Chu. Đặng (邓) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Đặng là chi nhánh của họ Mạn. Đặng là tên nước. Cuối đời Thương, con cháu của Kim Thiên thị được ban cho đất Đặng để cai trị. Do vậy, cháu chắt đã nhận tên Đặng làm tên họ. Địch (狄) Địch là từ chỉ chung các dân tộc sống ở phía bắc Trung Nguyên (Bắc Địch). Sau khi bị đồng hoá, họ đã lấy chữ Địch làm tên họ. Đinh (丁) Theo Vạn tính thống phổ và Thông chí, thiên Thị tộc lược, họ Đinh là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Vào đời nhà Chu, hậu duệ của Hoàng Đế nhận chữ Đinh làm tên họ. Đoàn (段) Theo Nguyên Hoà tính toản, Đoàn là tên của giống dân du mục mà người Hán gọi là rợ Hồ. Khi họ định cư tại đất Hán vào đời Hậu Chu (947-950), họ nhận tên Đoàn làm tên họ. Theo sách Sử kí, phần Ngụy thế gia, họ Đoàn là chi nhánh của họ kép Đoạn Can. Đoạn Can (段干) Theo sách Sử kí, phần Ngụy thế gia, Đoạn Can là tên ấp nằm trong nước Ngụy và ông tổ của dòng họ này là Đoạn Can Mộc. Đỗ (杜) Theo Nguyên Hoà tính toản và Lộ sử, Lưu Luy thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Lưu Luy lập ra nước Đường thường gọi là Đường Đỗ Thị. Vào triều đại nhà Chu, Chu Thành Vương chiếm nước Đường. Một người cháu Lưu Luy được cấp đất Đỗ Thành và được phong tước Đỗ Bá. Do vậy, con cháu nhận tên Đỗ làm tên họ. G Giang (江) Theo Nguyên Hoà tính toản, chắt vua Chuyên Húc là Bá Khôi được ban cho đất Giang Lăng để cai trị. Vào thời Xuân Thu, nước Giang bị nước Sở thôn tính, cháu chắt Bá Khôi lấy tên Giang làm tên họ để tưởng nhớ nước cũ. Giáp (郏) Theo Phong tục thông nghĩa, họ Giáp bắt nguồn từ họ kép Giáp Phụ và Giáp Phụ là tên nước. H Hà (何) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Hà có từ đời Tần, là chi nhánh của họ Hàn, thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người lập nên họ Hà là Hàn An, sống ở nước Hàn. Khi Tần Thủy Hoàng chiếm nước Hàn, Hàn An trốn sang Giang Tô và đổi thành họ Hà. Hàn (韩) Bắt nguồn từ tên nước Hàn thời Chiến Quốc, bị Tần chiếm. Con cháu nhận Hàn làm tên họ để tưởng nhớ nước Hàn. Hình (邢) Bắt nguồn từ tên nước thời Xuân Thu. Hoàng/Huỳnh (黃) Theo Nguyên Hoà tính toản, Hoàng là tên đất. Chu Vũ Vương cho con cháu Lục Chung đất Hoàng để cai trị. Nước Hoàng bị nước Sở chiếm, con cháu Lục Chung nhận Hoàng làm tên họ để tưởng nhớ nước Hoàng. Ở Việt Nam, để tránh kị huý vì Hoàng là từ chỉ vua nên họ Hoàng phải đổi ra Huỳnh. Hoạt (滑) Thời Xuân Thu có nước Hoạt. Nhân dân lấy tên nước làm tên họ. Hồ (胡) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Hồ thuộc dòng dõi Đế Thuấn, và người lập nên họ Hồ là Hồ Công Mãn. Họ Hồ là chi nhánh của họ Trần. Hồ Công Mãn được Chu Vũ Vương ban cho đất Trần để cai trị. Khi Hồ Công Mãn chết, con cháu lấy họ Hồ để tưởng nhớ người sáng lập nước Trần. K Kha (柯) Một bộ lạc thời Bắc Ngụy được ban họ Kha Bạt (柯拔), sau rút gọn lại thành Kha. Khổng (孔) Họ Khổng thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo Quảng vận, họ Khổng là chi nhánh của họ Tử, con cháu Đế Cốc. Đến đời vua Thành Thang (1766-1753 TCN), một người chắt