Back to VNY2K Homepage TRANGNHÀ VNY2K

Sángtác

Mụclục


Một Chuyến Về Quê

Tácgiả: Trần Ánh-Thu

Thế rồi cuối cùng tôi cũng đã sắp xếp được thời gian để đi tham quan vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long tuyến Mỹ Tho -- Tiền Giang -- Vĩnh Long như dự tính từ lâu và cũng vì một lý do đặc biệt khác.

Tôi chọn Sinh Office trên đường Đề Thám đăng ký tour ngắn một ngày. Sở dĩ tôi chọn nơi này vì giá vé rẻ, là nơi có khách nước ngoài đăng ký đi du lịch đông nên được nhiều người biết tiếng về khâu tổ chức khá tốt.

Sẵn dịp Cô tôi và hai con nhỏ ở Mỹ về thăm gia đình nên tôi mời họ đi cùng cho vui. Chúng tôi gồm bốn người: Cô Mỹ-Hạnh, Jeffrey, Kathryn và tôi. Chúng tôi rời văn phòng Sinh khoảng 8:00 sáng trên chiếc xe buýt 60 chỗ. Vì là ngày cuối tuần nên số lượng khách đăng ký đi khá đông nên tôi không thể kiếm đủ chỗ cho bốn nguời ngồi gần nhau. Cuối cùng, tôi chọn được hai ghế ở hàng sau cùng cho tôi và Kathryn, riêng Cô và Jeffrey thì ngồi hai ghế trước gần bác tài.

Xe chạy ra hướng Cống Quỳnh, rồi Hùng Vương và ra Quận 6 hướng về Bình Chánh. Ngồi kế Kathryn là một bà người Đức khoảng độ 50 tuổi. Tôi lịch sự bắt chuyện với bà và được biết bà qua Việt Nam được ba tuần và đã đi tham quan nhiều nơi ở miền Trung và miền Bắc, tuần cuối còn lại đi vào tham quan một vài nơi ở miền Nam, đặc biệt là các vùng thuộc Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bà nói thích Việt Nam lắm và sẽ trở lại đây một lần nữa. Tuy nhiên, bà cũng than phiền tình trạng ô nhiễm tiếng ồn và lưu lượng giao thông dày đặc đáng báo động của thành phố. Chúng tôi không thế tiếp tục trò chuyện thêm vì anh hướng dẫn viên du lịch bắt đầu giới thiệu chương trình du lịch.

Anh giới thiệu mình tên Thiện. Tôi phải công nhận là Thiện nói tiếng Anh rất lưu loát, phát âm chuẩn và đúng ngữ pháp. Thiện giới thiệu chương trình tour cho hành khách và cũng nói đôi chút về sự khác biệt về văn hóa giữa phương Tây và Việt Nam và sự phát triển đô thị của thành phố trong những năm gần đây. Điều lý thú là Thiện rất dí dỏm.

Xe đã chạy ra đến địa phận Bình Chánh, Thiện đang trả lời một số câu hỏi của một ông khách nước ngoài. Tôi không quan tâm đến câu chuyện của họ và dõi mắt ra ô cửa sổ. Khu vực này chủ yếu tập trung nhà, xưởng làm sắt, thép hoặc tole xây dựng. Cũng có một số công ty nước ngoài thường trú tại đây như công ty Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc...

