Printable Version |
+-+ Dulịch Việtnam và thếgiới |
Author: dchph posted on 5/13/2003 9:49:09 PM Người viết : pvthạch “We, Californians, are proud of being the most polluter of Grand Canyon.” Một anh Mỹ kháo chuyện với du khách Tây ở Yavapai Point khoảng 9 giờ sáng khi thấy sương khói trên Grand Canyon chập chùng. Hàng triệu năm trướcdòng sông Colorado từ hướng đông bắc chảy xuống bào mòn vùng đất khô cằn ở phía bắc tiểu bang Arizona thành một lũng sâu. Các lớp trầm tích và sa thạch, đá vôi và hoá thạch có độ tuổi từ 250 triệu đến 2 tỉ năm phơi ra trước nắng gió là bức tường thiên nhiên cổ xưa nhất thế giới. Đứng trên mép cao nguyên phía nam ở cao độ 7.000 bộ Anh nhìn xuống dòng sông sâu khoảng một dặm bên dưới và qua bên bờ vực phía bắc cách 10 dặm, cảnh Grand Canyon trải dài trên 270 dặm từ đông sang tây mờ mờ khói từ Los Angeles thổi lên và từ vịnh San Francisco kéo xuống càng thêm huyền ảo và hùng vĩ. Từ vùng vịnh San Francisco đi dọc theo xa lộ 5 xuống hướng nam, vốn là sa mạc phẳng lì nay biến thành ruộng nương, đồng cỏ nuôi bò cừu và vườn cây thẳng tắp nhờ nước từ mạn bắc dẫn về. Tới Bakersfield theo đường 58 đi về hướng đông đến Barstow khoảng trên 100 dặm, trước đó phải leo qua dốc đèo Tehachapi trên 4.000 bộ và ngang qua Edwards Air Force Base (chỗ phi thuyền con thoi thường đáp xuống mỗi khi trở về trái đất?), hễ chỗ nào có người là có trạm xăng Chevron như thể không còn ai khác làm chủ đất này. Từ Barstow theo xa lộ 40 về hướng đông đến Needles, thành phố giáp ranh với Arizona, khoảng 150 dặm là đồi núi và sa mạc, bên phải là cấm địa của Marine Corps, bên trái là Mojave National Preserve toàn các bụi xương rồng và ngải đắng (sagebrush). Giá phòng ngủ ở Motel 6 tương đối rẻ so với các nơi khác, nhưng giá xăng vẫn là xăng California với thuế má đầy đủ. Phố Needles nằm dọc theo sông Colorado có nhiều khu cắm trại, câu cá, và thỉnh thoảng thấy sòng bài của người da đỏ. Đi tiếp xa lộ 40 ra khỏi phố Needles có những chóp núi nhọn hoắt như răng cưa, qua tiểu bang Arizona đến Williams cách khoảng 175 dặm. Các con lạch cắt ngang xa lộ được gọi là Wash, cạn khô chẳng rửa ráy được gì. Đường đi lên dốc qua hai thành phố Kingman và Seligman, giá xăng rẻ hơn California rất nhiều, và cảnh quan cũng khác, các bụi ngải đắng nhỏ thấp và cằn cỗi hơn, các cây xương rồng cao, gai nhọn và dài hơn. Ngừng ở Williams, đặt theo tên của William Williams, một chàng cao bồi hồi giữa thế kỷ 19 vừa là tay trộm ngựa vừa là nhà giảng đạo, sau bị bộ lạc Utes giết chết. Đổ xăng và mua thức ăn, củi và các thứ linh tinh (kể cả quà lưu niệm nếu muốn, vì hàng hoá trong Grand Canyon đắt hơn!) trước khi theo đường 64 lên hướng bắc khoảng 60 dặm vào Grand Canyon. Thời tiết giữa trưa mát khoảng 50 độ F, nhưng gió hanh rất khó chịu. Tổng cộng đường đi khoảng 800 dặm, chán và đơn điệu, bình nguyên mênh mông hoặc sa mạc nắng cháy, ngoại trừ đoạn từ Williams lên Grand Canyon có những hàng thông cao. Mather Campground trong Grand Canyon vào đầu tháng Năm ít người đến và không phải giữ chỗ trước. Đất trại tương đối đầy đủ tiện nghi, nhưng không cho nhặt củi, nằm trong rừng thông và bách juniper, cây thấp và thưa chứ không cao vút và dầy đặc như ở bắc California hoặc các tiểu