Back to VNY2K Homepage TRANGNHÀ VNY2K

Sángtác

Mụclục


Tình Nồng Cuối Đông

Tácgiả: Nguyễn Phước Đáng

Ông Đạt cầm cây gậy giơ ngang lên, đầu gậy ấn vào công-tắc điện, đèn ống đôi 1 thước 2 bật cháy. 

Lúc làm căn phòng, ông và thằng con dự định chỗ cửa sổ kê bàn buya-rô, công-tắc và ổ điện đặt chỗ nầy, ông đứng dậy là vừa tầm tay.  Nhưng căn phòng xây cất lậu, không được đúng như ý muốn lúc ban đầu, đang làm giữa chừng, bị ông Mỹ nhà kế bên gọi complain với Thanh Tra Thành Phố.  Thanh Tra xuống, bắt chọn một trong 2 điều:  Nếu muốn cất cái storage rộng cỡ nầy, thì phải ngưng tại đây, làm thủ tục xin phép đàng hoàng, chừng được phép rồi mới được xây cất tiếp, hoặc là bây giờ phải cắt xén, thu nhỏ lại, kích thước chỉ còn 10 x 12 x 12 feet thôi, nghĩa là ngang 10 feet, dài 12 feet và cao tối đa 12 feet, thì khỏi phải xin phép. 

Và sau khi gọi tham khảo ý kiến một kiến trúc sư, ông Đạt chọn phương án 10 x 12 x 12.  Thành ra căn phòng có lối đi riêng của ông bà Đạt, đối với Chánh Quyền Thành Phố, chỉ là một storage để chứa đồ đạt chứ không phải để người ở, được xây dựng trong sân sau của nhà thằng con, đo lọt lòng diện tích nhỏ hơn 10f x 12f, tính theo Tây thì nhỏ hơn 3m x 4m.  Ông đặt cho nó một cái tên.  Ông thích đặt tên, mỗi tấm hình chụp khi đi đám cưới, khi đi park, đi picnic, tới lá thư hằng tuần ông viết về cho con, ông cũng đặt tên.  Ông đặt tên cái chòi của ông là Đồ Lố Thất.  Ông nói phải bên nầy  có thợ khắc bảng đồng rẻ rẻ một chút, cỡ vài chục hay một trăm ngàn VN, thì ông đưa đi khắc 3 chữ ĐỒ LỐ THẤT để ông đóng vào vách, cạnh cửa ra vào.  Bà cười mũi:

- Một trăm ngàn VN của ông quí dữ.  Chắc ông mướn khắc được chữ Đ... Mà "đồ lố thất", sao nghe giống Tàu, giống cải lương quá?  À! Tui nhớ ra rồi.  Ông “sáng tạo” ra cái tên nầy là do ông nhớ tuồng cải lương Tần Nương Thất, Bạch Tuyết đóng vai chánh đó.  Phải hông?

- Thì có sao đâu!  Nhưng mà ý nghĩa của tôi là thế nầy:  Thất là căn nhà, dù căn nhà nầy có nhỏ xíu, không như căn biệt thự của cô Tần Nương Bạch Tuyết.  Còn Đồ Lố là quần áo may chục có đầu, bên mình gọi là đồ chợ, đồ hàng.  Nếu mình còn tiếp tục nghề, thì cái chòi nầy là chỗ để mình may đồ lố.  Còn mình bỏ nghề, thì cái nhà nầy là kỷ niệm số tiền $2,000 mình dành dụm từ việc may đồ lố mà cất nên nó.  Ý nghĩa đầy xao xuyến như vậy, có thua gì Tần Nương Thất đâu.