Xe tiếp tục lăn bánh trên quốc lộ 1A, nhà cửa thưa và ít hơn so với đoạn đường trên. Nhiều khoảng đất rộng còn bỏ hoang. Tuy nhiên, cũng có không ít nhà mới được xây sau này. Lối thiết kế theo kiến trúc Phương Đông và kết hợp với lối kiến trúc xưa. Ví dụ như nhà xây có lầu, cửa kính, không có sân vườn và đặt biệt là có một gian nhỏ cập dọc theo thân trái khoảng hai phần ba của chiều dài căn nhà. Tôi nhận thấy lối thiết kế và xây nhà như vậy không chỉ riêng ở huyện Bình Chánh, mà còn cả ở Long An, và Tiền Giang. Tôi không rõ đây có phải là thói quen của người dân địa phương có từ xưa chăng? Trong một chuyến đi thăm các cháu nhỏ bất hạnh ở Bình Dương - Bình Phước, tôi để ý thấy nhà cũ đã có lối kiến trúc này và nhiều nhà mới cũng dựa trên kiểu xây cất đó. Theo tôi, người Việt vẫn quan niệm nhà tốt là phải "nở hậu", do vậy có thể phần nhà xây cập theo bên hông gian chính cũng vì lý do này. Lý do khác có thể giải thích là dân quê hay tổ chức tiệc tại gia như đám giỗ, đám hỏi, cưới xin do vậy cũng nên cần có khoảng không gian rộng cho việc bếp núc. Đây chỉ là suy nghĩ đơn giản của riêng tôi.

Đến lúc này thì Thiện đã nói chuyện xong với ông người Anh và bắt đầu phát áo thun có in logo của Sinh Office cho những khách đi tour 2-3 ngày. Kathryn thích có một cái áo lắm nhưng tiếc là người ta không có cỡ nhỏ cho trẻ em. Tôi thấy nó hơi mệt nên bảo nó dựa vào lòng tôi và ngủ một tí. Nó rất thích tôi vuốt ve cánh tay hay tóc nó nhè nhẹ và chỉ sau 5 phút nó đã thiếp đi. Một số hành khách khác đọc báo hay trò chuyện khe khẽ với bạn đồng hành, người thì ngó qua ô cửa sổ một cách lơ đễnh. Tôi nhướng mắt nhìn lên xem thử Cô tôi thức hay ngủ, hình như Cô cũng ngủ, chỉ riêng Jeffrey tôi thấy nó tựa tay vào cửa sổ và hướng mắt ra đường.

Khoảng 9:00 sáng thì xe chạy đến địa phận Long An. Từ đây tôi đã thấy có ruộng lúa dọc hai bên quốc lộ nhưng cũng rất thưa thớt. Phải chăng Long An là một trong những nơi nổi tiếng về rượu nếp "Gò Đen"? Rượu được chứa trong những bình nhựa từ 1 lít trở lên, rượu có hai loại là trắng và đỏ. Hầu như nhà nào cũng có một kệ bày bán ngay lề đường. Theo tôi, uống rượu không phải là một thói xấu nếu biết kiểm soát mình và biết dừng đúng lúc. Tôi nghe kể nhiều về tài uống rượu của đàn ông ở quê. Họ uống rất khỏe, uống rượu như uống nước và dùng chén chứ không dùng ly nhỏ như đàn ông ở thành phố. Ngày càng có nhiều vụ ẩu đả nhau ngay bàn nhậu được đăng trên báo, còn đâu tình làng nghĩa xóm, chắc lúc ấy chẳng ai còn nhớ đến câu bà con xa không bằng láng giềng gần mà đã được truyền miệng từ đời này sang đời khác và trở thành nếp sống đặc trưng của vùng nông thôn nói riêng.

Buổi sáng thời tiết nóng và nắng gay gắt, người đi đường đều phải đội nón, bịt mặt bằng khăn để hạn chế ánh nắng gay gắt, và bụi bặm. Kiểu kiến trúc nhà ở đây không khác lắm với kiểu nhà ở Bình Chánh, vẫn nhà cao tầng, mái giả ngói đỏ hình tam giác, thích tông màu vôi đậm như xanh dương, đỏ tía và cả xanh ngọc. Đặc biệt, ở đây phổ biến loại nhà xây hai gian giống và đúc liền kế nhau.