Đế Cốc được giữ chức Thái Ất. Do vậy, con cháu đã ghép chữ Tử và Ất, tạo thành chữ Khổng để làm tên họ. Người đầu tiên nhận họ Khổng là Khổng Phú Gia. Khuất (屈) Theo Vạn tính thống phổ, Khuất là tên đất gọi là Khuất Ấp. Con Chu Vũ Vương được ban cho Khuất Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận Khuất làm tên họ. Khúc (曲) Theo Vạn tính thống phổ và Thông chí, thiên Thị tộc lược, họ Khúc thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Con của Mục Hầu nước Tấn được ban cho đất gọi là Khúc Ốc. Do vậy, con cháu đã nhận họ Khúc. Khúc (麴) Thời Tây Chu có chức quan Khúc nhân là người đảm trách việc chế biến rượu, nhân đó lấy chức quan làm họ. Con cháu của Cúc Đàm là Cúc Muộn thời Đông Hán đổi họ thành Khúc. Kiều (桥) Theo Nguyên Hoà tính toản, và Vạn tính thống phổ, họ Kiều là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Ðế. Theo hai sách này, Hoàng Ðế chết, được chôn ở núi Kiều Sơn nên con cháu nhận tên núi Kiều làm tên họ. L Lại (赖) Theo Tính thị khảo lược, Lại là tên nước thời Xuân Thu. Người nước Lại lấy tên nước làm tên họ. Lâm (林) Theo Lộ sử và Nguyên Hoà tính toản, họ Lâm là chi nhánh họ Tử thuộc dòng dõi vua Thành Thang. Người đầu tiên nhận họ Lâm là Tỉ Can. Tỉ Can bị Trụ Vương giết, con Tỉ Can trốn vào rừng. Về sau Chu Vũ Vương ban cho con Tỉ Can đất Bá Lăng và ban cho tên họ Lâm. Lê (黎) Theo sách Phong tục thông nghĩa, dưới triều vua Thiếu Hạo (2598-2513 TCN), có nhóm quan gồm 9 người gọi là Cửu Lê. Con cháu các quan này đã nhận chữ Lê làm tên họ. Theo Lộ sử và Nguyên Hoà tính toản, Lê là tên nước đời nhà Thương. Khi nhà Thương bị diệt, nước Lê thuộc nhà Chu. Con cháu Đường Đế Nghiêu được phong tước Lê Hầu. Do vậy con cháu đã lấy tên tước Lê làm tên họ. Theo Nguỵ thư, phần Quan thị chí, giai đoạn Ngũ Hồ loạn Hoa thời kì Nam – Bắc triều, những người Tiên Ti di cư từ phương Bắc xuống Trung Nguyên, sau bị Hán hóa và cải họ thành họ Lê. Một chi trong Thất tính công của người Đạo Tạp Tư (Taokas) ở miền tây Đài Loan sau bị Hán hóa, đã giúp đỡ nhà Thanh dẹp yên cuộc nổi dậy của Lâm Sảng Văn nên được Càn Long ban họ Lê. Lỗ (鲁) Lỗ là tên một đất nước thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Năm 256 TCN, Lỗ bị Sở diệt, nhân dân lấy tên nước Lỗ làm tên họ để tưởng nhớ nước cũ. Lưu (刘) Họ Lưu thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Theo sách Thông chí, thiên Tính tộc lược, cháu chắt của Đường Đế Nghiêu được ban cho đất Lưu để cai trị. Cháu chắt đã nhận tên đất Lưu làm tên họ. Theo sách Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo, Lưu là tên huyện. Một người cháu chắt Chu Văn Vương làm quan đại phu, được ban cho đất Lưu Ấp. Con cháu đã nhận tên đất Lưu làm tên họ. Lương (梁) Theo sách Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo, họ Lương thuộc thị tộc Doanh. Con của Tần Trọng được ban cho đất Hạ Dương và được phong tước Lương Bá. Cháu chắt Lương Bá nhận Lương làm tên họ. Một tài liệu khác cho rằng thời Bắc Ngụy, vua Hiếu Văn Đế ra nhiều sắc lệnh cải cách xã hội, trong đó có lệnh bắt đổi họ ba