Ông bà Đạt ngủ riêng giường từ đó.  Ông chẻ chiếc giường queen size của ông bà ra làm đôi, thành 2 cái full size, một cho ông, đặt tại chỗ lúc đầu dự trù đặt buya-rô, nên nó làm trở ngại chuyện tắt mở công-tắc đèn, ông dùng cây gậy nối dài cánh tay, từ ngoài mé giường, ông khỏi phải nghiêng người vói vô vách.  Một giường cho bà đặt sát vách trong, trước closet.  Ông tính nát bàn toán, mới có chỗ để cái tủ dài 6 ngăn kéo và bàn buya-rô, gọi là buya-rô cho có vẻ vậy thôi, chớ chỗ còn lại chỉ vừa đủ để một cái bàn con, bề ngang có 6 tấc, bề sâu 7 tấc.  Giường của bà chỉ còn chỗ cỡ 6 tấc để vô ra, phía sau lưng ghế buya-rô của ông.  Trên mặt buya-rô 6dm x 7dm, sau khi ông sắm được máy computer, ông đóng thêm cái kệ, ông nói là ông cất nhà lầu trên buya-rô, để ông nhét vô dưới cùng một ngăn kéo dẹp lép vừa cho key board và con mouse, sau khi sử dụng computer, ông đóng ngăn kéo đó lại, giấu mất key board và con mouse, để ông còn có chỗ viết lách chút ít, có chỗ đặt sách mà đọc, đôi khi ông cũng ăn uống tại đó nữa, diện tích bàn buya-rô chỉ còn 6 tấc x 3 tấc mà thôi.  Kế trên là ngăn dành cho 2 bộ  phận chánh của computer, ngăn trên nữa dành cho printer.  Chót vót, ông gọi là trên sân thượng, ông đặt 2 loa và thùng woofer .  Ông còn vẽ duyên, lấy  vỏ lon bia lạ, có hình thù như một bình bông, ông mót lấy mấy cành hoa giả thằng con vụt thùng rác, ông rửa sạch, phơi khô, rồi mầy mò cắm thành một lọ hoa hồng có đỏ, có trắng, có hường, có to, có nhỏ, ông đặt lên "sân thượng", cạnh thùng woofer, ngắm nghía ra vẻ  hài lòng lắm.  Ông bắt đầu lý quốc với bà:

- Bình bông nầy tôi cắm theo thuyết Thiên Địa Nhân của Nhựt, bà trông có đẹp không?  Thiên là trời, là đoá hồng trắng trên cao và đoá hồng đỏ thấp hơn một chút đó.  Địa là đất, là những chiếc lá, những ngọn cỏ lè tè phía dưới, sát miệng bình đó.  Còn Nhân là người, là những đoá hồng nhỏ, đỏ, trắng, hường, lô nhô khoảng giữa đó... Trời, Đất, Người là Thế Gian... là Vũ Trụ...  Căn phòng mình cũng có đủ Thế Gian, Vũ Trụ đó nghe bà.

Bà Đạt nghe bùi tai, đưa mắt ngắm nghía bình bông.  Mắt bà ánh lên một tia vui sướng.  Bà bắt gặp hạnh phúc, khi nhìn công trình rì-xai-cồ từ thùng rác của ông.  Bà không khen, bà sợ ông lừng.  Nhưng ông đã bắt gặp ánh mắt hạnh phúc của bà, cái đó tố cáo tâm ý khâm phục của bà, còn hơn một lời khen ngoài cửa miệng nữa.  Ông đã trắc nghiệm thấy đúng như vậy:  Bà đã để yên cho ông hôn nhẹ trên trán bà. 

Thừa thắng xông lên, ông ôm chầm lấy bà siết mạnh, và thật là tuyệt vời, bà quàng tay ôm nhẹ ông vào lòng trong một giây, rồi bất đồ, bà xô ông ra , không biết bà nghiêm giọng hay bà đùa:

-  Già hổng nên nết.

Ông mở cửa, bước ra khỏi căn phòng nhỏ như lỗ mũi, bỏ bà lại một mình.  Bà nghe ông hát nho nhỏ bên ngoài bài  lý con sáo, lý ngựa ô hay lý quái quỉ gì mà có cả "anh đưa nàng, anh đưa nàng về dinh..." 

