Thiên nhiên và tự do
Tácgiả: Vĩnh Trương -Tuấn Anh
Thiên nhiên và tự do Ngày 15/9/06 đi khỏi SGN lúc 11:55 đến Narita 7:30 sáng 16/09 để chuyến tiếp đi Mỹ. An ninh gắt gao, an ninh Nhật lấy mất 1 ống kem đánh răng. Trương &Tuấn Anh ngồi ghế 33, anh chị Thuấn ngồi ghế 18. Bồng bềnh trên mây hơn 10 tiếng đồng hồ với một hỗn hợp các cảm giác. Ngạc nhiên, đêm trôi qua thật ngắn, hoàng hôn vừa kết thúc được khoảng 3 tiếng đồng hồ thì trời đã hửng sáng. Mặt trời hiện ra chói chang trên nền mây trắng xốp như bông, phía bên trên, trời trong veo, cảnh đẹp như tranh vẽ. Bay từ Thái bình dương vào đất Mỹ vào ban đêm, chắc là trên vùng trời bang California, nhìn ánh đèn như sao sa bên dưới, chúng tôi nhớ lại một đêm 1971, máy bay Mỹ đến không kích Hải Phòng. Hai bên xông vào nhau quyết tử và cái tên Mỹ được nhắc đến như biểu tượng của kẻ thù, của thù hận kéo dài. Những phi công Mỹ hôm nay điều khiển máy bay Mỹ nhưng không oanh tạc Bắc Việt mà họ chở nhiều người Việt giong ruổi trên mây. Cũng chính những người Mỹ này đây ngày nào tổng thống Thiệu đã nói làm kẻ thù của họ dễ hơn làm bạn với họ. Còn hôm nay chúng tôi là khách của họ. Hồi hộp tại cổng nhập cảnh là tâm trạng chung cho những ai đã đi qua hơn 20 ngàn km đến Mỹ lần đầu. Nhân viên xuất nhập cảnh Mỹ nghiêm nghị, ăn mặc như trong các phim hành động. Co lẽ thấy chúng tôi quá căng thẳng nên họ đôi lúc pha trò trong lúc kiểm tra giấy tờ. Bánh Trung thu mang theo bị tịch thu vì kiểm tra có trứng gà. May là còn sót vài hộp làm quà cho thân hữu. Ra khỏi phi trường Dulles lúc 11:15 ngày 16/09. Đặt chân lên xứ Mỹ. Dọc đường từ phi trường về Alden Grove , Fairfax, Virginia đầy những trụ sở của các đại công ty, Symantec, Nissan... Virginia là đất phát tích của 8 vị tổng thống Mỹ và là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của hành chính Mỹ. Bluemouth và Weather, mật cứ của chính phủ Mỹ trong trường hợp khẩn cấp cũng quanh đây. Sáng ngày 17/9 Chủ nhật Chạy bộ ở Fairfax. Uống cafe ở Nông trại Robertson, Fairfax, Virginia. Có bầy quạ cũ hom hem đậu nhành sồi già chuyện trò với 3 người Việt vừa uống Starbuck vừa ngắm xe cộ ngược xuôi đại lộ Lee Highway. Rừng cây tùng, cây phong, dương xỉ, trắc bá diệp và có cả ngô đồng xanh lá rì rào trong gió cuối hè. Mùa thu sắp đến và những tán lá xanh rì này sẽ đổi vàng, sẽ rơi rụng và được xay nhỏ ra để làm phân xanh nuôi chính rừng cây. 11:30 rời khu Alden để đi Washington DC cùng với Thi, Mr Tú, Mr Thuấn & Tuấn Anh Ở DC phải đeo seatbelt kể cả khi anh ngồi ghế phía sau. Ven sông Potomac có những hàng cây sakura cứ đến tháng 2 tháng 3 là trổ hoa cuốn hút du khách trong vòng chỉ 1 tuần lễ. Thăm viếng các monument chiến tranh Vietnam, Triều Tiên, Lincohn, Washington(tháp bút), vườn đá ghi công các trận chiến trên Thái Bình Dương và Đại Tây Dương trên đường từ tháp bút đến Capitol Hill. Sau đó chúng tôi ăn chiều ở bảo tàng Không Gian Hoa Kỳ gần trụ sở Bộ Giao Thông Vận Tải. Ở gần các bảo tàng thuộc Smithsonian: bảo tàng văn hoá da đỏ, bảo tàng động vật, thực vật, có 1 nhóm chống Bush mặc quần áo tù cho Rice, Bush, Dick & Cohen cho dân chúng chụp ảnh. Chúng tôi cũng đến thăm Nhà Trắng, vườn Hồng và ghé ngang qua Ngũ Giác Đài. Sáng ngày 18/9 thứ hai. Đi đường 81 và 30 thẳng tiến New Jersey cùng Mr Tuấn, Mr Thuận lúc 9:30. Hai bên là rừng. Đường xa lộ đi qua những làng mạc hiện đại, những căn condo villa nằm tít trong rừng sâu cách âm với xa lộ sau những dải từơng phân cách khéo xây và trang trí dây leo xanh mượt. Các tấm cách âm luôn thay đổi hình thù, khi thì như một tấm phù điêu, khi thì như một bức từơng rào của doanh trại quân đội và có khi là những kiến trúc zigzag lên xuống. Dâyleo xanh mượt, hoa đổi màu liên tục từng 200 met một lần. Thảm thực vật cực kỳ phong phú. Cách bảo quản rất nghiêm nhặt. Sóc chạy ngoài đường như những công dân Mỹ chính thức. Tuy vậy người ta bảo vệ môi trường đối với các loài sinh sôi nhanh như ve sầu bằng cách 17 năm xịt thuốc 1 lần (cho cheat bớt). Những đoàn xe đi chui trong xa lộ rợp bóng cây rừng Đông Bắc Hoa Kỳ, y như ta đi xe đạp trong