Trên đoạn đường này, tôi cũng chú ý đến một ngôi đền của đạo Cao Đài. Ngôi đền khá cũ kỹ với lối kiến trúc đặc trưng của người theo đạo Hồi mà bạn không thể lầm lẫn vào bất kỳ loại kiến trúc đền, thờ, chùa chiềng của các gốc đạo khác. Tôi nghĩ Việt Nam là một trong những nước hiếm hoi mà người dân có tự do tín ngưỡng, là nơi hội tụ của nhiều gốc đạo khác nhau như đạo Phật, đạo Cao Đài, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa, đạo Tin lành và trước đây còn có cả đạo Dừa... nhưng mọi người sống thuận hòa và không có phân biệt về tôn giáo.

Trên tuyến Long An, tôi không thấy có nhiều trường học lắm, ngoại trừ trường Tiểu học Thạnh Đức mà tôi gặp dọc đường. Nhớ khi tôi còn nhỏ, tôi được học, xem tranh và cả vẽ tranh về "ngôi trường làng". Ngôi trường Thạnh Đức có nhiều dáng vẻ như vậy và đã gợi lại cho tôi hình ảnh đó. Chỉ khác một điều là "trường làng" trong sách vở đẹp quá, có cây cho bóng mát trồng ở sân trường, mặt sân sạch sẽ, mái ngói đỏ tươi. Nhưng hình ảnh ngôi trường mà tôi thấy trước mắt đây là một ngôi trường quá cũ kỹ, không đươc sơn phết, tu sửa.

Có lẽ thời điểm xe chạy qua là giờ giải lao nên học sinh chơi trong sân trường khá đông. Sân trường không được tráng xi măng và chỉ được lấp cát vàng, Tôi nghĩ bên ngoài như thế nào thì ắt hẳn cơ sở vật chất bên trong lớp học cũng không có gì khá hơn. Nghĩ lại, tôi nhận thấy sự khác biệt quá lớn giữa thành thị và nông thôn. Mặc dù Long An không xa thành phố lắm nhưng sao nó lại quê và cũ kỹ đến như vậy. Ở Sài Gòn, phụ huynh có thể chọn trường công, tư thục, song ngữ hoặc ngay cả trường Quốc tế cho con mình, miễn sao gói ghém cho vừa với điều kiện kinh tế của gia đình. Bây giờ người ta bắt đầu lắp đặt máy điều hòa trong lớp, cơ sở vật chất đầy đủ, tiện nghi, các em còn được thầy cô chăm sóc đến miếng ăn, giất ngủ chu đáo. Nhìn qua Kathryn, nó vẫn ngủ say, nét mặt ngây thơ thật dễ thương. Chắc sống ở xứ Mỹ, nó càng được sung sướng hơn nhiều. Nghĩ lại hình ảnh ngôi trường tiểu học Thạnh Đức, tôi chợt thấy chạnh lòng.

Xe chạy dần đến địa phận Mỹ Tho, nhưng tài xế không rẽ vào hướng thành phố nơi có cổng chào "Thành phố Mỹ Tho" mà rẽ phải, cập theo đường Trân Cửu Nghĩa. Nhìn lên phía trước chỗ Jeffrey, hình như thằng bé đã ngủ vì tôi không còn thấy cái nón trắng nó đội động đậy như trước. Thằng bé mới chín tuổi nhưng rất thông minh và ngoan. Nó và em gái mang hai dòng máu Mỹ-Việt. Tuy vậy, gia đình Cô tôi rất nề nếp và cố gắng dùng tiếng Việt với chúng từ khi còn nhỏ nên cả hai đứa đều có thể nói và hiểu được tiếng Việt, riêng thằng con trai thì nói rõ ràng và nhiều hơn so với em gái của nó. Jeffrey đi với Mẹ về Việt Nam lần này không chỉ đi chơi, tham quan và nó còn mang một "sứ mệnh" khác. Tôi phải bật cười khi một lần đang dùng cơm thì nó quay sang hỏi tôi rằng:

-- Can I introduce my P.E. teacher to you?

Sau đó, mẹ nó giải thích rằng thầy dạy Thể Dục trong trường muốn tìm một cô bạn gái người Châu Á vì ông để ý thấy đa số người vợ Châu Á dịu dàng, biết lo lắng, vun vén cho gia đình. Và một lần khi ông đến nhà học trò mình dùng cơm, ông thấy gia đình Cô tôi hạnh phúc quá nên quyết tâm tìm một người vợ Châu Á. Ông không những nhờ Jeffrey và cả Cô tôi đem theo tấm ảnh của ông với địa chỉ email được ghi cẩn thận ở mặt sau và dặn là đưa cho người con gái nào mà Jeffrey thấy "được". Thằng bé thật lém lỉnh.

Đường tốt nên xe chạy khá nhanh, tôi chỉ kịp nhìn thấy một trạm Y tế ấp nhỏ xíu, trong xác xơ và nghèo nàn. Tuy nhiên, bệnh viện Lao Phổi Mỹ Tho là tương đối khang trang, rộng rãi, sạch sẽ với một lầu và có khoảng sân rộng phía trước. Ở đây không có nhiều nhà mới xây như ở Long An. Vẫn còn nhiều các căn nhà lợp lá nằm lọt thỏm giữa đám cây cối um tùm, đầy bụi đất. Kathryn đã tỉnh dậy, nó ngơ ngác nhìn xung quanh, mỉm cười với tôi nhưng rồi tiếp tục ngả vào vai tôi thiếp đi. Con bé thật thân thiện và đáng yêu làm sao.

Chúng tôi vào đến huyện Long An -- Châu Thành, Tiền Giang vào khoảng 10:15 phút sáng, xe tiếp tục chạy qua cầu Kinh Xáng, rồi đến cầu Sao để vào huyện Châu Thành. Vì là vùng này đặc trưng có nhiều sông nước nên từ đoạn đường này trở đi có nhiều cây cầu bê tông nhỏ. Tôi để ý thấy đất rộng còn nhiều, nhà gỗ và nhà lá cất từ xưa và được che chở kín đáo dưới những bụi cây to, khu vực này người ta trồng nhiều dừa.

Tôi chú ý đến một công viên có tên "Đông Sơn" nằm bên phía tay phải của đường. Từ xa, tôi thấy có một cái đu quay rất lớn. Trò chơi này mặc dù đã có rất lâu rồi ở Sài Gòn nhưng tôi cũng thấy ngạc nhiên khi thấy có một cái cũng tầm cở như vậy dưới vùng này. Tuy vậy, tôi cảm thấy vui vui vì thật ra từ sáng đến giờ tôi đã thấy gì đặc biệt đâu trên suốt chuyến đi. Xe chạy đến gần công viên hơn thì niềm vui chưa trọn vẹn của tôi cũng vụt tắt. Thật sự ngoài cái đu quay kiên cố kia ra, tôi không thấy có gì đặt biệt khác. Khu đất rộng nhưng không có cây cho bóng mát, không có ghế đá, cũng như bồn hoa hay phương tiện vui chơi nào khác. Chỉ là một khoảng đất trống, rộng hứng chịu cái nắng chói chang, gay gắt từng ngày. Hỡi ơi! Đây là công viên và khu vui chơi chăng?

Đi càng xa, tôi càng nhận thấy những cái thiếu thốn cơ bản nhất, những cái lạc hậu của vùng xa thành phố. Ta có thể phần nào lý giải được tại sao phần lớn thanh niên ở quê hay tụ tập nhậu nhẹt, con gái lại thích bỏ quê ra thành phố kiếm sống hoặc cố tìm một người chồng ngoại để đổi đời. Thật buồn và xót xa.

Xe chạy qua cầu Mỹ Quý để vào thị xã Cai Lậy. Ở đây người ta họp chợ ngay mé dưới chân cầu. Từ trên cầu nhìn xuống, bạn sẽ chẳng thấy được gì vì người ta căng bạc, dùng nylon để che mưa, nắng. Bệnh viện đa khoa tỉnh Cai Lậy khá rộng rãi. Xe qua cầu Nhị Quý, rồi Bình Phú, chúng tôi đang ở địa phận Vĩnh Long lúc 10:40 phút. Cảnh ta mua bán sầm uất hơn và vùng này đặc biệt trồng nhiều dừa.