Bà nghĩ  "Ông nầy  có học cắm hoa cắm huyếc hồi nào đâu, mà cắm, mà thuyết Thiên Địa Nhân tùm lum.  Ông nầy dám nổ, dám láo lắm?  Có mấy lâm hơi chữ Nho trong bụng đâu, mà bày đặt cắt nghĩa Thiên Địa Nhân với mình nữa.  Nhưng kệ ổng, bình bông trông đẹp thì thôi.  Mà phải dặn ổng điều nầy mới được..."  Bà gọi ông vào.  Ông vừa hí hửng trở vào, thì bà phang phủ đầu ngay :

- Đừng tưởng bở... Tôi dặn cái nầy.  Ông học ở đâu cái vụ Thiên Địa Nhân?  Ông đặt điều tán dóc hả?  Tán dóc với tôi thôi nhé.  Đừng ra ngoài tán dóc với ai, rủi gặp mấy bà mấy ông có đi học cắm hoa thiệt, người ta la rùm lên là ông tán dóc, thành ra tui có ông chồng ưa tán dóc thì tội nghiệp cho tui lắm.

Ông cười sằng sặc, sà lại gần, siết nhè nhẹ bàn tay của bà, rồi nâng lên môi hôn, lẩm bẩm:

- Ôi!  Bàn tay ngọc ngà của anh!

- Thôi đừng có nịnh ông ơi.  Ngọc ngà gì nữa, không thấy gân xanh, không thấy nhăn nhúm sao?

Ông không trả lời bà.  Ông ôm siết lấy bà, và bà ghì chặt ông vào lòng, nghe ông hứa:

- Ờ...ờ...Anh chỉ tán dóc với em thôi.  Anh sẽ không nói chuyện cắm hoa với người ngoài.  Nhưng anh có học thiệt mà, dù học lóm, chớ không phải vô trường lớp đàng hoàng.  Anh học lý thuyết cắm hoa với thằng bạn tù.  Nó có nhiều mẫu, nhiều thuyết về cắm hoa của Nhựt, của Tàu.  Anh thích thuyết Thiên Địa Nhân.  Và chỉ nhớ duy nhứt có Thiên Địa Nhân thôi.  Anh nhớ có đúng không, anh thực hiện bình bông có đạt không, anh đâu có biết.  Với một chút lý thuyết mong manh, mơ hồ, học lóm được, anh sáng tạo bình bông mà, miễn nó làm anh hạnh phúc, miễn nó làm em vui, em hạnh phúc là đạt rồi.  Nghệ thuật đâu có cái mẫu nào buộc mình phải rập khuông theo đâu.  Phải không em?

Ông bà Đạt ôm siết nhau như vậy khá lâu.  Đủ lâu để ông chìm đắm nhớ lại lần đầu ông cầm lấy bàn tay của bà thuở con gái, đúng là ngọc ngà, thon dài, mềm mại, óng mượt, mà ông đã yêu say đắm thuở ông 20, bà 19.   Đủ lâu để bà nhớ lại những cái hôn lén của ông trong những năm đầu cuộc sống lứa đôi, lúc bà còn mơ màng ngủ, hoặc lúc bà vờ vĩnh nhắm mắt.  Ông đã đặt lên mái tóc dài, đen mượt, óng chuốt, lên trán, lên bàn tay, lên bàn chân cũng óng mượt, lên cặp đùi chắc nịch, lên bộ ngực căng phồng của bà...những cái hôn lén, không cần đáp trả đó thật tuyệt vời, đem lại bà biết bao nhiêu là hạnh phúc...