những con đường làng rợp bóng tre. Hai bên đường, hàng triệu cây cổ thụ cao chót vót và cây rừng mới trồng theo nhau vút qua, để lại bóng mát xa lộ bên dưới. Rừng cây thoắt cao thoắt thấp bởi hai bên núi đồi cũng điệp trùng không cùng. Chúng tôi đi như những Forest Gump, mỗi bước đi rớt các ống sắt nẹp chân bỏ lại. Những nẹp ống chất nặng buồn phiền, nghèo đói, tham nhũng, hà lạm như rớt loảng xoảng phía sau. Ở đây sóng điện thoại mất liên tục chứ không phải hoàn chỉnh trên từng đoạn xa lộ; người ta có thể thuê xe ở khắp nơi trên Hoa Kỳ và trả lại ở những nơi cách xa hàng ngàn cây số . Ở đây xa lộ tư nhân lấy toll bằng cách bán các cảm ứng gắn ngay trên xe, thường là được tính thêm 10% trên mức mà người dân phải trả bình quân(thông qua xăng...) cho xa lộ công. Xe Nhật chiếm trên 60% những chiếc lưu thông trên xa lộ Mỹ. Dẫn đầu là Toyota như mọi người đều biết, nhưng điều đáng ngạc nhiên là xe Corolla Altis - xe được bình chọn là 1 trong 10 kiểu xe mất an toàn nhất trên thế giới - lại được sử dụng rất nhiều ở đây, ngoài đặc điểm về độ an toàn thấp thì xe này tương đối nhỏ không thích hợp với tầm vóc người Âu. Kế đến là Honda với hai sản phẩm thông dụng là Accord và Civic và sau đó là các sản phẩm của Hãng Nissan.Lúc này NY đang có sự kiện cô gái Mỹ tuyển chồng trên internet. Dọc đường Silverspring ở Maryland mọc đầy những toà tháp nhọn của giáo phái Mormon trông như những thanh kiếm bạc vút lên trên nền trời. Chúng tôi ghé vào 1 rest trên đường. Những rest-trạm nghĩ chân này do cơ quan thuế lập ra, người dân không phải trả tiền cho những tiện ích như đậu xe, tắm rửa và nghĩ ngơi dưới những tàn cây bóng mát. Ở đây họ lại kết hợp kinh doanh thức ăn uống, khác hẳn những chòi lá đạm bạc bên mình. Người Mỹ có lúc thể hiện tinh thần tự do tư tưởng nhẹ nhàng bằng những dải ribbon đủ màu không phải trên hàng ngàn thân cây sồi-như lời chào người tình về- mà đính trên vạn thân xe vút qua. Nào là "we support our army in Middle East", "for liver cancer patients", hay"vote for Tan Nguyen"...đều có cả. 12:30 Đến York, Pensylvania, qua Gettstyburg, xuôi trên những triền đồi phơi mình tắm nắng, những nương ngô cùng với bầy ngựa đứng im bên hàng rào gỗ men theo lối vào nhà ai đó. Cảm giác bãi mía nương dâu quê hương "nơi ấy có con đường rắc nắng vàng tươi, đồng quê nhà tranh vách đá.." lại đến...có điều nương rẫy nơi này hiện đại, sạch sẽ và ngăn nắp. Rồi chúng tôi lại ruỗi qua những đoạn đường huyết mạch của Harrysburg với trụ sở của Harley Davidson. Nghe nói Pensylvania sống nhờ vào kinh doanh mô tô. Đường xuyên liên bang phẳng lì ngàn dặm, chợt nhớ những con đường bê tông cốt tre PMU 18. Cảnh sát Mỹ cũng nấp trong rừng bắn tốc độ nhưng không thể nào xin bỏ qua nếu bạn phạm lỗi .Vùng này của Mỹ ít thấy cảnh thay đổi (nhà cổ , phố cổ rất nhiều) chắc có lẽ do ít sông ngòi, ít chiến tranh. Du khách được ngắm những ngôi nhà tường cũ kỹ với những hàng gạch như vang vọng những trận giải phóng Gettysburg hồi xưa. Người Mỹ có lẽ cũng không tiếc lời ca ngợi đất nước như ta "đẹp vô cùng tổ quốc ta ơi, rừng cọ đồi chè đồng xanh..." . Chúng tôi đi vòng quanh mấy thành phố Mỹ tìm không ra những câu như"dù cho gió táp mưa sa, khách lạ tới nhà phải báo trưởng thôn" theo kiểu hiếu khách VN cách đây không lâu. Những trạm nghĩ chân-rest, những outlet hay quan ven đường để phục vụ khách hàng xe hơi cũng trang trí rất nhã và đầy cây xanh lá đỏ mà người Sing phải nể phục. So Singapore với Mỹ về mặt môi trường thiên nhiên chỉ là để động viên người Singapore mà thôi. Khu Đông Bắc Mỹ nắng hanh vàng trên đồi, trong nương, trên những máy tôle công xưởng như thể mặt trời di chuyển chậm hơn vì màu nắng đồng nhất rất lâu. Hình ảnh bình yên với thôn làng tít tắp và hiu quạnh trong nắng thu sớm, những lằn ranh bằng gỗ xẻ làm gợi nhớ bờ dậu bên mình. Nông thôn Mỹ giàu có, năng suất cao nhờ cơ giới hoá, hợp lý hoá và chế độ bảo hộ nông phẩm khép léo của Mỹ. Nghĩ thương dân cày nước mình quá đỗi... Chúng tôi lấy làm lạ hình như có 1 form nào đó cho nhà cửa bên này bởi hầu như không thấy đột biến nhỏ đi. Thì ra là các loại nhà condo, duplex hay single, thậm chí apartment đều phải xây theo quy chuẩn về diện tích và vật liệu cả. Đến New Jersey, KS Sheraton sau 2 tiếng đồng hồ lạc đường. Mr Thuấn, Tuấn Anh, Mr Tuấn đi Times Square. Anh Bão ghé lúc 11:10pm và ra về lúc 01:30 để kịp phiên đi làm sáng mai ở Connecticut. Ngày 19/9/2006 ra khỏi Sheraton lúc 12:30 hướng về New York Đi qua một trong những đường hầm hay lên phim ảnh nhất thế giới Lincohn Tunnel. Ăn trưa ở quán Việt Hương, được nghe tiếng Việt râm ran, nghe nhạc Việt, đọc báo Việt, nhìn cây mía cây chuối chắc mang từ Việt nam sang. Gặp Mitchelle ở đường Montgomery. Hôm nay do họp UN nên một số đường bị phong toả. Lòng vòng khu Chinatown và Times Square. Đến Times Square lúc 19:04. Hai bên đường Broadway là những dãy billboard phô màu sắc và trình độ công nghệ số & mỹ thuật hiện đại. Macy, cửa hàng bách hoá tổng hợp lớn nhất thế giới có biểu tượng cờ đỏ sao năm cánh. Tối hôm đó gặp hai trí thức trẻ VN là Lê Quang Nẫm và Đỗ Quang Khuyến. Lạ lùng là xe lôi và xích lô đầy dẫy New York. Phải rồi, đây là phố cổ với vô số nhà cao tầng có cầu thang sắt ngang bên hông! Chúng tôi mong bên bậu cửa sắt có 1 gót hài kiều nữ -Julia Roberts nào đó xuất hiện thử mà xem! Giữa New York cũng đầy những trường dạy Anh ngữ chiêu sinh tứ xứ. Trong thành New York có đầy đủ các loại xe, kề cả xe lôi và xích lô còn trên trời luôn vù vù máy bay cảnh sát như chuồn chuồn(bay thấp thì mưa); sau này khi đến San Francisco, chúng tôi lại chứng kiến tương tự. Những người trai hùng của nước Mỹ ngày nay là những anh lính cứu hoả, những cảnh sát cao to sẵn sàng tác chiến. những hoa tiêu canh giữ bầu trời, và những air marshall (mật vụ)mang súng gươm ngang lưng trên hàng vạn chuyến phi cơ bảo vệ cho nước Mỹ bình yên. Ngày 20/9/06 Bình minh về Manhattan như trên 1 vườn hoa lá và rộn tiếng chim ca tíu tít. New York kẹt xe sáng nay bởi UN. Nghe tin Thaksin bị đảo chính 19/09/06. Nắng đẹp. Tôi đi với Pasquale xem nhà xưởng, gặp Jesse,Goodman và Danny ở sân bay JFK. Quay lại trung tâm NY đi thăm Empire State Building (15:20), nơi được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 trên thế giới, an ninh thắt chặt. Bạn có thể dùng tiền kênh để đậu xe quanh đây nếu như nơi những trụ thu tiền có chỗ trống. Ngày 21/09/06 Rời khách sạn Amerisuit ở New Jersey. Tối hôm trước uống nhiều nên sáng ngày phải ăn trái cây. Đến bên này sông nhìn sang bên kia Manhatan và tượng nữ thần Tự Do. Bên ngoài là rừng cờ sao đang tung bay cao và đài tưởng niệm "Đồng Đội" của Mỹ, không tinh xảo bằng tượng đồng ở khu Chiến tranh Việt nam ở DC. Khu lưu dung di dân từ cựu lục địa sang Mỹ, cả bến tàu nhà ga hàng trăm năm trước được bảo tồn tại khu này. Một rừng cây ngô đồng đón chào chân khách đến công viên Tự Do, cũng sánh ngang với một trong những công viên đẹp nhất thế giới là Công viên Bryant ở gần Coliseum, New York. Kỷ niệm về New Jersey là ngay khu vực phụ cận của New york, hàng loạt đường cao tốc đan xen nhau với những exit (lối thoát) chằng chịt như mạng nhện làm cho lái xe rất dễ lạc đường.Mặc dù những người bạn đường của chúng tôi sống ở Mỹ mấy chục năm và nhiều lần đi New Jersey nhưng cả 3 đêm ở New Jersey chúng tôi bị lạc cả 3 dù đã viện đến sự giúp đỡ của nhân viên khách sạn và cả bản đồ hướng dẫn từ internet. Sáng 22/9/06 Từ New York đi đường 95 về lại Fairfax tối quá! Sáng đi bưu điện gởi thư cùng với chú Thuận cựu công chức bưu điện. Shopping ở đây: nếu bạn không mua hàng thì bạn đi bộ tập thể dục hay đi chơi vui đùa cùng gia đình con cái. Sáng 23/09/06 Chạy bộ và xem phim 19/6 ở Fairfax. Đi lên DC trở lại. Bên này sông Potomac là Virgina, bên kia là Washington DC.