Anh Thiện, hướng dẫn viên du lịch bắt đầu dặn dò khách về bảo quản hành lý khi xuống xe để chuẩn bị qua đi tàu. Xe chạy đến gần cầu An Cư thuộc tỉnh Tiền Giang thì rẽ trái đến bến sông. Tại đây đã có một chiếc tàu nhỏ neo sẵn. Tôi đánh thức Kathryn dậy và từng người lần lượt leo qua tàu và chọn chỗ ngồi. Bà người Đức chọn tour dài ngày nên chúng tôi chia tay nhau ở đây.

Lần này Cô và Jeffrey ngồi ngay băng ghế ngay phía trước tôi. Ở bến tập trung nhiều vựa gạo lớn như vựa gạo Bến Đá II, An Cư.. Nước sông không trong và ánh bạc như nước sông Sài Gòn ở thành phố mà nó màu vàng nâu, mang đậm phù sa. Sau khi anh hướng dẫn viên du lịch đếm đủ số người thì tàu rời bến. Lần này Thiện không đi cùng với chúng tôi nữa mà đổi với một anh khác. Thật tình tôi mải mê ngắm cảnh sông nước nên không nhớ anh ta giới thiệu tên anh là gì. Nhưng điều đó cũng chẳng quan trọng đối với tôi.

Thuyền được lái chầm chậm ra hướng cửa sông, khác với không khí nóng bức, ngột ngạt trên bờ, tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn khi hít thở khí trời trong lành trên sông nước. Ở khúc sông này, tập trung nhiều vựa gạo và lò nung gạch. Cô tôi bắt đầu lấy máy ảnh ra chụp những tấm hình đầu tiên. Kathryn thì tỉnh ngủ hẳn và thích thú nhìn ra hai bên sông, bắt đầu hỏi tôi nhiều câu hỏi ngộ nghĩnh như:

-- Dưới nước có cá sấu không?

-- Người ta có bắt cá ở sông này không?

Tàu lướt chầm chậm trên mặt nước. Tôi thấy thật thoải mái và dễ chịu. Thật khác với không khí ở thành phố, luôn ồn ào, tập nập và ô nhiễm, nơi đây tôi như được sống lại cùng với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành, không gian yên tĩnh, cây cối xanh tươi. Tôi còn thấy cả có trại đóng tàu và đóng hòm, nhưng nhiều nhất vẫn là các vựa gạo xây sát tại chỗ. Thỉnh thoảng, tôi thấy một chiếc xuồng chèo ngược dòng. Người ta chở khoai lang, và các loại rau củ đi bán.

Điều tôi thấy thích thú nhất là thoáng nhìn thấy một nhóm các cô nữ sinh mặc áo dài trên đường đi bộ đến trường. Trên thành phố, chúng tôi bắt đầu mặc áo dài từ năm học lớp 10. Điều thú vị là các em mặc áo dài trắng với quần đen, da ngăm đen rám nắng, tóc dài ngang vai,tuy mộc mạc nhưng thật dễ thương. Tôi vẫn thường than phiền với đám con gái bạn cũ về một số đông các em nữ sinh ở thành phố đã bị "đô thị hoá" nên chúng không còn giữ được vẻ đẹp vốn có của người con gái Việt Nam - kín đáo, nết na, thùy mị. Hầu hết các em đều có xe gắn máy đi học, chúng cũng lái nhanh và ẩu không khác gì đám con trai, tóc thì uốn xoăn hay nhuộm màu theo kiểu Hàn Quốc, không lo chăm chỉ học hành mà thích tụ tập, rong chơi và đua đòi. Rồi đây tương lai các em sẽ đi về đâu? Ở thời chúng tôi, cơm không đủ ăn thì làm gì có chuyện mơ ước đến một chiếc xe gắn máy đi học.