Ông Đạt cầm xấp thư nằm lên võng.  Bây giờ căn phòng của ông bà còn chật chội và bề bộn hơn trước nhiều lắm.  Trên mặt tủ dài 6 ngăn kéo, ông chất thêm cái TV 20 inch trên một hộc nhỏ chứa cái VCR, cạnh đó ông đặt cái máy mua sale giá $100, vừa chơi CD, vừa chơi cassette, 2 ổ, vừa bắt radio nữa (Tôi dùng chữ chơi để dịch chữ play của Mỹ có nghe được không cũng chả biết). Đầu tủ, sát phía computer, ông đặt máy fax.  Còn một khoảng trống giữa mặt tủ, thì lủ khủ các lọ thuốc tây, chai dầu gió xanh, hủ đường cát trắng, keo rượu ngâm tỏi, chai thuốc rượu xoa bóp, keo thịt chà bông và hộp xí-mụi nữa, đủ thứ tam thập lục vật.  Trên giường bà, ông để máy Mixer mới mua, không còn chỗ nhét vô.   Ông nói có lúc ông thích đọc truyện ghi vô băng cassette, chừng nào rảnh rỗi, lúc nổi hứng, ông sẽ lôi ra làm, làm chơi chứ không buôn bán gì như ông Nguyễn Ngọc Ngạn hay như cô Thanh Phương... Đâu phải chỉ có thế, trên đó còn có sách báo, thư từ, mấy ngày liền ông vất lên tùm lum.  Thứ Sáu ông dọn giường bà một lần, vì chiều thứ Bảy ông phải trả giường gọn sạch cho bà.  Bà đi babysite con người ta, cứ cuối tuần về sum họp  2 trái tim vàng trong căn phòng chật nầy.  Ông nói với bà:

- Mình còn sướng hơn Ngưu Lang & Chức Nữ bội phần, đâu có chờ mưa ngâu, đâu có cần cầu ô thước, mỗi năm gặp nhau chỉ có một lần ngắn ngủn, tức thấy mồ.  Còn tụi mình mưa nắng gì  cũng được gặp nhau ngày Chủ Nhựt.  Một năm dài đến 52 ngày lận...

Ông nói, ông cười, mà bà thì muốn mếu...

- Trời ơi, đoàn tụ là như vậy đó!  Ngưu Lang gặp Chức Nữ mỗi tuần một ngày là hạnh phúc rồi đó.  Ông đừng có tiếu lâm.  Có ngày tui quạu, tui cắn ông đó, cắn thiệt, cắn lấy dấu, chứ không cắn giởn, cắn yêu đâu mà ham.

Có tuần ông không dọn kịp cái hàng xén trên giường bà.  Bà về trông thấy giường ngủ, sựng lại thiếu điều khóc thét lên. Ông xuống nước:

- Thì lâu lâu mới lỡ một lần thôi mà.  Có như vậy em mới thấy anh là nhà văn, gần với nhà văn chứ.  Phải bê bối, phải bầy hầy, bừa bãi, vô trật tự mới là nhà văn có cỡ chứ... Anh còn thiếu mấy vỏ chai rượu mạnh như nhà văn Mai Thảo, thiếu cả đống vỏ lon bia như nhiều nhà thơ khác, thiếu cái gạc tàn đầy nhóc đuôi thuốc... nên anh viết chưa bằng ai hết.  Đừng... đừng ủ dột như vậy.  Anh dẹp, anh dẹp ngay.  Anh mắc thường cho mà...

Ông đem cái thùng giấy vô, tuông hết các thứ vào đó, rồi bưng ra để một góc patio, chờ ngày thứ hai bà đi, ông lại mang vào. 

Ông trãi, căng lại drap, làm lại giường phẳng phiêu, rồi ôm lấy bà nỉ non:

- Vừa ý chưa bàn tay ngọc ngà của anh?  Một tuần Ngưu Lang chỉ gặp Chức Nữ có một ngày Chủ Nhựt thôi nghe Chức Nữ.  Thì giờ ngày Chủ Nhựt là hột xoàn, là kim cương đó.  Đừng có giận hờn mà phí phạm.  Anh năn nỉ bồ đó...