Đi thăm nghĩa trang Arlington, sạch sẽ và không im vắng tịch mặc như nghĩa trang Điện Biên Phủ mà chúng tôi từng đi thăm. Quanh đó là những kiến trúc đồng đỏ ghi dấu dũng sĩ Iwojima giương cao ngọn cờ Hiệp Chủng Quốc phất phới trong gió Đại Tây Dương (không phải mặt trận Suribachi). Những người sinh Mỹ tử Nhật, linh hồn còn đâu đó trên sóng Thái Bình? Thăm mộ JFK với ngọn lửa vĩnh cửu. Mộ bà JFK có thêm họ chồng sau là Onassis. Các tướng năm sao nằm chung với binh nhất Lê Bình, người Mỹ gốc Việt. Nghĩa trang này chỉ dành cho tử sĩ và công bộc cấp cao. Nghe đâu một ông bạn của Clinton chạy vào nằm được ít lâu thì phải cải táng vì không đủ chuẩn. Đài tưởng niệm chuyến không thám Challenger & Discovery không xa mộ chiến sĩ vô danh là mấy. Lính đổi phiên mỗi 30 phút rất trang nghiêm đứng chào quan tài đá mỗi phiên 3 lần. Quan tài này tượng trưng cho linh hồn của bao nhiêu thế hệ MIA Mỹ, giống mộ Napoleon ở Invalid, Paris. Người Mỹ suy tôn tự do ở mọi góc phố, con đường, đài chiến sĩ, highway, nơi làng mạc nông nghiệp, phế tích bảo tàng trong một sự kỷ luật để không phạm đến cá nhân. Về Fairfax sự lễ kỷ niệm 50 năm ngày cưới của ông bà Đại Tá Kinh -nhà hàng Fortune. Trò chuyện với Mr Tú. Con người và các nền văn hoá Ngày 24/9/2006 Tận hưởng không khí lành lạnh Virginia. Ăn sáng cơm chiên nhà anh Thuấn, đọc Tuệ Sỹ trên báo Trẻ. Trò chuyện với ĐT Kinh. Đi Leesburg shoppping. Tĩnh gọi điện.Tối đi ăn tiệc anh Lương mời ở Phúc Ký (Fuc Kee). Trên đường từ Leesburg trở về -thăm thẳm, chúng tôi ước giá mà các ông nhà thơ xứ mình đã qua nơi này, Tố Hữu chắc đã viết khác, Bùi Giáng chắc đã viết phiêu bồng hơn cả Xin chào
nhau giữa con đường Ngày 25/9/2006 Đi Las Vegas: từ Dulles bay đến Chicago rồi bay về Las Vegas, thành phố cờ bạc của thế giới. Một đợt xét quần áo giày dép mới. Một nước Mỹ bất an bên cạnh một nước Mỹ cao ngạo về kinh tế dân sinh. Nền văn hoá xếp hàng đầy những tiếng gọi next next. Theo đó là nền văn hoá xa lộ-xe-rửa xe- đậu xe- ngốn khoảng 1/6 thời gian của mỗi người Mỹ. Ngày của họ ngắn lại với mỗi người 1 xe dong ruổi. Cũng do cá nhân được tôn trọng cao nên hơn 3/4 xa lộ là dành cho xe hơi 1 người: thi thoảng mới có 1 car pool tức làn xe ưu tiên dành cho xe chở 2 người trở lên. Người ta sinh hoạt trong xe, ăn uống trong xe, nghe đài trong xe, phê phán chính phủ hay ủng hộ chiến tranh Trung Đông trong xe, xem phim và tự tình trong xe. Với cà phê starbuck -to- go và vài ba người bạn thì xe là 1 quán cà phê ấm cúng. Xe nối liền nhà với trường học, công sở. Xe nối liền nhà với quán xá, siêu thị. Xe tiêu hao năng lượng kích cầu cho nền kinh tế. Xe góp phần traiû 300 triệu người ra trên 1 diện tích 9 triệu 6 km2. Xe và xa lộ làm cho người Mỹ phải cư ngụ thoáng đãng hơn và không ngại tiến sâu hơn vào rừng hay vào sa mạc. Xe làm người ta không ngại mua sắm như bên mình. Xe thể hiện đẳng cấp xã hội. Văn hoá Mỹ và ngôn ngữ Mỹ cuốn hút mạnh mẽ giới trẻ. Mac Donald, American English giọng mũi twangling. Trẻ con người Việt di cư nói tiếng Anh líu lo, bỏ cơm Việt. Thế hệ thứ hai thứ ba rồi đây có lẽ sẽ dễ tan biến đi trong biển người Hoa Kỳ này. Và dấu tích còn lại có lẽ sẽ là màu da vàng và mái tóc đen ở khu Tây Nam. Những người già cô đơn uống cà phê một mình. Những người trung niên tìm chỗ đâu xe, trẻ con mê say iPod & computer. Hiệp Chủng Quốc cổ vũ đa văn hoá nhưng các nền văn hoá rõ là đã loãng đi trong cái mạnh mẽ của WASP, của con mắt tam điểm nơi đồng đô la. Mỹ thừa hưởng được các ưu điểm của các nền văn hoá khác nhưng chưa có đủ thời gian để cải tạo các khuyết điểm của chúng nên họ dùng luật để làm khuôn phép. Tự do, bình đẳng, bác ái, dân chủ, phản biện cao. Tinh thân thực dụng va chạm với tính nhân đạo. Học sinh được dạy dỗ tự lập nhưng có nhiều hội đoàn hoạt động thiện nguyện. Đó là những hoạt động con người vô thức hay có ý thức tạo ra để chọi lại với triết lý tự lập cao của Mỹ. Nhân quyền được tôn trọng nhưng tự do cá nhân ngày càng bị mổ xẻ vì lợi ích xã hội. Trả lời vì sao Mỹ giàu mạnh: họ có một nhóm forefather đã từ chối làm vua để cổ võ dân chủ, khuyến khích phê phán, khuyến khích lý trí. Thấy là phải phát biểu, không im lặng theo chữ khiêm của phương Đông. Ta có thể nghi ngờ cái hay còn sót lại của lối học từ chương, khiêm tốn không cãi vã, không để người khác biết tư tưởng của mình (quân tử 10 năm phản bác kẻ thù không muộn). Những tư duy đó đưa đến việc chiến thắng của cái lò nung (melting pot) thực nghiệm và diệt