Nhà tôi ở đường Tự Đức và không cách trường Trưng Vương bao xa nhưng tôi cũng được Ba Mẹ sắm cho một chiếc xe đạp. Như vậy là đã hạnh phúc lắm rồi vì có khối bạn trong lớp tôi phải đi bộ hơn hàng cây số mới đến trường. Cuộc sống đã dạy cho chúng tôi những bài học quý giá. Cảm ơn đất nước, cảm ơn những con người đã hy sinh, những con người đã cống hiến cho đất nước sức lực và trí tuệ để chúng tôi có ngày hôm nay -- một cuộc sống tương đối ấm no và đầy đủ. Tôi chỉ mong sao gia đình luôn là điểm tựa vững chắc cho con em để chúng không sa ngã vào những cám dỗ vật chất tầm thường.

Thuyền chợt tròng trành làm tôi giật mình. Chợ nổi Cái Bè cũng khá nổi tiếng gần xa vì người ta mua, bán, trao đổi hàng hóa ngay trên sông. Tiếc là thời điểm chúng tôi đi ngang qua gần giờ cơm trưa nên không khí mua bán không còn. Tuy nhiên tôi cũng quan sát và thấy được nhiều điều thú vị. Ở mỗi đầu tàu hay ghe, người ta buộc một cây tre dài vươn lên thật cao. Gần đầu tre có một túi lưới đỏ chứa rau, củ, quả mà người bán cần rao. Nhìn chung, họ bán dưa hấu, khoai mì (còn nguyên cả rễ và lá), khoai môn, củ sắn và đặc biệt là dứa.

Tàu được lái ra đến ngã ba sông và tấp vào một cồn nhỏ nơi người ta chuyên làm bánh tráng (rice paper), anh hướng dẫn viên cũng giới thiệu sơ về cách làm bánh. Chúng tôi được mời vào trong nhà và ăn thử một mẩu bánh nướng nhỏ. Đây cũng là một trong những món ăn chơi khoái khẩu của tôi. Bánh tráng nướng thật dòn, thơm vị gừng và ngọt của đường. Khi ra về cô tôi không quên mua vài bọc cho gia đình ở Sài Gòn. Bột được tráng trên một miếng vỉ trắng (cũng giống như loại nồi mà người Sài Gòn hay tráng bánh ướt, bánh cuốn). Cái bếp lò xây bằng đất nung thật to, người ta chất trấu xung quanh và nó cũng là vật liệu đốt chính. Bánh chín lấy ra và được phơi trên khung tre. Tôi cũng ăn thử một miếng bánh tráng ướt thì thấy vị lạt và không dai như bánh ướt vì đối với bánh ướt thì người ta thường bỏ tí bột năng. Jeffrey và Kathryn cũng mê món bánh tráng nướng lắm. Mỗi đứa cầm một bọc và nhâm nhi suốt dọc đường.

Sau đó, chúng tôi được hướng dẫn đến khu vực khác chuyên làm bánh cốm (rice crispies). Loại cốm này hồi nhỏ tôi cũng rất thích vì mê vị ngọt của đường, bánh dòn và thơm thơm làm sao. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến toàn bộ quy trình làm cốm, từ khâu rang cốm đến khâu vô bì. Công việc này hỏi thao tác nhanh nhẹn và khéo léo. Khó nhất là khâu rang cốm. Cốm phải được trộn trên bếp thật đều tay để nó được nở đều và không cháy. Thứ hai là phải ép cốm cho thật chặt và phải làm nhanh trước khi đường nguội hẳn. Ở đây vật liệu đun nấu là vỏ nhãn chứ không dùng trấu. Tôi để ý thấy hầu như nhà nào cũng có ít đất trồng nhãn dọc theo hai bờ. Người dân ở đây rất hiếu khách và cởi mở.

