Printable Version


+-+ Họcthuật - nghiêncứu
|---+ Nghiêncứu khảoluận
+-----+ Topic: Phiếm luận về chữ nhàn trong văn chương Việt Nam by admin


Author: admin posted on 5/24/2003 2:57:58 AM

Ngườiviết : Bắcgiang

Nói đến chữ NHÀN trong văn chương Việt Nam chẳng qua chỉ đề cập đến một vấn đề xưa như trái đất, các cụ ta đã tốn biết bao giấy mực để "tranh luận" về vấn đề này mà chưa tìm ra được một giải pháp thỏa đáng hầu dậy dỗ đám hậu sinh,rồi cứ thế đem "đại" vào chương trình giảng dậy các lớp trung học, mai này ra sao thì ra!! Ở lớp tuổi "teen" của tôi lúc đó, đầu óc còn non choẹt, chỉ biết đánh đinh, đánh đáo ngoài sân trường, tán gái còn chưa biết làm thế nào mà miệng vẫn phải ê a hai câu "Tam Tự Kinh Việt Nam" nhạt nhẽo:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao

học thì học vậy nhưng thực sự lúc bấy giờ tôi cũng chưa phân biệt được thế nào là dại, là khôn, tại sao phải đến chốn vắng vẻ để "dại" suốt đời??, người ta cùng lắm chỉ "khôn ba năm, dại một giờ" cũng đủ chết người rồi!! Tại sao lại bắt đứa con nít như tôi học thuộc lòng những tư tưởng yếm thế, cầu an.Ðọc lại tiểu sử của hai vị tổ sư của "trường phái nhàn Việt Nam" là Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm và Uy Viễn Tướng Công Nguyễn công Trứ ta thấy hai cụ "khôn tầy trời", miệng thì nói bóng, nói gió, luận bàn dại khôn, khôn dại, nhưng cả hai cụ đều bon chen chốn lợi danh, một người làm đến Ðông Các Ðại Học Sĩ, người kia danh vọng cao ngất trời, lủng lẳng với chức Hình Bộ Thị Lang, thử hỏi dại ở chỗ nào? Chốn quan trường sao gọi là "nơi vắng vẻ"?? Thực sự, hai câu trên vì phải học thuộc lòng như con két, nên nó theo làm hại tôi cả đời, cứ mỗi lần cầm sách lên học, họăc sau này ra đi làm, thỉnh thoảng tôi lại "tìm nơi vắng vẻ" rong chơi ngày tháng để rồi cuộc đời chẳng ra đâu vào đâu, chẳng phải mình tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hai câu quái ác trên, mà nhiều thằng bạn cũng ham chơi như tôi, ham tìm nơi vắng vẻ, ngao du sơn thủy, suốt ngày mơ mơ màng màng, viết vài câu thơ con cóc, vài chuyện tình cảm lăng nhăng, cũng tập tành uống rượu, ngâm thơ:

Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn

tưởng mình đã thành tiên,đạt tới trình độ NHÀN của các bậc sư tổ, báo hại cuối năm thi rớt phải:

Xếp bút nghiên theo việc đao cung

Tuổi trẻ như tờ giấy trắng, vào quân trường, ban ngày mệt nhoài vói đoạn đường chiến binh, đêm đêm mơ mộng với những chuyện tình lãng mạn của Chinh Phụ Ngâm Khúc:

Chàng thì đi vào nơi gió cát
Ðêm trăng này nghỉ mát nơi nao

thì còn thì giờ đâu:

Một mai,một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dù ai vui thú nào

Cuộc đời cứ thế trôi qua, ngao du khắp bốn vùng chiến thuật, rồi di tản sang xứ tạm dung này, bây giờ đến tuổi "ngũ thập tri thiên mệnh" mới biết mình bị các cụ...lừa hết!!! Lừa cả chì lẫn chài! Nếu thuở xưa tôi chịu khó học hành, không rượu chè, đàn hát, thơ văn, không hưởng nhàn một cách..vô cớ, thì bây giờ chắc đâu đã kém Uy Viễn Tướng Công! Có một điều làm tôi ngạc nhiên là chỉ có thơ văn Việt Nam mới đề cao chữ nhàn ,chứ các thi sĩ nổi danh Aâu Mỹ như Shakespeare, Voltaire, Lamartine..chưa ai biết nhàn là gì, mà cũng chẳng ai dại gì:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Uy Viễn Tướng Công cũng khôn lắm, sau bao nhiêu năm lăn lộn chốn quan trường, hưởng tất cả vinh hoa phú quí, danh vọng, giầu sang,lúc về già tay chân run lẩy bẩy không còn làm gì được nữa, cụ mới phủi tay dậy hậu sinh:

Nên phải giữ lấy nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài

Ðọc bài thơ "Chữ Nhàn" của cụ , câu 13 và 14 cụ dậy rất rõ về chữ nhàn :

Tri túc, tiện túc, đãi túc,hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn ,đãi nhàn, hà thời nhàn?