vong những nền văn hoá kềm hãm lý trí, nô dịch sức sáng tạo. Mỹ giải phóng nô lệ, thúc đẩy bình đẳng giới, khuyến khích góp ý tưởng & túi khôn của Mỹ theo đó phát triển. Người nhập cư hết lớp này đến lớp khác đến Mỹ bình quân 1 ngày 800 người. Ngoài ưu thế sinh học, với quy luật là thế hệ đầu những người mới đến Mỹ lao động cật lực hơn, sáng tạo hơn, không kén chọn nhiều, dân Mỹ luôn tự làm mới mình. Thế hệ nhập cư thứ hai, thứ ba(con cháu của thế hệ 1) sẽ thừa hưởng thành quả do người đi trước tích tụ do đó có thể sức ỳ nặng hơn, thế nhưng tinh thần chất vấn và lý tính của họ cao hơn (nghe mâu thuẫn(?)), tính hoà đồng cao hơn. Nước Mỹ mong muốn mình luôn luôn mới. Có lúc chúng tôi trộm nghĩ, vì lý do lịch sử mà Việt nam đã có được 1 cộng đồng Việt ở Mỹ, rồi đây họ sẽ là 1 Quebec Việt trong lòng châu Mỹ! Nhưng với tam cương ngũ thường đã xa, tam tòng tan biến, tứ đức lung lay, đạo gia tiên được văn hoá WASP- nền văn hoá chủ đạo- đánh giá là đạo thờ hồn ma, e rằng cái Quebec Việt đó phải vất vả lắm mới tồn tại nổi. Có thể mơ về 1 mái đình cong cong hay 1 cây đa xi măng giữa Virginia và 1 điệu Nam Bình trên dòng Potomac? Những người con Việt hưởng văn minh Mỹ phải hy sinh những thú tinh thần đó mà thôi. Người da đen chiếm lĩnh DC và New York không chỉ ở các vị trí cảnh sát hay banktellers mà họ còn có 1/4 trong bộ máy quan trọng nhất của Mỹ- bà Rice. Người gốc văn hoá Tây Ban Nha (Hispanic) tràn ngạp phía Tây Nam. Thi thoảng có thấy người da đỏ trong dòng khách bộ hành. Da vàng và da trắng lẫn lộn nhau. Người Do Thái là ít thấy nhất bởi họ không nhất thiết phải đội khăn và màu da y như người Aâu. Vậy mà Hoa Kỳ lại chịu ảnh hưởng lớn bởi những nhà nghiệp chủ Do Thái nhất. Tối đó đi xem Jubilee với Samson Dalilah, với Titanic...Thì ra Tống Thành ở Nam Kinh là 1 phiên bản của Jubilee. Sáng 26/09/2006 đi Stardust ăn sáng. Trưa đi xem Body Exhibition, bảo quản rất tốt và trưng bày trân trọng, không gây kinh sợ cho người xem. Ở đây ta thấy 1 nước Mỹ chi tiết không thua kém gì nước Mỹ đại thể ở Space Museum, Washington DC. Tối đi xem show "cướp biển" trước cửa Treasure Island Hotel. Đường vỉa hè Las Vegas thay đổi đồng bộ với kiến trúc bên trong, không đọan nào giống đoạn nào. Đúng nghĩa nhà nước và nhân dân cùng làm, không có chuyện 3 tháng đào vỉa hè 1 lần như ở Việt nam. Hay trụ đèn xanh đỏ bị che khuất mấy năm nay ở Nguyễn Thái Học. Một điểm lý thú của Las Vegas, có rất nhiều người lớn tuổi đến Las Vegas để đánh bạc và uống bia một mình. Đoàn ngừơi đến Las Vegas du lịch có đến 1/3 là người lớn tuổi đi đánh bài giết thời gian. Phải chăng đây chính là nỗi cô đơn tập thể của xã hội công nghiệp cao độ? Sự bình đẳng của cá nhân ở Mỹ gần như mang đến cho công dân Mỹ mọi màu da và đàn ông, phụ nữ quyền lợi và quyền hạn bằng nhau. Song cái cách dè dặt của dân da trắng với da đen và da vàng vẫn còn thấy được. Đôi lúc cái sự ngại bị đôi chối hay day dưa với luật pháp làm người ta đem vũ khí "tránh voi chẳng xấu mặt nào" ra dùng cho xong chuyện. Những ông chồng nể vợ hơn mức cần thiết ở Mỹ là chuyện thường. Đó là bình đẳng ngược mà họ gọi với cái tên là lạ positive discrimination. Chủ nghĩa cá nhân một lần nữa lại thể hiện qua hàng hàng cây trĩu quả trong vườn nhà không người hái và có thể để cho rụng và mọc mầm. Họ dư thừa và cẩnthận với hàng tiêu dùng chưa qua kiểm nghiệm đó thôi! Hàng hoá tốt nhất thế giới tề tựu về đây, thực phẩm tốt nhất thế giới nhập khẩu về đây thế nên những thứ họ bỏ đi và xay thành rác có thể còn tốt đối với phần lớn của thế giới thứ ba. Biết làm sao được bởi đó là một dạng khủng hoảng thừa! Nước Việt bên kia Thái Bình Dương Sáng 27/09/2006 Bỏ những đồi hoang đất đỏ bazan xứ Nevada dưới bụng máy bay, chúng tôi tiến về miền Viễn Tây Hoa Kỳ, không súng gươm như Lucky Luke hay tứ quái Dalton...