Chuyện Cuối Năm
Tácgiả: Hướng Dương
1. Hắn nhấn mạnh ga thêm chút nữa hầu cố rút ngắn bớt quãng đường xa để kịp về nhà trước Giao Thừa. Bất chợt hắn lại giảm bớt ga rồi mĩm cười một mình khi nghĩ lại: hắn đã sống ở Mỹ gần 10 năm rồi chứ ít ỏi gì, thế mà đầu óc vẫn cứ suy nghĩ rất ư là ...Việt Nam. Chẳng hạn như hôm nay, 30 Tết. Hắn ráo riết làm cho xong project report rồi vọt ngay ra xe để về nhà kịp bày biện đón Giao Thừa dù hắn chỉ ở một mình, độc thân, không thân nhân ruột thịt ở xứ này. Dù biết rằng bước vào căn apartment một phòng sẽ càng thêm lạnh lẽo nhưng hắn vẫn cứ muốn về nhà như ngày nào ở Việt Nam, hắn vẫn quây quần sum họp ấm cúng với gia đình hắn sau giờ học, vui nhất là những ngày Tết. Hắn thèm làm sao hơi nóng từ nồi bánh chưng, bánh tét ngùn ngụt khói. Hắn nhớ làm sao những bài tân cổ nhạc đón Giao Thừa từ chiếc radio Phillips cũ kỹ của ông nội. Hắn nhớ quá những khuôn mặt thân thương của bà nội,mẹ, các cô, dì xúm xít làm mứt, kho thịt... Hắn không sao quên chiều 30 Tết năm nào ba hắn cũng rủ các chú đi lên những vườn mai Thủ Đức lăng xăng chọn lựa từng nhánh một để chưng lấy hêncả năm. Những ngày xưa ấy vui làm sao đó. Càng nhớ, hắn càng muốn thả mình dài trên dòng sông hồi tưởng để tha hồ bơi lượn êm ái giữa những kỷ niệm của một thời ấu thơ. Hắn cứ muốn bồng bềnh trong thương yêu, thật thà, hồn nhiên, chân chất giữa những người thân. Cuộc sống ở Mỹ trong suốt 10 năm qua đã đầy ứ những tranh giành hối hả, những xảo ngữ gian dối, những bon chen đua đòi khiến hắn quá đỗi chán ngán, mệt mỏi. Mới 1 năm trước, hắn đã chia tay với một người con gái Việt Nam với nhiều chua xót bởi đó là mối tình đầu của hắn trên đất Mỹ. Hắn vốn là một sinh viên nghèo nên hắn chỉ biết cắm cúi cày và học để may ra tìm được một chỗ đứng khả dĩ tốt đẹp hơn cho tương lai hắn sau này. Với hắn, tình cảm trai gái là một món hàng xa xỉ ngoài tầm tay nên hắn rất hiếm khi ngắm nhìn một bóng hồng nào, huống hồ là tán tỉnh, đeo đuổi. Bạn bè đôi lúc đùa giỡn chọc hắn là bị bệnh nên mới chê chuyện ...thích đàn bà, con gái. Thật sự hắn cũng muốn có bạn gái nhưng ý nghĩ quen thuộc lại xuất hiện ngay trong đầu hắn: Hãy biết thân phận mình mà học cho xong, sống cho yên, đừng đèo bồng mà khổ thêm! Thế là hắn quay phắt về trạng thái cũ rồi tự nhủ: có job thơm là có tất cả! Nghĩ vậy nên hắn cứ miệt mài làm một họa viên ở Brea, đi học ở Cal Poly Pomona, về sống trong dorm suốt 5 năm trời. Cho đến khi bước vào năm học cuối, hắn được một hãng tư vấn kiến trúc ở Anaheim mướn làm tập sự, hắn chợt muốn share phòng với một gia đình Việt Nam. Thực ra hắn muốn tìm một không khí gia đình Việt Nam mà hắn đã thiếu vắng từ lâu. Không khó lắm, hắn cũng tìm được một nơi ở Fullerton. Ông chủ nhà hơi lùn thấp, khó tính, độc đoán, nhiều mặc cảm với cái job custodian nhưng nếu biết chìu theo ý ông thì mọi việc cũng xong xuôi. Bà chủ nhà cao lớn hơn, tánh rất xởi lởi, nhiều lời, lắm chuyện nhưng rất chịu khó quán xuyến việc nhà, vừa chăm sóc chồng con chu đáo, vừa may thêm ở nhà lại còn phải lo cho cậu con trai út bị bệnh parkinson. Cô con gái lớn, 28 tuổi, thừa hưởng trọn vẹn