bang phía bắc. Chim chóc chỉ thấy lũ quạ to bằng con gà trong chợ Safeway bay quần đánh nhau cạnh bếp lửa hoặc khệnh khạng như mụ phù thủy trên các bàn ăn không người, và các con chim sẻ ríu rít. Ở ba ngày đêm chỉ thấy vài chú sóc nhắt con. Thùng rác tái sinh sơn màu vàng nhạt, và thùng rác đổ đi sơn màu xanh lá cây! Phòng tắm giặt ngoài cổng đất trại, có hôm mở sưởi đến nghẹt thở, có hôm tắm xong hết nước là run cầm cập, 1.25 USD được 5 phút nước nóng. Bên kia đường là Market Plaza có nhà băng, bưu điện, chợ, tiệm ăn, và, dĩ nhiên, cửa hàng bán quà lưu niệm. Từ Market Plaza có thể thả bộ đến Park Headquarters để hỏi cách đi thăm Grand Canyon, đóng con dấu kỷ niệm ngày đến, và ra xem vực núi. Du khách có thể đi bộ từ Headquarters dọc theo mép vực về hướng tây để đến Grand Canyon Village cách khoảng một dặm, và đi tiếp hoặc đón xe buýt độ tám dặm nữa đến Hermits Rest. Vài chị nai đuôi trắng nhởn nhơ ăn nghỉ trên các bãi cỏ hiếm hoi trong Village toàn đường nhựa và lối đi tráng xi măng. Thỉnh thoảng vài chiếc xe đò chở du khách từ xa đến gầm rú thả khói mù mịt. Trong Village có ga xe lửa chở người từ Williams lên, và nhà giữ chó cho các du khách mang chó mèo theo. Bác tài xế xe buýt bảo năm nay trời trở gió khác thường, cô tài xế chuyến xe khác than thở gió hanh làm khô da mất đẹp. Xe buýt miễn phí cứ 10-15 phút có một chuyến, sẽ ngừng ở các điểm cách nhau trên dưới một dặm để du khách xuống xem. Lối đi bộ từ Village đến Maricopa Point tráng nhựa hoặc xi măng, sau đó là đường mòn đến Hermits Rest, men theo vực núi tương đối dễ đi và bằng phẳng, vài đoạn có cây che tạm nắng gió. Cách Maricopa Point một quãng ngắn về hướng tây có khu mỏ đồng cũ, 1100 bộ bên dưới mép vực, khai thác trong 30 năm đầu của thế kỷ 20. Năm 1951 người ta tình cờ khám phá ra có uranium ngay chỗ mỏ đồng này, và khai thác thêm 15 năm nữa trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Tổng cộng sản xuất được 4,3 triệu cân Anh quặng uranium, gần 7 triệu cân đồng, và một số quặng bạc và vanadium oxide, đến năm 1969 thì chấm dứt chuyện ồn ào, bụi bặm và náo nhiệt của cảnh khai thác mỏ. Bà Mary Colter trong 40 năm đầu thế kỷ 20 đã vẽ những công trình kiến trúc ở Grand Canyon hài hoà với cảnh quan, dùng vật liệu đất đá ngay tại địa phương và vôi vữa. Ở Grand Canyon Village có Indian Hopi House phỏng theo phong cách nhà ở của bộ lạc Hopi, đơn giản và chú trọng đến từng chi tiết màu sắc và trang trí bên trong; Lookout Studio nhô ra hẻm núi và hoà nhập với các tầng đất đá; Bright Angel Lodge làm chỗ ở cho du khách trong tổng thể những kiến trúc sẵn có như Buckey O’Neill Cabin và Red Horse Station. Ở cuối Hermit Road có Hermits Rest ấm cúng, trông như chỗ của người ẩn dật, xa xôi nhưng thân tình. Gần cổng vào phía đông có Desert View Watchtower, tháp tròn cao lớn, vách tháp xây bằng đá tại địa phương trông như các tầng địa chất của vực núi, nhìn từ xa giống như một trong vô số tháp đất đá thiên nhiên ở đây. Bà cũng vẽ kiểu lều và cabin ở Phantom Ranch cạnh dòng sông Colorado dưới đáy vực. Các công trình của bà ngày nay được xem như thắng cảnh lịch sử của quốc gia. Tusayan Ruin nằm ở mạn gần cửa vào phía đông, giữa Lipan và Moran Points, là khu định cư của người Hopi vào khoảng 