Đi tìm thử vài quán bên đường buộc ngựa còn vương khói súng và bên kia là trại hòm đóng quan tài làm ăn khấm khá. Thế nhưng nơi đây đã không còn những chiến mã vạm vỡ của Gold Rush mang xác chết những tay cường đạo về bên kia chân trời tím mà chỉ co" hàng hàng lớp lớp những building và ánh đèn màu rực rỡ đón chào. Trước khi bay từ Las Vegas đi Los Angeles, chúng tôi lại qua 1 đợt rà soát áo quần giày dép. Mấy anh Đông, Long, Phong đều đồng ý là đối với đường ngắn thì đi máy bay mất nhiều thời gian không thua gì xe hơi do kiểm tra an ninh quá mất thời giờ. Nền văn minh vỉa hè của Mỹ chi phối cả kiến trúc bên trong. Ở các khu dân cư Virginia, vỉa hè rộng khoảng 1,3m dành cho người đi bộ, chạy bộ hoạc chạy xe đạp. Có khi vỉa hè chỉ có 1 bên đường còn bên kia là bãi cỏ xanh đều. Còn ở Las Vegas, vỉa hè chui bên trong các đại khách sạn, đi ngoằn ngoèo như phố cổ Paris (KS Bally) lát cobble dưới trời xanh đêm rằm đầy dẫy máy đánh bạc. Ở Treasure Island, vỉa hè như boong 1 con tàu giang hồ treo trên dây chão và đi xuyên qua những núi đá và thác nước. Ở những đoạn xa xa phía Tropicana, người Mỹ hoài cổ La Mã với tượng sư tử và dũng sĩ men theo vỉa hè. Còn ở Venetia, vỉa hè là 1 đoạn sông lững lờ bập bềnh gondola nước Ý. Mỹ không có đủ quá khứ để hoài cổ nên sự tìm về quá khứ được thể hiện cũng hợp chủng trên cùng 1 con đại lộ Las Vegas. Hoài cổ, nước Mỹ hoài cổ đại lục Châu Aâu và hoài cổ trong tâm thức nơi họ ước mơ đất nước có 1 hoàng gia. Vô thức hoài cổ Mỹ đã dựng gia tộc Kenedy thành hoàng gia, song ý thức dân chủ Mỹ đã không cho hoàng gia Kenedy tham chính. Sẽ không ngạc nhiên nếu một người trong nhà Bush lại làm Tổng thống, nhưng rồi thì hoang gia Bush cũng sẽ chìm khuất trong nền dân chủ Mỹ. Người Mỹ không sùng hàng hiệu, chỉ chuộng hàng tốt cho nên nhãn hiệu nào mới được lăng xê vẫn không dễ thắng những anh đã có bề thế lâu năm. Văn hoá xin lỗi của Mỹ dễ thương và tự giác như văn hoá xếp hàng vậy. Chỉ suýt va nhau đã đủ để xin lỗi, dừng lại chụp hình: xin lỗi, băng qua đường: xin lỗi hoạc cảm ơn. Tôi gẫm có thể xin lỗi vài ba lần nhưng nếu anh làm phật ý họ thì họ có thể sử dụng đạo luật sở hữu vũ khí để hành động?! Tối 27/09/06 Đến khách sạn Ramada - Mây Bốn Phương. Sáng 28 chúng tôi tham quan Phước Lộc Thọ, tượng Việt Mỹ và khu chợ Việt nam với rau cá mắm muối tương ớt xì dầu, chỉ thiếu một chuyến đò ngang với thêm mớ rác và 1 ông trâu thong thả trên con đường làng là thành chợ sớm Ninh Bình hay Sóc Trăng mà thôi. Thăm gia đình dì Ba. Sáng 29/09/2006 đi San Diego và lên chiến hạm Midway của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Lịch sử được gợi nhớ lại qua hình ảnh bỏ súng xuống biển (chiết kiếm thiên nhai) của Tướng Kỳ. Cuộc gặp Johnson - Nguyễn Văn Thiệu. Vịnh con Lợn. Vịnh Bắc Bộ, người Việt di tản, xô trực thăng xuống biển để đỡ vướng. Chúng tôi gặp một cụ già thuyết minh cho biết đã là một phi công quân lực Mỹ đã từng giáp lá cà trên bầu trời Hải Phòng. Hôm nay ông nhiệt tình như một người lính diễn giải đủ chuyện với nhóm khách Việt nam này. Sáng 30/09 Trương Kerry, A Thuấn đi từ Los Angeles lên San Francisco. Có anh chàng da đen Oko làm checkin thân thiện, hứa hẹn chuyến đi tốt đẹp. Anh Đông đón về nhà anh Đôn, sau đó đi Sacramento về nhà anh Long. Sau đó anh dẫn đi tham quan toà đô chính Sacramento, khác với Saigòn, ở đây mở cửa cho vào tự do và cho quay phim chụp ảnh. Trên xe anh Long nghe Từ Công Phụng "tôi nghe hắt hiu từ mắt em nát tan...con dế buồn tự tử giữa đêm sâu" rồi nói "nhớ Việt nam quá!" Ngắm cảnh Cali nghe nhạc Trầm Tử Thiêng hay Từ Công Phụng là cái thú của người Việt trung niên ở đây. Tại toà đô chính Sacramento, các forefather - các thống đốc bang sừng sững như còn đó, từ Ronald Reagan trở về trước, ánh mắt ngời niềm tin phục vụ dân California và họ được kính trọng trong vai trò công bộc. Những vị thống đốc đó không dán hay hô khẩu hiệu, không nhân các điển hình tự cao tự đại, họ chỉ làm việc với tinh thần công chính. Nước Mỹ may mắn! Đôi lúc có cảm giác có hai loại người ở Mỹ. Một loại sáng tạo ra các giá trị từ ích nước lợi dân đến góp phần cho văn minh thế giới, một loại chỉ chạy đua theo, hưởng và kích thích sự sáng tạo những giá trị đó là Mỹ đủ để phát triển. Quan hệ con cháu, cha mẹ, ông bà bên Mỹ không thể nào khắng khít kiểu tam tứ đại đồng đường như