từ hình thức đến nội dung của cha lẫn mẹ, đang vừa làm thư ký tại Biện Lý Cuộc Orange County, vừa học cho xong chương trình Computer Information System tại CSU Fullerton mà cô đã bơi suốt 9 năm qua. Qua cặp kính cận thị, đôi mắt cô chủ nhỏ vẫn sắc lẻm và quyến rủ không thua gì đôi môi mỏng trên gương mặt trái soan của cô. Ngày đầu mới gặp mặt, hắn đã lạnh cẳng khi nghe cô ấy phán một câu: Bây giờ anh còn đi học thì tiền rent tui lấy giá này chứ có job rồi là phải lấy giá khác đó nghen, bạn. Nói xong, cô bật cười khanh khách. Tiếng cười sao mà...quái đản, nghe mà rởn tóc gáy! Ấy thế mà chỉ 1 tháng sau, hắn đã rơi vào vòng tay tình ái của cô gái đó. Thoạt tiên, hắn thích thái độ thân tình, niềm nở, tử tế của gia đình cô ấy. Hắn thích những bữa cơm gia đình ấm cúng, những món ăn Việt Nam quen thuộc. Đêm nào, cô gái cũng lân la qua phòng hắn trò chuyện, hay xem hắn vẽ, làm model. Cô cũng kể cho hắn nghe về những người bạn trai cũ mới, Phi, Tàu, Mỹ, Mễ, Việt Nam, Chilê... nhưng hắn cũng chẳng buồn để ý đến những nhân vật đó mà chỉ muốn tìm hiểu thêm về con người cô ấy. Nàng kể: Gia đình cô đến Mỹ năm cô vừa mới 13 tuổi, lúc đầu ở New York. Một cậu học trò gốc Chilê học chung lớp đã là người đầu tiên nói với nàng: I love you. Nàng đáp lại ngay:I love you too. Tiếp đó là những nụ hôn đầu tiên trong đời nàng. Mối tình học trò chỉ kéo dài 1 năm thì tắt lịm khi gia đình nàng dọn qua California nắng ấm và vui hơn nhiều. Ở đây, nàng đã lần lượt làm quen với nhiều chàng trai thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, mỗi người có một nét đáng yêu và nhiều cái đáng ghét riêng nên ...easy comes, easy goes, thế thôi. Người con trai Việt Nam đầu tiên mà nàng nói" I love you" là một cậu học trò cùng tên, cùng làm ca đêm ở Pennysaver với nàng. Lý do khiến nàng đến với cậu ấy là vì làm ca đêm nên nàng cần có người đưa đón về nhà an toàn; trong khi cậu ấy cũng thích nàng và mặt mũi cậu ấy coi cũng được. Tuy vậy, khi nàng quit job để vào học ở Fullerton College và kiếm được việc làm part -time ở library của trường thì nàng cũng muốn anh tài xế... bất đắc dĩ nên biết điều mà cút đi cho rảnh. Vào college, nàng có nhu cầu mới: đề tủ và tutor. Không khó lắm, nàng chiếu tướng ngay chàng tutor Việt gốc Hoa khá nhuần nhuyễn về computer lẫn math. Khổ một điều: cậu này còn quá ngáo ộp về tình yêu! Vì thế cho nên mỗi khi chàng tìm được đề tủ và giải luôn sẳn cho nàng thì ngược lại, nàng sẽ phụ đạo thêm những bài học vỡ lòng về tình yêu cho chàng. Kết cuộc của mối tình này cũng đơn giản: nàng chưa muốn bị ràng buộc mà chàng cứ nhì nhằng xin cưới nên nàng chỉ nhận nhẫn, dây chuyền, áo quần...chứ không nhận lời kết hôn với cậu học trò mới nhập môn như chàng. Một chàng kỹ sư Civil người Philippines hào hoa đến kịp lúc để đưa nàng đi xa hơn vào những bềnh bồng lãng mạn của tình yêu. Sau chuyến du ngoạn Catalina, nàng thật sự đắm đuối, đê mê trong những đêm hẹn hò với chàng trai người Phi này. Thế nhưng ba mẹ nàng lẫn gia đình chàng Phi lại cản trở quyết liệt vì ba mẹ nàng vẫn không muốn có một chàng rễ mà ông bàø khó khăn, ngọng nghịu lắm mới trò chuyện được với nó; trong khi gia đình chàng Phi là giáo hữu Kitô nên cũng không thể chấp nhận cho nàng bỏ nhà xách gói đến tá túc dài hạn được. Đó là lần đầu tiên nàng biết đến 2 chữ: thất tình. Nỗi buồn nào rồi cũng nguôi ngoai. Nàng thử lao vào trò chơi mới: Tìm bạn bốn phương, qua báo chí. Nàng thích thú với những mối tình vụn qua những bức thư hết sức mùi hay những cuộc điện đàm "tràng giang đại hải" mà chẳng cần biết mặt mũi, con người ra sao, miễn vui là được. Trò chơi này chấm dứt khi nàng chạm mặt với thực tế. Vả lại, nàng cũng dễ nhàm chán với bất kỳ trò đùa nào kéo dài quá lâu mà không có gì mới mẻ, thích thú, hấp dẫn nữa. Nàng có job mới ở tòa án nên nàng có nhu cầu mới và cao hơn: một mẫu người trí thức, lịch sự, có địa vị trong xã hội. Cùng lúc, nàng chấm được hai con nhạn Việt Nam: một chàng luật sư trẻ sắp ra trường, có nhiều thành tích sáng chói trong cộng đồng Việt Nam và bạn thân của chàng, một tiến sĩ có nhiều triển vọng làm giáo sư đại học tuy còn rất trẻ. Cả hai đến với nàng trong dịp picnic của một hội khoa học kỹ thuật tại Mile Square Park. Khổ nỗi gia đình 2 chàng lại chê nàng sau khi đã ngắm nghía kỹ càng từ đầu đến chân nàng ngay khi nàng vừa bước qua ngưỡng cửa nhà họ. Từ đó, nàng đâm ra ghét cay ghét đắng 4 chữ "môn đăng hộ đối". Một chàng trai cảnh sát gốc Việt lại gặp nàng ngay trong đêm đại hội Hoa Hậu A¨o Dài Long Beach và chàng đã mạnh dạn đến gỏ cửa trái tim còn rướm máu của nàng. Ba mẹ nàng thật sự vui mừng, hí hửng phen này con gái mình sẽ yên bề gia thất. Sau một vài lần đi xem movie và cắm trại, nàng phát hiện ra chàng đã có vợ con và chưa muốn ly dị. Cuộc tình phải kết thúc chóng vánh và cũng ...lãng xẹt như những mối tình trước! Nàng cũng quen với câu I love you,y như với những kết cuộc lãng xẹt nên chỉ một thời gian ngắn sau, nàng đã quen với một chàng trai khác vốn là kỹ sư có một tiệm chuyên bán và lắp ráp computer trên đường Euclid. Tuy anh này không bảnh trai nhưng tháo vát, biết tìm mua components ở chợ trời hay đồ ăn cắp để ráp cho nàng một cái máy computer với giá rất phải chăng là đủ làm cho nàng vui rồi. Xá gì một nụ cười tình, một cái liếc mắt đẩy đưa, một cái cầm tay nồng ấm, hay một nụ hôn ...bù lỗ cơ chứ! Bánh ít đi, bánh quy lại, mãi cho đến khi ba mẹ nàng quyết định cho share phòng. Hai cha con một ông inspector gốc Việt làm cho Health Department đến xin share phòng. Ông ấy chỉ vừa 40 tuổi, mới ly dị vợ 1 năm, bảo bọc một cậu con trai đang học high school. Ông ấy khéo lấy lòng ba mẹ nàng nên chuyện quá khứ không hề cản trở việc quan hệ tình cảm ngày một khắng khít giữa ông bố trẻ và nàng. Khổ nỗi là mới có 3 tháng sau khi dọn vào share phòng thì ba mẹ nàng mới phát hiện thêm một chuyện động trời: cậu con trai mới lớn đã trốn học về nhà tìm vào phòng cô chủ nhỏ để ...xin chút tình yêu! Ba mẹ nàng nổi giận mời cả 2 cha con ra khỏi nhà. Cậu bé mất dạy đến độ quay lại nói thẳng vào mặt ba mẹ nàng: Ở Mỹ, tình yêu không phân biệt tuổi tác, huống hồ nàng không hề từ chối cậu ấy suốt tháng trời nay thì việc gì ông bà lại can thiệp thô bạo như vậy. Nàng bị ba mẹ nàng mắng thêm một trận rồi thì ...hắn đến xin share phòng. Hắn nghe nàng kể chuyện Ngàn lẻ một đêm ở Mỹ của nàng như vậy mà hắn vẫn tưởng là chuyện ...hoang đường. Một tháng sau, hắn rốt cuộc cũng chỉ là một thằng con trai y như những thằng con trai đã đến với nàng trước đây. Hắn thích thú khi nàng nắm tay hắn dạo phố, tập cho hắn biết thế nào là những nụ hôn làm cho cô ấy đắm đuối say mê, lần đầu tiên trong đời được ngắm tường tận thân hình hấp dẫn của một người phụ nữ trẻ nhưng cũng may, hắn vẫn còn giữ vững nguyên tắc bảo thủ: không ân ái khi chưa phải là vợ chồng; cho nên hắn đã biết dừng lại vào những lúc mà cô ta trở nên quyến rũ nhất. Tuy vậy, cô ta lại thích thú, tỏ ra nồng nàn hơn khi chăm sóc cho hắn như một người vợ - không giống như người tình chỉ biết vòi vĩnh, mè nheo. Nàng đi lựa cho hắn từng cái áo cái quần brand name mà giá sale để mặc sao tươm tất cho ra vẻ người có học thức, địa vị. Nàng chịu khó tập cho hắn dọn dẹp ngăn nắp phòng của hắn, tranh thủ chỉ dẫn thêm về đời sống ở Mỹ, kể cả về hôn nhân & gia đình. Ba nàng đề cập đến chuyện tương lai phải làm ăn buôn bán sao cho khá giả hơn là tham gia vào sinh hoạt cộng đồng vừa không có tiền lại mất thì giờ, mất công sức mà còn dễ sinh chuyện lôi thôi. Mẹ nàng đề nghị nấu cơm tháng luôn để hắn ăn uống chung cho vui, vừa tiết kiệm lại còn bổ dưỡng hơn là ăn cơm chỉ. Bà còn bảo hắn phải đi khám tổng quát và thử máu trước khi mời cô chú của hắn đến nhà ông bà chơi cho biết mặt nhau. Tóm lại, hắn đã là chú chuột đang sa vào hũ, cứ hí hửng ra trường có job là sẽ cưới vợ nên bạn bè cũng mừng cho hắn. Hắn viết thư cho mẹ hắn rồi nhờ một thằng bạn cùng lớp mang về Việt Nam giùm với lời dặn nói rõ cho mẹ hắn biết sự tình. Một tháng trước khi ra trường, hắn nhận được thư của mẹ từ Việt Nam. Đọc thư xong, hắn dụi mắt như vừa mới tỉnh giấc. Nhìn kỹ lại mình, hắn quả thật chẳng có điểm nào để được gia đình nàngchiếu cố kỹ đến như vậy. Hắn vốn quá đỗi lù khù đến độ có lần nàng nói: Anh gần 40 tuổi rồi mà cũng chưa biết hôn là gì nữa sao chứ? Hắn lại là vô sản gần như 100%, mặt mũi cũng chẳng sáng sủa đẹp trai gì, học hành chưa xong, nghề nghiệp chỉ tạm bợ. Thế cho nên, hắn đọc lại kỹ lời của mẹ hắn: Chuyện cưới vợ phải tìm hiểu cho kỹ, nhất là phải chờ học cho xong và có công việc hẳn hoi trước đã. Hắn tình thiệt đem bức thư ấy ra cho nàng xem. Không dè nàng nổi nóng, quát thẳng vào mặt hắn: Anh bao nhiêu tuổi rồi mà không thể tự quyết định mà phải nghe theo lời một bà già ở tận xó xỉnh Việt Nam nào đó? Bình thường, hắn rất trầm tính nhưng lúc ấy, hắn không dằn được nữa mà nhìn thẳng vào mắt nàng, hắn nói: Em không được hỗn, nghe chưa. Với anh, ba mẹ mà mất đi thì không tìm lại được chứ người tình, hay người vợ như em có mất đi cũng không khó tìm lại được người khác tốt hơn. Hắn vừa dứt lời, nàng quay lưng bỏ ra ngay, đóng sầm cửa thật mạnh. Tối hôm ấy, mẹ nàng vào phòng hắn với thái độ bất nhẫn nhưng rõ ràng muốn hàn gắn đôi bên. Hắn biết mình quá thẳng thắn nhưng cứ cho mình là đúng nên suốt một tuần sau, hắn vẫn tránh mặt gia đình nàng. Tan sở, hắn lái xe thẳng lên trường làm bài và chuẩn bị tốt nghiệp đến nửa khuya mới về nhà. Mẹ nàng cũng chẳng thèm để dành phần cơm cho hắn, chẳng ai thèm hỏi han hắn như trước kia. Ba nàng cũng không còn dành ưu tiên chỗ đậu xe trên driveway cho hắn nữa. Đôi lúc hắn có ý làm hòa nhưng nhìn gương mặt hầm hầm của gia đình nàng, hắn biết là hắn nên dọn đi, không thể hàn gắn gì nữa. Hắn vừa tỏ ý ra đi, thì nàng đã nói: - Ở đây (Mỹ), ai cũng có quyền độc lập, tự do. Thích thì ở, không thích thì cứ đi. Vợ chồng cũng vậy, không hợp là ly dị, cho dù có mấy đứa con đi nữa cũng vậy. Đừng tưởng ăn ở với nhau rồi ràng buộc được với nhau suốt đời. Lầm. Loại người như anh thì về Việt Nam mà lấy vợ đi. Ly dị là 2 chữ mà nàng vẫn thường nhắc đi nhắc lại mãi như là một quan niệm mới mẻ, đúng đắn mà nàng luôn cổ võ và muốn nhồi nhét vào đầu mọi người. Mặt khác, dường như đó là lời hăm dọa cho bất kỳ người con trai nào muốn đến với nàng. Hắn lầm lũi vác đồ ra xe mà nàng cứ nói mãi về 2 chữ ly dị và những quan niệm mới mẻ về đời sống vợ chồng mà nàng học hỏi được từ những sách báo Mỹ, hay bạn bè Mỹ - bất kể đó là phù hợp với người A¨ Đông hay không - khiến hắn muốn điên lên được. Một tuần sau khi dọn đi, hắn lại trở về nhà nàng để lấy thư tín (mail) của hắn. Vừa đến ngã tư Chapman và State College, hắn bắt gặp nàng đang lái xe ra freeway 57 chứ không đến trường CSU Fullerton như mọi khi. Hắn vội lái xe theo thì mới vỡ lẽ: nàng lái xe đi Santa Ana, vừa vào parking lot của Civic Center thì đã nghe tiếng còi từ chiếc xe Buick gần đó gọi. Một gã Mễ bước lại mở cửa xe cho nàng bước ra rồi vòng tay ôm choàng nàng mà hôn đắm đuối. Hắn chưng hửng khi thấy nàng cầm lấy một bao hồng dòn(persimmon) từ tay gã Mễ. Thì ra bố nuôi Mễ của nàng là gã Mễ trung niên này đây. Nàng vẫn thường mang salsa, nacho, hồng dòn về nhà khoe là của một ông Mễ thương nàng như con gái, cứ muốn làm bố nuôi của nàng. Ai ngờ, bố nuôi lại có thể đưa bàn tay vuốt ve từ bờ vai xuống đến bờ mông của nàng trong khi môi nàng vẫn gắn chặt môi gã. Hắn quay xe đi và hiểu ra kết cuộc như thế cũng đã là may mắn cho hắn. Ngày hắn tốt nghiệp, bạn bè không thấy ai đến chung vui với hắn nên thắc mắc. Hắn cười xòa mà đáp: Vãn tuồng rồi, tụi bây ơi. Hắn hy vọng là con gái Việt Nam ở Mỹ sẽ không có nhiều cô quậy như người con gái ấy. Ở Mỹ, hắn thấy dường như người ta đến với nhau dễ dàng như thế nào thì cũng dễ dàng xa nhau như thế đó, nghĩ mà chán thật. 2. Hắn lái xe lên driveway rồi mới thấy có 2 người, một nam một nữ, đang đứng chờ trước cửa nhà hắn. Người con gái mĩm cười chào hắn. Nụ cười khiến hắn chợt nhớ cô ấy trông rất quen nhưng nhìn kỹ gương mặt người con gái và lục lọi ký ức hắn mà hắn vẫn không sao nhớ ra tên cô ấy khi họ bước đến bắt tay chào hắn. Hắn giật mình khi thấy vết sẹo ngay cổ tay nàng: -- Phải Hoàng Phượng đó không? Nàng gật đầu mĩm cười. Hóa ra đó là người con gái cùng đi chuyến tàu vượt biển năm 1996 với hắn. Chính nhờ nói với bọn hải tặc Thái rằng nàng là vợ hắn, đang có thai nên nàng mới thoát được cảnh cưỡng hiếp dã man. Sau 23 ngày lênh đênh trên biển, vừa bị bão, bị đói khát, hải tặc, họ đến được Pulau - Bidong. Nàng đối xử với hắn như một