chữ Bạt Liệt Lan thành họ Lương. Lí (理), Lý (李) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Lý (李) là chi nhánh của họ Lí (理). Cả hai họ này có ông tổ chung là Chuyên Húc. Cửu Dao là cháu Chuyên Húc giữ chức Lí quan tức quan án nên Cửu Dao đổi sang họ Lí. Đến đời Thương, Lí Trưng phạm tội bị Trụ Vương đuổi khỏi nước và chết, con là Lí Lợi Trinh sống sót nhờ ăn trái cây gọi là Mộc Tử. Để ghi nhớ sự kiện này, ông ghép chữ Mộc và chữ Tử thành chữ Lý để làm tên họ. M Ma (麻) Theo sách Phong tục thông nghĩa thì Ma Anh làm quan đại phu nước Tề, con cháu nhận tên Ma làm tên họ. Theo sách Tính thị khảo lược, quan đại phu nước Sở được ban cho đất Ma gọi là Ma Ấp để cai trị. Cháu chắt đã nhận chữ Ma làm tên họ. Mã (马) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Mã là chi nhánh của họ Doanh, thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Người sáng lập dòng họ Mã là Triệu Xa. Triệu Xa giữ chức Mã phục quân là chức quan trông coi việc thuần thục ngựa cho kị binh thời Chiến Quốc. Con cháu Triệu Xa đã nhận tên chức quan Mã làm tên họ. Mạc (莫) Theo Tính thị khảo lược, Mạc là tên thành. Vua Chuyên Húc xây Mạc Thành. Cư dân trong Mạc Thành đã lấy chữ Mạc làm tên họ. Một thuyết khác lại cho họ Mạc là do tên chức vụ công quyền: chức Mạc ngao. Khuất Nguyên của nước Sở giữ chức vụ này nên con cháu đã lấy chữ Mạc làm tên họ. Mai (梅) Theo Cựu Đường thư, thiên Tể tướng thế hệ biểu, họ Mai là chi nhánh của họ Tử. Mai là tên đất. Vào đời nhà Thương, người anh của Thái Đinh được ban cho đất Mai và được phong tước Mai Bá. Con cháu đã nhận tên đất Mai làm tên họ. Mặc Kì (万俟) Mặc Kì là một bộ lạc người Tiên Ti. Thời Bắc Nguỵ, bộ lạc này sáp nhập và bị Hán hoá. Họ đã lấy tên bộ lạc làm tên họ của mình. N Nghiêm (严) Họ Nghiêm xuất phát từ họ Trang, thuộc dòng tộc Trang Vương nước Sở. Theo Tính thị khảo lược, vì tránh tên húy của Hán Minh Đế nên ông Trang Quang đã đổi sang họ Nghiêm. Từ đó nảy sinh dòng họ Nghiêm. Ngọc (玉) Theo một thuyết thì nước Sở thời Xuân Thu có chức quan quản ngọc tỉ (ấn của vua) là Ngọc doãn. Hậu duệ sau đó lấy chức quan làm họ. Ngô (吴) Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, phía nam sông Dương Tử là vùng Giang Nam. Vùng này là lãnh thổ của nước Ngô. Theo Thông chí, thiên Thị tộc lược, dân chúng nước Ngô đã nhận tên Ngô làm tên họ. Nguyễn (阮) Theo Nguyên Hoà tính toản và Vạn tính thống phổ, đời nhà Thương có nước Nguyễn. Cư dân nước này nhận tên Nguyễn làm tên họ. Cuối thời Đông Tấn, một số người họ Thạch đã cải sang họ Nguyễn. Nhị (二) Họ Nhị xuất phát từ nước Nhị (貳) do chuyển âm mà thành. Nông (农) Theo Vạn tính thống phổ, họ Nông bắt nguồn từ Thần Nông thị. Vua Thần Nông dậy dân làm ruộng nên dân chúng nhận tên Nông làm tên họ. Ô Ông (翁) Theo Nguyên Hoà tính toản và Tính thị khảo lược, họ Ông thuộc dòng Chu Văn Vương. Con Chu Văn Vương là Chu Chiêu Vương được ban cho đất Ông để cai tri. Con cháu đã nhận tên họ Ông. P Phạm (范) Theo Cổ kim tính thị thư biện chứng, Nguyên Hoà tính toản và Lộ sử, Đỗ Thấp Thúc được phong chức Sĩ sư ở nước Tấn nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ. Đến đời chắt của ông này là Sĩ Hội được ban cho đất Phạm, gọi là Phạm Ấp để cai trị, nên đã đổi họ Sĩ ra họ Phạm. Phan (潘) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Phan thuộc dòng tộc Chu Văn Vương. Chu Văn Vương cho chắt của mình là Chu Chí Tôn vùng đất gọi là Phan Ấp để cai trị. Con cháu Chí Tôn đã nhận tên Phan làm tên họ. Phó (傅) Theo Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo, người sáng lập dòng họ Phó là quan Thừa tướng của vua Vũ Tính nhà Thương. Ông cư ngụ tại đất Phó Nghiễm. Con cháu đã nhận tên Phó làm tên họ. Phùng (冯) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Phùng thuộc dòng dõi Chu Văn Vương. Người con thứ 15 của vua này là Tất Công Cao được ban cho đất Phùng, gọi là Phùng Ấp để cai trị. Con cháu đã nhận tên Phùng làm tên họ. Q Quách (郭) Theo Tính thị khảo lược, họ Quách có từ đời nhà Hạ. Thời nhà Hạ dân chúng sống trong khu vực có tường lũy bao quanh gọi là quách. Dân chúng lấy Quách làm tên họ. Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Quách là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Con thứ tư của Chu Văn Vương được ban cho đất Quách để cai trị nên con cháu nhận Quách làm tên họ. Quan (关) Theo sách Cổ kim tính thị thư biện chứng, họ Quan do tên chức quan canh gác cung điện nhà Chu. Quan Chí Cơ, giữ chức Đại phu nước Ngu, là người đầu tiên nhận họ Quan. S Sĩ (士) Theo Nguyên Hoà tính toản và Lộ sử, Lưu Luy thuộc dòng Đường Đế Nghiêu. Một người cháu Lưu Luy được Chu Thành Vương cấp đất Đỗ Thành. Đất Đỗ Thành bị Chu Tuyên Vương chiếm và con của Đỗ Bá là Đỗ Thấp Thúc chạy sang nước Tấn, được phong chức Sĩ sư nên đổi họ Đỗ thành họ Sĩ. Sơn/San (山) Theo Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo và Thông chí, thiên Thị tộc lược, Sơn là tên một chức quan đời nhà Chu gọi là Sơn sư. Quan Sơn sư trông coi việc thu thuế lâm và ngư nghiệp. Con cháu nhận tên chức quan Sơn làm tên họ. T Tạ (谢) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Tạ là chi nhánh của họ Khương, thuộc dòng dõi Viêm Đế. Tạ là tên nước. Thân Bá là anh em rể của Chu Tuyên Vương được ban cho đất Tạ nên con cháu Thân Bá đã nhận tên Tạ làm tên họ. Tào (曹) Họ này có nguồn gốc từ con cháu vương hầu nước Tào thời Xuân Thu. Sau khi Tào nước Tống diệt, nhân dân nước Tào vong quốc lấy tên nước làm họ của mình. Tăng (曾) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Tăng là chi nhánh của họ Từ, thuộc dòng dõi vua Đại Vũ đời nhà Hạ. Khi Thiếu Khang hồi phục nhà Hạ, ông ban đất Khoái cho con út của ông là Khúc Liệt để lập nên nước Khoái. Nước Khoái bị diệt, họ hàng chạy sang nước Lỗ và để tưởng nhớ nước Khoái, con cháu đã lấy chữ Khoái nhưng bỏ bớt ngữ căn Ấp để thành chữ Tăng làm tên họ. Thác Bạt (拓拔) Xuất phát từ Thác Bạt thị của người Tiên Ti. Sau khi di cư xuống Trung Nguyên và bị Hán hoá, họ lấy Thác Bạt làm tên họ. Thái/Sái (蔡) Bắt nguồn từ nước Thái. Nhân dân lấy tên nước làm tên họ. Thái (太) Theo Tính thị tầm nguyên, họ Thái có nguồn gốc từ họ kép Thái Thúc. Thái Thúc (太叔) Theo Tính thị tầm nguyên, họ Thái Thúc là chi nhánh của họ Cơ, thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Người lập ra họ Thái Thúc là Thái Thúc Nghĩa. Con cháu đã nhận Thái Thúc làm tên họ. Thân (申) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Thân là chi nhánh họ Khương, thuộc dòng tộc Viêm Đế. Thân Lã được ban cho đất Thân để cai trị và được tước Thân Bá. Cháu chắt Thân Lã đã nhận địa danh Thân làm tên họ. Ở Việt Nam, họ Thân bắt nguồn từ họ Giáp của người Tày. Giáp Thừa Quý đứng đầu động Giáp, là phò mã của vua Lý Thái Tổ, được vua Lý đổi họ sang họ Thân bằng việc ban thêm một nét vào chữ Giáp (甲), để trở thành chữ Thân (申). Dân động Giáp lấy họ Thân để ghi nhớ ơn vua. Thập (十) Họ Thập xuất phát từ bộ tộc Thập Bí (拾賁) trong thị tộc Thác Bạt của người Tiên Ti, do chuyển âm mà thành. Thất (七) Họ Thất xuất phát từ họ kép Tất Điêu (漆雕). Tất Điêu thị đổi sang Tất thị rồi họ Thất. Tô (苏) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Tô thuộc dòng dõi Chuyên Húc. Đời nhà Hạ, Côn Ngô được ban cho đất Tô Thành nên con cháu đã lấy họ Tô. Tôn (孫) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Tôn bắt nguồn từ tên chức quan gọi là Tôn bá. Chức quan này trông coi việc tế tự trong triều đình nhà Chu. Con cháu đã nhận tên chức quan làm tên họ. Tống (宋) Theo Vạn tính thống phổ, họ Tống là chi nhánh của họ Tử và Tống là địa danh nước Tống. Chu Vũ Vương ban đất Tống cho Vi Tử Khải là con út của Đế Ất. Nước Tống bị nước Sở chiếm. Dân nước Tống nhận tên Tống làm tên họ. Trần (陈) Theo Sử kí phần Ngũ đế bản kỉ thì họ Trần bắt nguồn từ họ Quy, hậu duệ vua Thuấn. Theo Thông chí, thiên Thị tộc lược và Nguyên Hoà tính toản, họ Trần là do tên nước Trần. Chu Vũ Vương cho Quỳ Mãn (Hồ Công Mãn) đất Trần để cai trị. Nước Trần bị Sở chiếm. Để tưởng nhớ đất cũ, họ đã nhận tên nước Trần làm tên họ. Trang (庄) Theo Nguyên Hoà tính toản, khi Sở Trang Vương mất, con cháu đã nhận tên Trang làm tên họ. Triều/Trào (朝) Họ Triều xuất phát từ con trai của Chu Cảnh vương là Triều hoặc xuất phát từ đại phu nước Vệ là Sử Triều. Triệu (赵) Theo sách Bách gia tính, họ Triệu được con cháu đặt ra để tưởng nhớ vị sáng lập triều đại Bắc Tống là Triệu Khuông Dận. Theo sách Nguyên Hoà tính toản và Đương thư, Triệu là tên vùng đất gọi là Triệu Thành. Đời nhà Chu, Tạo Phủ được ban cho đất Triệu Thành nên đã nhận chữ Triệu làm tên họ. Trịnh (郑) Theo Nguyên Hoà tính toản, Trịnh là tên nước. Đời vua Chu Tuyên Vương, Chu Hữu được ban cho đất Trịnh. Con cháu nhận tên Trịnh làm họ. Trưng (徵) Hai bà Trưng có tên là Trứng Chắc, Trứng Nhì[1]. Chữ Trứng phiên âm ra tiếng Hán là Trưng. Nhân dân lấy Trưng làm họ để tưởng nhớ công ơn hai bà. Trương (张) Theo sách Tính thị khảo lược, Huy là con thứ 5 của Hoàng Đế đã sáng chế ra cây cung nên được ban cho đất Trương để cai trị. Con cháu đã nhận chữ Cung và Trương làm tên họ. Theo sách Thông chí, thiên Thị tộc lược, họ Trương vốn là một nhánh của họ Cơ (thuộc dòng tôn thất nhà Chu). Gia Cát Lượng từng đem họ Trương