Nhưng đến câu 23 cụ lại tự hỏi ngược lại:

Chữ nhàn là chữ làm sao?

Có lẽ viết bài này sau năm bẩy mươi tuổi nên cụ già quá đã bị..lẫn rồi!!! Alzheimer's disease?? Tôi là kẻ hậu sinh rất kính phục bậc tiền bối,tôi cũng biết:

Ngã kim nhật tại tọa chi địa
Cổ chi nhân tằng tiện ngã tọa chi

Nên cứ theo gương các cụ hưởng nhàn, chẳng cần suy nghĩ, các cụ dậy sao tôi làm vậy, có học phải có hành, nhất là những điều này tôi đã được dậy kỹ thời đi học nên bây giờ cuộc sống rất nhàn hạ chẳng phải đua chen làm "overtime", cầy hai jobs cho cực thân ..già, có một điều hơi thua lỗ là đời sống vật chất..chẳng bằng ai!!, còn tinh thần thì nhàn cư vi.. may quá vẫn thiện! Giữa cuộc sống càng ngày càng văn minh, tôi như đi thụt lùi, những tiện nghi cuộc sống hàng ngày như nhà lầu, xe hơi, "high technology" tôi hầu như thua xa lũ con cháu, thần tượng của tôi luôn luôn là cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm:

Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chỗ lao xao

Có lẽ Cụ Trạng nói thật chứ chẳng phải đùa đâu, một nhà nho khẳng khái, khí tiết , làm quan đến chức Ðông Các Ðại Học Sĩ , danh thơm lừng lẫy trong văn học sử, một lời thốt ra là khuôn vàng thước ngọc thì không thể mỗi lúc mỗi đùa được! Nhất là vấn đề nhân sinh quan để truyền bá, dậy dỗ lớp hậu sinh thì càng không thể mang ra đùa bỡn. Có một điều tôi phải bái phục Cụ Trạng là Cụ đã can đảm thú nhận mình ..dại, thường thì các quan tai to mặt lớn, tài cao học rộng, mặc dù có làm điều sai trái, dại dột thì cũng ít ai tự thú một cách khờ khạo như thế . Ðọc lại tiểu sử, ta thấy suốt cuộc đời Cụ, trong 95 năm, Cụ làm 2 (hai) lần "dại" giống hệt nhau hay nói đúng hơn hai lần lười biếng muốn ở nhà vui thú điền viên an hưởng cảnh nhàn,để những cơ hội đem tài năng ra giúp dân, giúp nước bị bỏ quên một cách lãng phí!! Lần thứ nhất, khi còn là một thanh niên đẹp trai, học giỏi, lớn lên trong thời buổi nhiễu nhương , đất nước loạn lạc, Cụ đã nhất định ở ẩn không màng danh lợi, mãi tới năm 44 tuổi, hơn nửa đời người, mới biết ẩn dật là.. DẠI, rồi nghe lời khuyên nhủ (khuyên khôn, thay vì xui ..dại) của bạn bè mà ra ứng thí và đỗ tới Trạng Nguyên , đó là năm 1536 đời Mạc Ðăng Doanh. Khôn ngoan, ngụp lặn trong quan trường,chen chúc trong vòng lợi danh, phú quí, quyền cao chức trọng, vinh thân, phì gia, nhà cao cửa rộng.., cụ đã sống trong cái khôn mà quên đi cái dại thuở niên thiếu hàn vi, nghèo đói!! Nhưng khôn chẳng bao lâu, năm 1542 , lần thứ hai cụ làm một quyết định rất..dại là từ quan xin về ẩn dật tại Bạch Vân Am:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao

Ðọc hai câu trên tôi hơi ngạc nhiên về nguồn gốc, sinh quán của Cụ, Cụ tự là Hạnh Phủ, tên hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, sinh năm Tân hợi (1492) đời Hồng Ðức như vậy Cụ chính gốc là.. Bắc Kỳ, tại sao lại ăn giá thay vì ăn rau muống.Thú thật, tôi tưởng hưởng nhàn sẽ được hưởng cả sơn hào hải vị , chứ măng trúc, giá sống tôi đã.. bị hưởng hơn nửa đời người mà chẳng thấy NHÀN đâu chỉ thấy người càng ngày càng mảnh khảnh thêm!. Còn tắm hồ sen, tắm ao như Cụ, nếu có, cũng chỉ là thú vui (chẳng phải thú nhàn) của tôi cùng mấy đứa bạn cùng xóm thuở mặc quần.. thủng đít! Tôi cũng rất ngạc nhiên khi Cụ mang NHÀN vào công tác lao động hàng ngày, có lẽ Cụ đồng quan điểm với câu " Lao động là vinh quang" của các "đồng chí" của tôi:

Một mai, một cuốc, một cần câu

Kể từ ngày di tản sang xứ Cờ Hoa tôi mới thực sự được hưởng nhàn theo đúng nghĩa của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, cầm mai, cầm cuốc, đẩy máy cắt cỏ vườn trước, vườn sau mỗi cuối tuần. Thật nhàn hạ!!! Nhưng, thú thật, mệt nhoài sau một tuần làm việc kiếm tiền trả nợ ..nhà, nợ xe bơ phờ!! Trong toàn bài Cảnh Nhàn gồm tám câu của Cụ Trạng chỉ duy nhất có câu thứ bẩy và thứ tám tôi thích nhất vì nó thực tế, có thể đem ra áp dụng trong hoàn cảnh "nhiễu nhương" bây biờ nơi đất khách, quê người:

Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao

Nhắp vài ly rượu là thú NHÀN duy nhất của tôi cùng mấy thằng bạn lúc cuối tuần, cũng chẳng cần phải bầy vẽ gốc cây,công viên , làm gì cho ..romantic, cứ cầm một lon ..BUD lên thì ở đâu cũng..nhàn bằng nhau thôi! Có lẽ Cụ Trạng muốn chứng tỏ tài làm thơ, nên mầu mè một cách quá đáng!!!! Ta hãy nhìn Cụ Nguyễn Công Trứ hưởng nhàn một cách thanh tao hơn:

Thơ một túi, phẩm đề câu nguyệt lộ
Rượu ba chung, tiêu sái cuộc yên hà
Thú xuất trần, tiên vẫn là ta
Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng ờ cũng đúng

Chỉ có bầu rượu, túi thơ chả cần gì phải mai với cuốc cho nhọc xác!!

Nói thật ra cả hai cụ tổ của trường phái nhàn trước khi xúi dại đám hậu sinh đều đã rất khôn , lăn xả vào vòng lợi danh, bị đời hành lên, vật xuống đến khi thân tàn ma dại, xã hội không còn trọng dụng nữa mới thú thật:

Ðược thua thấy đã ít nhiều phen
Ðể rẻ công danh đổi lấy nhàn

Hoặc:

Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Ðám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao xiết kể

Tôi bây giờ cũng giật mình, nhưng cái giật mình của tôi khác của hai cụ, cái giật mình của kẻ bị lừa nó đau hơn ..hoạn, tôi giật mình tỉnh dậy thì ôi thôi, nước mất, nhà tan,tuổi trẻ đã mất muốn làm lại cũng không được, ở tuổi tôi đáng lẽ phải được về hưu hưởng nhàn thì ban ngày thay vì cầm mai, cầm cuốc như cụ Trạng , tôi lại phải kéo..cầy trả nợ, ban đêm chong đèn "dùi mài kinh sử" ê a học từng chữ trong English for today !! biết bao giờ mới có thì giờ nhàn rỗi để:

Tiêu khiển một vài chung lếu láo.

BẮC GIANG

End of Printable Version


NOT ALL THE CHINESE RULERS LEARN THE SAME THE LESSONS OF VIETNAM'S HISTORY. LET'S TEACH THEM ANOTHER ONE, A CHINA 911 STYLE!
Flag counter for this page only -- reset 06262011

Diễnđàn cổvũ sửađổi cáchviết ChữViệt2020 mới!
ziendan.net | vny2k.com | hocthuat.com | sangtac.com | Han-Viet.com
©2002-2024 vny2k.com