Khoảng 12:30 trưa thì tàu cập bến tại khu vườn nhỏ gọi có tên "Vườn sinh thái" thuộc tỉnh Tiền Giang để dùng cơm trưa. Văn phòng Sinh tổ chức tour này khá hay. Cơm trưa và trái cây tráng miệng được phục vụ miễn phí và chu đáo. Cô tôi cứ tấm tắc khen người ta nấu ăn sao khéo quá. Chúng tôi ngồi chung bàn với một cặp vợ chồng người nước ngoài. Thật tình tôi không thể hiểu họ nói gì với nhau nhưng thấy họ vừa ăn vừa gật gật lộ vẻ rất hài lòng. Cứ thử tưởng tượng xem nếu bạn là tôi bạn có vui không khi vừa thưởng thức một bữa cơm ngon, vừa nghe chim hót, không gian yên tịnh và mát mẻ? Bạn có thể đi dạo vòng quanh vườn, xem con khỉ đực làm trò hay cặp vợ chồng thỏ xúm xít quanh củ cải đỏ. Nếu mệt, bạn có thể ra sân trước, đu đưa mình trên chiếc võng mây mà nghe chim hót, làm quen với tiếng máy tàu xình xịch văng vẳng đâu đây.

Khoảng 2:00 giờ trưa thì tàu chạy tiếp qua Vĩnh Long và đây cũng là điểm tham quan cuối cùng của tour. Dọc hai bên bờ, người ta đóng cọc để hạn chế việc xói mòn và sạt lỡ bờ. Những nhà giàu hơn thì xây đập bằng xi măng rất kiên cố. Tàu chạy ra đến cửa sông, gió mát rượi, ở đây nước chảy xiết hơn nên Cô tôi dặn phải cẩn thận nắm chặt tay vào mạn tàu.

Sông Mekong rộng và đẹp lắm. Có những khúc sông tôi không thể nhìn ra đâu là bờ. Đối với tôi sao nó lại quyến rũ và cảm thấy chút thân thương đến vậy. Tôi chợt bật cười nhớ lại mơ ước được cùng anh về quê, cùng nhau ngồi bên dòng suối, dưới ánh trăng. Anh đã nhạo tôi thật nhiều vì quê anh chỉ có sông, rạch thôi chứ làm gì có SUỐI? Tôi đã mơ mộng và tưởng tượng quá, chẳng biết gì về địa lý Việt Nam thì làm sao có thể giúp anh làm nên "đại sự".

Tàu cập bến ngay phía trước khách sạn Cửu Long nơi có tượng mấy con rồng vàng chụm đầu vào nhau. Dọc hai bên đường, người ta dựng những Kiosque bán quà lưu niệm, phim chụp cho du khách. Con đường Lý Thái Tổ thật đẹp, lề đường rộng rãi và có cây cho bóng mát.

Đã đến rồi. Tôi đã thật sự đặt chân lên đất Vĩnh Long, đang đứng đây -- nơi quê anh với một cảm giác vui vui khó tả. Tôi tìm đến đây như một du khách và cũng như một người quen.

Anh hướng dẫn viên nhắc nhở chúng tôi chỉ có thể đi tham quan và mua sắm tại chợ Vĩnh Long trong vòng 40 phút và phải trở về xe để kịp về Sài Gòn. Chợ Vĩnh Long rất lớn, giáp với nhiều mặt tiền đường. Con đường Ba Tháng Hai người ta đang đào bới, sửa chửa lại mặt đường hay cống rãnh nên chúng tôi đi theo ngã Nguyễn Công Trứ để vào chợ. Ở đây không khí mua bán tất bật, người ta buôn bán đủ loại mặt hàng, buôn sỉ và cả bán lẻ. Đặt biệt thương nhân không nói thách nên chúng tôi cũng không cần trả giá hay bận tâm vì sợ mình mua đắt. Cô tôi mua một đôi dép nhựa đi trong nhà, Jeffrey thì lựa được một trái cầu đá, riêng Kathryn, nó thật sự bị cuốn hút vào đống sticker có hình Babie Girl. Tôi phải giúp nó lựa cho nhanh vì nếu không có thể nó sẽ ngồi đó cho đến tối.