đặt cho một tù trưởng ở phương nam (Đất Thục) khi ông tiến hành chiến tranh nô thuộc họ. Theo sách Vạn tính thống phổ, vào thời Nam Bắc Triều, nhiều người họ Cung đổi sang họ Trương để tránh bị bạc đãi. Tuân (荀) Bắt nguồn từ tên nước thời Chu. Từ (徐) Theo Nguyên Hoà tính toản, ông tổ họ Từ là Bá Khôi. Bá Khôi là quan đại thần của Đế Thuấn. Vua Đại Vũ nhà Hạ ban nước Từ cho con cháu Bá Khôi cai trị. Nước Từ bị nước Sở chiếm nên cháu chắt Bá Khôi đã nhận tên Từ làm tên họ để tưởng nhớ quê hương cũ. Tử (梓) Theo Quảng vận, con của Đế Cốc đã nhận chữ Tử làm tên họ. Tưởng (蔣) Thời Xuân Thu có nước Tưởng, nhân dân lấy tên nước làm tên họ. U Úc (鬱) Úc Hoa là thầy dạy của vua Vũ. Con cháu Úc Hoa lấy chữ Úc làm tên họ. V Văn (文) Theo Phong tục thông nghĩa, họ Văn thuộc dòng dõi Hoàng Đế. Sau khi Chu Văn Vương chết, con cháu đã nhận chữ Văn làm tên họ. Văn Nhân (闻人) Xuất phát từ Thiếu Chính Mão, do ông này mở trường dạy học cùng thời với Khổng Tử. Thiếu Chính Mão theo đường lối pháp gia, khác với đường lối lấy lễ trị của Khổng Tử. Học trò của ông là các văn nhân học sĩ. Hậu duệ của ông lấy hai chữ đó làm họ. Vũ/Võ (武) Theo Nguyên Hoà tính toản, họ Vũ là chi nhánh của họ Cơ và người sáng lập dòng họ này là Cơ Vũ, con của Chu Bình Vương. Theo Phong tục thông nghĩa, họ Vũ thuộc dòng dõi Tống Vũ Công thời Xuân Thu. Con cháu đã nhận tên Vũ làm họ để tưởng nhớ ông tổ Tống Vũ Công. Vương (王) Họ Vương rất phổ thông tại Trung Quốc là chi nhánh của nhiều họ trước đây là vua hay hoàng đế. Theo Thông chí, thiên Thị tộc lược, họ Vương là chi nhánh của dòng tộc Chu Văn Vương. Tài liệu khác cho rằng họ Vương thuộc dòng họ Đế Thuấn. X Xuân (春) Họ Xuân xuất phát từ chức Xuân hỗ thị nông chính (quan chưởng quản nông nghiệp) thời Tam Hoàng Ngũ Đế, con cháu Thiếu Hạo. Do nông nghiệp bắt đầu từ mùa xuân mà có chức quan này. Con cháu lấy chữ Xuân làm họ. Y Yên (燕) Yên là tên nước. Xuất phát từ Triệu công Thích. Yên (鄢) Cầu Ngôn được phong ở đất Yên (Yên Lăng), lập ra Yên quốc (không phải nước Yên – 燕国). Yên bị Trịnh diệt. Nhân dân lấy Yên làm tên họ để tưởng nhớ nước cũ. Xem thêm •Các vấn đề về họ và chữ Hán Tham khảo Sách •Bách gia tính – khuyết danh (đời Bắc Tống) •Cổ kim tính thị thư biện chứng – Đặng Danh Thế và Đặng Xuân Niên (đời Tống) •Cựu Đường thư – Trương Chiêu Viễn và Giả Vĩ (đời Đường) •Danh hiền thị tộc ngôn hành loại cảo – Trương Định (đời Tống) •Lộ sử – La Bí (đời Tống) •Nguyên Hoà tính toản – Lâm Bảo (đời Đường) •Nguỵ thư – Nguỵ Thu (đời Bắc Tề) •Phong tục thông nghĩa – Ứng Thiệu (đời Đông Hán) •Quảng vận – Trần Bành Niên và Khâu Ung (đời Tống) •Sử kí – Tư Mã Thiên (đời Hán) •Thông chí – Trịnh Tiều (đời Tống) •Tính thị khảo lược – Trần Đinh Vĩ (đời Thanh) •Tính thị tầm nguyên – Trương Chú (đời Thanh) •Vạn tính thống phổ – Lăng Địch Tri (đời Minh) Web •Baixun.com •[link=http://www.vae.org.vn/News_print.asp?id=3859]Những lần đổi họ lớn trong lịch sử Việt Nam cổ trung đại Chú thích 1.^ Danh tướng Việt Nam – Nguyễn Khắc Thuần (NXN Giáo dục, 2005) |
End of Printable Version |