800 năm trước. Khu phế tích được khai quật một phần từ năm 1930, và may mắn được để nguyên không tái tạo. Tusayan là tên của người Tây Ban Nha đặt cho vùng đất này, ngày nay không rõ nghĩa gì. Một nhóm khoảng 30 người Hopi đã sống ở đây khoảng 20 năm trước khi bỏ đi nơi khác. Du khách có thể để 30 phút đi xem dãy nền các phòng ở 3 mét x 1,5 mét, nhà kho nhỏ hơn, và phòng tế lễ (kiva) hình tròn đường kính 4-5 mét, tường và mái đã đổ hết. Các phòng ốc xây liền nhau thành hình chữ U. Nhà của người Hopi không có cửa, mái bằng có lỗ thủng để bắc thang ra vào. Khu trồng trọt rộng gấp đôi khu nhà ở cách đó 15-20 mét nằm trong chỗ đất hơi trũng. Người Hopi trồng bắp, đậu và bầu bí (squash), và xếp những bờ đá thấp để giữ nước và đất mầu ngay trên mảnh đất trồng trọt. Đến Grand Canyon phải theo lối mòn dẫn xuống dòng sông Colorado bên dưới mới thấy cảnh hùng vĩ của vách núi suốt dãy thung lũng. Ai không có khả năng leo dốc chỉ cần đi xuống đến khi mỏi chân rồi ngồi nghỉ trước khi cuốc lên, thời gian leo lên gấp đôi lúc đi xuống. Hoặc có thể thuê la xuống nếu thích trò cỡi la xem cảnh. Ở Headquarters có đủ chỉ dẫn về các lối xuống vực, số lượng nước nên mang theo, quãng cách và độ dốc đến các điểm trên đường đi và ước tính thời gian đi, cấp giấy phép nếu muốn ở qua đêm dưới vực. Một trong những lối xuống vực nhiều người đi nhất là Bright Angel Trail bắt đầu từ Village (độ cao 6860 bộ) xuống đến Indian Garden (3760 bộ), khoảng cách 4,6 dặm, mất độ 6-8 tiếng cả đi lẫn về, giữa đường có chỗ nghỉ. Từ trên đỉnh nhìn xuống lối mòn ngoằn ngoèo không cây cối, người đi tấp nập lên xuống ở đoạn đầu, trực thăng chở du khách bay xành xạch trên cao, và thỉnh thoảng nếu may mắn có thể thấy kên kên đầu đỏ lượn dưới lũng sâu, đừng nhầm với quạ. Indian Garden là một rẻo xanh, có nước uống và chỗ cắm trại, nơi ngày xưa bộ lạc Havasupai sinh sống và trồng cấy. Từ đây có thể cuốc thêm một dặm rưỡi đến Plateau Point (3860 bộ) nhìn sâu xuống dòng sông Colorado dưới đó 1300 bộ. Người 50 tuổi già có thể lết thêm 4,5 dặm nữa băng ngang dòng sông tới Phantom Ranch (2546 bộ) để có nước uống, chỗ nghỉ và rên rỉ với Rangers dưới ấy. Đó là chuyện đi đứng theo sách và lời kể của cô hướng dẫn ở Headquarters. Một lối mòn khác cũng dẫn đến Phantom Ranch là South Kaibab Trail bắt đầu ở Yaki Point, cách Village khoảng 4,5 dặm về hướng đông. Đường đi ngắn hơn, chỉ 7,3 dặm đến Phantom Ranch, và dĩ nhiên dốc hơn, ngoài ra lại không có nước tiếp tế giữa đường. Lối mòn hẹp không được tu bổ tốt như bên Bright Angel Trail, không có bóng mát, thỉnh thoảng gặp thằn lằn dài khoảng 5 phân chạy thoăn thoắt. Lội xuống độ một phần ba dặm là chống gậy leo lên, thở không ra hơi, uống gần nửa lít nước, ăn một mẩu phó mát, và tạm an ủi là đã thấy cái đẹp “dễ sợ” của Grand Canyon. Cắm trại ở Grand Canyon phải chịu cảnh thời tiết bất thường. Chiều tối có thể ấm áp thoải mái đến 10 giờ đêm, rồi đến 2-3 giờ sáng trời lạnh 25 độ F, ngủ không được, nghĩ bụng có lẽ mình già hay cái túi ngủ lông ngỗng vốn trung thành gần 20 năm nay đã cũ và xọc xạch cần phải thay. Có tối mưa đá ập đến vài phút, những hạt nước đá nhỏ bằng hạt gạo tròn, và gió thổi chúi người như trời bão. Đỡ khổ mỗi một điểm là củi mua ở xứ sa