người vợ hiền với tất cả âu yếm nhưng hắn lại chỉ muốn sớm rời hòn đảo địa ngục trần gian này để đi định cư nên chẳng màng gì đến tình cảm của nàng. Trong một sáng lên núi đốn củi, nàng trợt chân té xuống ghềnh. May mà hắn chồm theo kịp nắm lấy tay nàng nên nàng mới thoát hiểm. Một vết sướt dài và sâu trên cánh tay trái của nàng đã thành một vết sẹo để đời cho nàng. Hôm ấy nàng khóc rất nhiều. Máu và nước mắt ướt đẫm áo hắn nhưng hắn chỉ biết lo và chăm sóc cho nàng như một cô em gái. Hai hôm sau, hắn có tên trên list rời đảo. Hôm hắn ra cầu jetty lên tàu rời Pulau-Bidong, cô ấy chỉ kịp trao cho hắn một cái túi vải mà cô ấy may bằng những tấm vải vụn. Hắn sung sướng với may mắn được đi định cư sớm hơn mọi người nên không nhận ra những giọt nước mắt đau khổ của nàng. Khi hắn đến Mỹ, hắn lu bu với đủ thứ việc phải lo: thuê nhà để ở, học ESL và tìm job để mà sống và sớm hội nhập vào cuộc sống mới nên hắn quên dần Hoàng Phượng và cả những người đi cùng tàu với hắn. Hôm nay, chiều 30 Tết, hắn không ngờ có thể gặp lại nàng ngay trước nhà hắn. Nàng bây giờ trông đẹp và chững chạc hẳn ra chứ không còn là một nữ sinh trung học ở Châu Đốc như dạo nào. Mời cả 2 người vào nhà, hắn mới biết Hoàng Phượng mới đến thăm anh ruột ở Los Angeles vào tuần trước. Tình cờ, một trong những người em vợ của anh ấy lại là bạn học của hắn nên Phượng mới tìm ra hắn. Nghe Phượng kể mà hắn vừa mừng, vừa xấu hổ. Hắn hồi hộp hỏi nhỏ: Phượng có gia đình chưa? Anh của Phượng cười ồ lên rồi hỏi hắn: Tôi nghe nói cậu còn độc thân nên mới đưa em gái tôi đến thăm cậu rồi mời cậu đến nhà tôi đón Giao Thừa luôn, được chứ? Hắn nhìn Phượng đang thẹn thùng rồi hắn quay qua nhìn anh của Phượng với nụ cười thật tươi thay cho lời ưng thuận. Không ngờ chiều cuối năm lại có thể có được một niềm vui bất ngờ đến như vậy. Anh của Phượng hối thúc: Mình đi được rồi chứ? Hắn gật đầu, cùng đứng lên và đi ra cửa. Khóa cửa xong, hắn quay lại nhìn thấy Phượng còn đứng sau lưng nên hắn hỏi: -- Sao Phượng không ra xe trước đi? Nàng mĩm cười trả lời: -- Chờ anh đó. Hắn nghe mà thấy lòng ấm lại, hạnh phúc cũng làm cho đôi má Phượng ửng hồng lên. Hắn bạo dạn cầm lấy tay Phượng, xiết nhẹ một cái trước khi cùng nàng bước ra xe. Hắn nói vừa đủ cho nàng nghe được: -- Cám ơn Phượng đã chờ anh bấy lâu nay. Phượng ngước mặt nhìn hắn, đôi mắt sáng long lanh như những vì sao mọc sớm đêm nay. Đó là đêm Giao Thừa thứ 10 ở Mỹ của hắn, hạnh phúc cuối cùng đã đến với hắn. Đơn giản, bất ngờ - điều mà người ta vẫn tin là duyên số. Hắn tin là có số mệnh từ khi vượt biển. Đêm nay, hắn càng tin hơn vào số mệnh vì dễ có ai có được niềm vui và hạnh phúc như hắn vào đêm cuối năm nay như hắn. Tuy muộn một chút nhưng hắn tin hạnh phúc này sẽ bền vững hơn với người con gái thật lòng thương yêu hắn như Phượng. Phố Bolsa hôm nay cũng có những nhánh mai vàng, cũng có pháo, lân, bánh mứt, hoa quả và những tiếng nhạc lời ca rộn ràng đón Tết y như quê nhà, đem lại niềm vui cho những người Việt lưu vong trên đất Mỹ./. HƯỚNG DƯƠNG
|
Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com
Copyright © 2003-18. All rights reserved.