bên ta. Kiểu của ta ngày trước là mô hình nông nghiệp khổng nho, bên này là mô hình gia đình công nghiệp: mọi người tự lực tự cường cao độ. Cha mẹ không thể làm con cháu vướng chân trên bước đường công việc và sự nghiệp. Thế nên gia đình bên Mỹ hoàn toàn khác bên ta. Hiếm hoi lắm mới thấy cảnh ấm cúng của một nhà có cảnh đầu xanh đầu bạc và trẻ con quây quần vui vẻ bên mâm cơm như gia đình ĐT Kinh. Nhà dưỡng lão dành cho người già cũng giống như nhà trẻ cho trẻ con. Những gia đình có người già khó mà có thể cử người chăm sóc tốt cho những ông bà cụ bởi ai cũng phải bưon chải nơi chợ đời. Thêm lý do nữa: ở Mỹ lãnh trợ cấp thất nghiệp thì cũng là cực chẳng đã mà thôi. Trẻ con Việt hầu như nói tiếng Anh với nhau và với cả ba mẹ. Tôi nhận ra một điều quan trọng: có một số người Việt quen nói tiếng Anh hơn tiếng Việt không phải do khoe mẽ mà do thuận tiện hơn, thoải mái hơn. Một điều đáng chia xẻ: ở Mỹ, từ thuở trẻ con người dân đã được giáo dục tinh thần công chính và chất vấn mạnh mẽ. Thế nên trẻ Mỹ gốc Việt hiện nay khác hẳn thế hệ đi trước. Mỹ tuy vậy cũng có những nơi những nhóm không hẳn là mở rộng cho phản biện, do vậy vẫn có các bang áp dụng chính sách đà điểu đến mức cấm dạy Darwin trong trường! Ngày 1/10/2006 Rời nhà anh Long ở Sacramento đi về Oakland về nhà Ms An, đi lạc trong Berkley. Đại học Berkley, đạo quân thứ năm của Bắc Việt nam góp phần đánh thắng miền Nam hơn 30 năm trước. Những sinh viên phản chiến ấy giờ này ở đâu? Oakland bình yên với toà thị chính cao tầng uy nghi, với những vuờn hoa tươi tắn, những của hiệu lộng lẫy đang mở cửa. Thế nhưng trộm vặt và trộm cả thư tín là chuyện xảy ra rất thường khu này. "Xâm phạm thư tín có thể bị phạt 5 năm tù!" Ở đây thành phố nào cũng có đôi nét mặt trái như vậy, có nơi cảnh sát phải đi đông mới vào được các khu phức tạp. Mỹ là nơi có nhiều cơ hội để đổi đời, để học tập, để làm việc, thế nhưng có nhiều người Mỹ lại khước từ các cơ hội đó thẳng thừng, thậm chí gia nhập vào việc chống lại các giềng mối đó-Tim Mc Veigh là một ví dụ. Mỹ và Việt nam cùng xây dựng đất nước bên bờ Thái Bình Dương. Mỹ và Việt nam cùng có những đợt di dân và hợp chủng to lớn. Hai xứ cùng tốn "quan tám tiền cheo" và "the first dollars" như nhau. Chỉ có khác là Việt nam nghèo và kém phát triển. Hệ thống xa lộ của Mỹ đã đạt đến trình độ an toàn kỹ thuật và mỹ thuật cao. Xa lộ sẽ được sửa sang nhiều hơn về đêm để dân đi làm đỡ phiền hà vào ban ngày. Các bức tường cách âm phủ đầy hoa, dây leo, có lúc bằng đá hoa cương có lúc bằng bê tông nhưng cũng có lúc bằng tường gỗ vững chãi. Xa lộ hàng hàng lớp lớp chạy trên đầu và dưới chân ta. Các thanh cột sừng sững vắt vẻo những dải lụa uyển chuyển làm mạch máu lưu thông cho nước Mỹ. Những thanh kèo cột này được chăm chút nên chúng trông như những cánh tay vạm vỡ muôn hình muôn vẻ vươn lên trời cao, đậm chất nghệ thuật. Nước Mỹ có lẽ tiên liệu không lâu nữa dân họ sẽ dùng phi cơ cá nhân nên đã rất trau chuốt hình thù của các con đường nhìn từ trên xuống. Những cloverleaf bốn cánh hoa tròn trịa đã dần dần biến thành tám cánh, hoặc dẹt hoặc đối xứng đủ kiểu. Những con đường này có khi sẽ là những phi trường khẩn cấp cũng nên. Tất cả hệ thống này không làm sao mà bê tông cốt tre của Việt nam có thể chịu nổi. Ở Mỹ có nhiều con đường mang tên Broadway, cũng giống như huyện Châu Thành ở ta. Có điều ở đây không có bài ca tụng đường Broadway rộng thênh thang chín thước. Chiều hôm đó chúng tôi tình cờ ngắm được 1 đoàn thiếu nữ Việt nam ở San Jose mặc áo dài vừa tha thướt vừa nhí nhảnh như Kim Anh ở "75 năm nhạc VN". Nghe văng vẳng khúc hát "ngồi nhớ thương em phơi áo mộng chiều xưa". Bên đây áo dài may trở lại kiểu cũ chấm mắt cá nhân, eo không bóp lắm để tăng phần mềm mại khi gặp 1 tí gió biển. Người đi kẻ ở. Cảnh sống cần cù nhẫn nại, phần nào cô đơn của người Việt xứ Mỹ rất đáng khâm phục. Không từ nan bất kỳ việc gì để kiếm tiền trang trải đời sống và học tập. Có rất nhiều bác sĩ kỹ sư đã vươn lên từ nghề nhặt lon, hầu bàn hay làm nail của gia đình. Chúng tôi đã đi thăm và trú ngụ trong những