Có một điều thú vị là tôi đã nhìn thấy chiếc xích lô của người địa phương. Điều này hoàn toàn ngược lại với kiểu dáng của xích lô trên thành phố. Ở Vĩnh Long, xích lô có kiểu dáng khác, có vẻ thấp hơn, người lái ngồi phía trước, kéo theo phần phụ phía sau để chở khách. Người ta vẫn giữ kiểu dáng vốn có của chiếc xích lô có lẽ đã xuất hiện từ thời Pháp thuộc và tôi đã biết đến nó qua những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, những cảnh phim trên truyền hình về cái thời mà còn Ông/Bà Hội Đồng.

Tạm biệt chợ Vĩnh Long, chúng tôi trở về điểm tập trung để nghỉ ngơi đôi chút. Đó là quán cà phê có tên "Cát Trắng" nằm dọc bờ sông. Tôi cũng không hiểu vì sao người ta lại đặt cho quán cái tên mà chẳng có liên quan gì đến cảnh quan, hay địa hình chung của nó?

Tôi chọn một chỗ ngồi gần mé sông, một mình lặng lẽ đọc lại bài viết của anh "Một chuyến về quê". Tôi đã mang theo nó như một người bạn đồng hành trên chuyến đi này. Tôi muốn tìm lại chút cảm giác gần gũi, muốn trở về giây phút hạnh phút ngắn ngủi khi có anh, mong ước cùng anh về nơi này. Anh đã thất hứa.

Gió sông thổi lên mát rượi. Sông ơi, sao sông hiền hòa và đáng yêu đến vậy. Có bao giờ tôi có thể ngờ được rằng sông cũng rất hung dữ và bạo tàn trong mùa mưa lũ. Có bao giờ tôi có thể ngờ rằng cuộc đời của tôi và anh đã theo hai ngã rẽ khác nhau, mà cứ ngỡ rằng mình đã đến đước bến bờ hạnh phúc. Lần cuối anh nói cuộc sống của tôi và anh quá khác biệt, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời cho riêng mình. Anh hãy đi, theo con đường của mình, hãy đi theo con đường mà anh nghĩ rằng nơi đó anh sẽ tìm thấy hạnh phúc.

Hôm nay, tôi đã thật sự mãn nguyện. Tôi hít thở thật sâu và nhìn lại con đường Ba Tháng Hai lần cuối trước khi lên xe trở về Sài Gòn, trở về cuộc sống hiện tại và bắt đầu cho một cuộc sống tương lai. Tạm biệt anh. Tạm biệt Vĩnh Long.

Chỉ còn khoảng 3km nữa thôi là xe sẽ đến Trung tâm Sài Gòn. Vài ngày nữa đây thành phố sẽ đón mừng Giáng Sinh 2002 và Năm mới 2003. Nơi nơi, người ta bày bán đồ trang trí cho Giáng Sinh, các quán xá, khách sạn cũng cố gắng "trang bị" cho mình một cây thông giả và những dây kim tuyến, trái châu đủ màu sắc. Không khí Giáng sinh ở khắp mọi nơi, trong lòng người và cả trong lòng tôi.

Năm nay tôi vẫn đi lễ một mình nhưng tôi sẽ không thấy mình lẻ loi vì trong tôi vẫn có hình bóng anh -- chỉ để cho riêng tôi, cho mùa Giáng Sinh này. Con thành tâm cầu xin Chúa cho anh hạnh phúc.

Trần Ánh-Thu

Giáng Sinh 2002


Mụclục


Back to VNY2K Homepage
Trởvềlại trangnhà VNY2K

Back to top

Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com

Copyright © 2003-18. All rights reserved. 

Flag counter for this page only -- reset 06062023