mạc khô (có lẽ nhờ mua vào đầu mùa du lịch), nặng và chắc, có than giữ được lâu. Ban ngày nắng và gió hanh khô rát mặt, có lúc lại bỗng dưng bông tuyết bay lất phất giữa trưa, làm hoang mang không hiểu trời lạnh hay nóng. Ở Grand Canyon, mỗi góc nhìn từ mép núi xuống vực có vẻ đẹp khác nhau và tùy theo lúc sáng hay trưa hay chiều; cũng như vẻ đẹp của con người tùy góc cạnh, nhìn từ phía trước với đầy đủ mắt mũi tai miệng hay nhìn từ sau mái tóc lấp ló vành tai, tùy lúc vui hay lúc càu nhàu. Nhưng cảnh Grand Canyon hùng vĩ có lẽ có một điểm nhất quán là lúc nào cũng mờ mờ khói California, chẳng bao giờ rõ nét như ảnh bán trong các cửa hàng lưu niệm, đủ cho thấy sức mạnh của con người làm thiên nhiên dù bao la đến mấy cũng phải nhạt nhoà và tăng thêm huyền bí. Sau 7 giờ tối ra xem cảnh hoàng hôn, vầng dương đỏ rực bị mây khói che phủ làm nhớ đến câu thơ “Nơi đây sương khói mờ nhân ảnh”, không rõ thơ của ai, nhưng khói xe và khói nhà máy cách hàng trăm dặm bay đến hoà với hơi sương cũng lung linh huyền ảo như khói thuốc phiện. * Trên đường về đến Barstow rẽ lên hướng bắc theo xa lộ 395 độ 60 dặm cũng toàn đồng khô cỏ cháy, bên trái có nhà máy điện dùng năng lượng mặt trời. Sau đó kéo dài 40 dặm, bên phải là khu cấm địa của hải quân, bên trái là Sequoia National Forest, đến xóm nhà Olancha vài trăm dân. Từ đây đi thêm hơn 80 dặm nữa đến Bishop, ngang qua các thị trấn nhỏ, Lone Pine và Independence, phục vụ khách du lịch hoặc dân đi câu, nom gọn ghẽ và tươm tất. Bên hướng đông đường đi là Sequoia National Park và Kings Canyon với Mt. Whitney, đỉnh núi 14.494 bộ, cao nhất California, và các rặng núi trùng điệp, tuyết còn đóng trên đỉnh. Bishop là một thị trấn với hơn 1500 dân, phố chính đủ dài để có bốn ngọn đèn lưu thông và khá sầm uất, có nhà hàng Thái chen chân với Mc Donald, tiệm ăn Tầu nấu nướng tàm tạm và giá phải chăng nếu so với giá cả vùng Vịnh San Francisco. Từ Bishop cũng theo xa lộ 395 đi lên 40 dặm đến thị trấn tên Mammoth Lakes, tên như thế nhưng không có cái hồ coi cho được, chủ yếu phục vụ du khách đến trượt tuyết. Đi thêm 20 dặm nữa đến ngả ba đường 120 lên Tioga Pass để vào Yosemite National Park nhưng lối lên đèo đóng. Mono Lake bên kia đường là một hồ thiên nhiên, rộng mênh mông, trắng xoá các loại khoáng chất và muối. Dưới hồ hàng triệu năm trước có loài tôm to cỡ gang tay, nửa triệu con tôm nặng độ một anh ròm 50 ký. Theo xa lộ 395 chạy lên ngả ba 108 cũng đóng, lên 24 dặm nữa rẽ vào đường 89 tuyết còn phủ hai bên đường, rồi đổi qua đường 4 chạy một đoạn mới biết đường bị đóng, xe chạy ngược chiều trở ra nườm nượp. Quay về 89, nhập vào hướng tây đường 88 dọc theo con lạch và các hồ nước có nhiều người câu cá kiểu fly-fishing. Về đến Jackson 3 giờ chiều, ghé hiệu ăn, chủ tiệm bảo thịt còn đông đá, phải đợi nửa tiếng nữa nếu không muốn ăn chay. Thôi đành hẹn kiếp sau làm thầy chùa đi cắm trại sẽ ghé ông, kiếp này chịu tìm đến Mc Donald vậy. Rời Jackson về đến Stockton nằm trên xa lộ 5, từ đó trở đi là cảnh kẹt xe quen thuộc ở lối vào 205, trên 580 và 680, xe cộ xấn trước mũi nhau như quạ tranh ăn trên rừng, nhưng có một niềm an ủi là bầu trời ô nhiễm không mờ ảo hơn ở Grand Canyon bao nhiêu. pvthạch |
End of Printable Version |