căn nhà sang trọng, ấm áp và cũng đã qua đêm trong những gian nhà vắng chủ, những mobile home vất vả của bà con Việt nam. Những mảnh đời tha hương, hoài cố lý, nhớ nắng Sài gòn, có khi sẵn sàng chạy loạn (như dân Louisana chạy giặc Katrina) vẫn lầm lũi và bền chí làm lụng như bao nhiêu năm qua dân ta vẫn vậy. "Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng... dắt dìu nhau vào đến Cà mau". Y như lời Tình ca ngợi ca đất nước... Chúng tôi tin rằng với lao động cần cù thông minh của mình, những người Việt này sẽ xây dựng được tương lai tươi sáng cho mình như những người Do Thái ngày xưa đã đứng dậy từ những gibbout và ghetto khổ cực. Chính những người Việt này đã cho chúng tôi 1 bài học lớn về giành giật sự sống tự do trên đầu sóng ngọn gió và chinh phục nước Mỹ thực dụng để trở thành 1 cộng đồng giàu mạnh. Sáng sớm 2/10/2006 từ nhà San Jose khu mobile home đi uống cafe Phượng Vỹ sau đó đi từ San Jose lên Hayward, ngang qua toà soạn báo Thằng Mõ trên đường số 1, xéo góc với khách sạn Marriott. So với cafe Lú và Dĩ vãng ở Los Angeles, cafe M ở San Jose thì càfê Phượng Vỹ gần giống với càfê Việt nam hơn hết. Chính bởi đi qua nhiều nơi (ở đây người Việt gọi là đi xuyên bang) và tíêp xúc với nhiều tầng lớp, được thông tin nhiều phía... mà người Việt ở đây bớt đi kỳ thị vùng miền. Cũng chính từ đây họ có cái nhìn cân bằng hơn về đất nước con người Việt nam, không tự ti, tự mãn. Từ đây họ có cái nhìn khác về tương lai, thời cuộc- không lệ thuộc. Tôi không chắc họ sẽ gắn bó với Việt nam đến thế hệ thứ mấy song chắc một điều là họ sẽ là một nước Việt nho nhỏ trong sự mến phục và kính trọng của nước Mỹ. Nhưng chắc rồi cũng có người nhìn về quê cũ Việt nam bằng cách: hỏi quê rằng bãi xanh dâu, hỏi tên rằng mộng ban đầu đã xa hay nếu tôi chết hãy mang tôi ra biển trong một nỗi buồn man mác -- khúc ca lưu dân! Đi Cầu Cổng vàng về ăn phở Bắc 45 ở San Francisco Tenderloin. Thành phố này đã từng nhiều lần được chọn là đẹp nhất thế giới trên 1 diện tích 7miles x 7 miles. Toà thị chính SF cũng cho tham quan tự do. Họ bảo tồn lịch sử các biến cố như minh chứng cho thái độ sống trách nhiệm với quá khứ. Hình ảnh những cuộc động đất ở California và anh công nhân vắt vẻo trên cao ngất không trung xây dựng công trình nói lên tình trân trọng đó. Anh Thuấn bỗng nhắc đến việc Đà lạt bán đi cái đầu máy xe lửa hơn 100 tuổi không thương tiếc! Đường Lombard độc đáo quảng cáo miễn phí cho ngành xây dựng công trình của Mỹ và Little Saigon không chỉ có mặt ở San Jose hay Orange County mà có cả ở SF 800 ngàn dân này. Ngày 3/10/2006 anh Thuấn & Tuấn Anh ra phi trường về Dulles, tôi đi Denver để về Texas. Gặp 1 người châu Á làm ở quầy checkin của United Airline kiên quýêt cắt không cho chúng tôi gởi quá ký. Vô tình chúng tôi trao đổi "phải chi gặp thằng đen thì dễ chịu hơn". Anh chàng khó tính này sau đó lạnh lùng một câu tiếng Việt: "Trắng đen vàng đỏ gì cũng sẽ chận kiện hàng này thôi". Đây là người Mỹ gốc Việt kỷ luật nhất mà tôi gặp trong chuyến đi này. Đến Denver đúng giờ và phải vặn đồng hồ 1 tiếng tăng thêm. Đến El Paso 4:30, trên máy bay nhìn xuống El Paso như những dải địa y bám trên 1 mảnh đất trung du. Ngày 4/10/2006 ghé thăm trường UTEP. Xây dựng theo lối Butan trên 1 triền núi. Có lẽ sinh viên tứ xứ đến đây học xong, khi xuống núi đều thành các lạt ma. Trường UTEP lớn như 1 thành phố với các thư viện phong phú như màu da sinh viên vậy. Ngày 5/10/2006 về Dulles DC qua ngã Phoenix. Trên máy bay nhìn xuống Phoenix được cắt chia thành những mảnh ruộng vuông vức y như bản đồ Hoa Kỳ. Ngày 7/10 giã từ nước Mỹ & ngày 8/10 về đến Việt Nam. Chúng tôi đi để nhìn thấy một góc nhỏ những phát triển và tổ chức xã hội và kinh tế rất khoa học của nước người, của công đồng Việt nam ở Mỹ, để thấy sự khác biệt về văn hoá của các bên. Chúng tôi lại về với thực tế của Việt nam , với những người Việt vẫn ngày ngày xây dựng đất nước theo cách Việt nam- về với tình tự quê hương. Tháng 10/2006
|
Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com
Copyright © 2003-18. All rights reserved.