Bà xô ông ra:

- Tôi xin ông,  ông bỏ những tơ tưởng viết lách đi cho tui nhờ.  Phải bầy hầy, phải say sưa, phải bù xù, không chừng còn phải xì ke ma tuý, phải đi hát cô đầu, phải lân la nhà thổ nữa mới thành nhà văn, nhà thơ, thì tui xin ông.  Em  muốn anh bóng bóng một chút.  Tội anh quá, ăn uống thất thường mà còn vẽ vời bù xù cho ra vẻ ta đây nhà văn.  Tới ngày đủ tiền về thăm lại quê hương chắc không ai còn nhìn ra Ngưu Lang của em nữa.  Vừa phải thôi ông nhà văn tương lai ơi.  Bỏ quách nó đi, bỏ quách cái tương lai không bao giờ đến đó đi.  Không là văn sĩ, thi sĩ, em vẫn yêu anh như bốn mươi năm về trước mà.  Đeo nghiệp dĩ đó vô người làm gì?

Căn phòng chỉ còn một lỏm trống nhỏ ngay cửa ra vào, mùa đông lạnh, ông mang luôn cái giá võng trám vào chỗ đó, để vắt va vắt vẻo nằm nghe nhạc, đọc sách, đọc báo, đọc thư, đọc văn ông viết nữa.  Bà đang về thăm lại quê hương.  Quê hương có ngược đãi ông bà, thì bà cũng còn 4 đứa con trai, 4 cô con dâu hiếu thảo và bầy cháu nội ngây thơ như thiên thần còn kẹt lại đó, để bà luyến nhớ quay về hằng năm.  Mỗi tuần ông fax về một lá thư, thăm bà, thăm con, thư dài ngắn không chừng.  Ông vừa nhận lá thư hằng tuần của thằng con, và kỳ nầy có thư của bà nữa.  Ông nằm võng, đọc lại hai thư đó thêm một lần, rồi đọc lại lá thư dài ông đã viết cho bà tuần qua.

x X x

Long Xuyên, ngày  28 - 3 - 1998

Ba thương nhớ,

Dự báo thời tiết năm nay, VN mình bị hạn hán nặng.  Mới bây giờ, chưa hè, mà vùng đồng bằng Sông Cửu Long đã 39 độ C rồi.  Má than nóng ơi là nóng.  Má rút vào nhà chịu trận, không còn ham đi đó đi đây nữa.  Kỳ nầy má cũng viết thư cho ba.  Má viết sao thì viết, nhưng con biết má đang thương nhớ ba nhiều lắm.  Hôm ba fax thư về, má nằm trên võng đọc.  Bả lấy khăn chặm mắt.  Tụi con không đứa nào dám hó hé, lòng thì hồi hộp, không biết bên bển có chuyện gì, mà ba viết thư dài, má đọc lại khóc.  Đọc xong, má buông xuội lá thư xuống gạch.  Má nói :

- Hải đọc đi.  Tội nghiệp ổng!

Con đọc, lúc đầu lấy làm lạ, đâu có gì mà má lại phải khóc.  Ba vẫn viết bình thường, thỉnh thoảng chen vô cà rỡn, cười được mà, sao má khóc?  Ba kể chuyện lụn vụn, lặt vặt như mọi khi về má về ba nghe hạnh phúc mà sướng, sao má lại khóc?  Ba mạnh khoẻ.  Ba ăn ngon.  Ba còn biết làm món ăn vừa miệng như má làm nữa, sao má lại nói tội nghiệp ba??? 

Nhưng, thiệt tình ba ơi!  Chừng đọc xong thư ba con cũng muốn rơm rớm nước mắt.  Ba má hạnh phúc quá trong tuổi già, yêu thương và tế nhị, nhẹ nhàng với nhau rất mực, còn hơn thời trẻ, còn hơn tụi con bây giờ nữa.  Nhưng má mũi lòng, tụi con cũng mũi lòng, vì ba má cứ trong hoàn cảnh xa cách nhau.  Gần ba tháng nay má bên nầy, ba bên kia, nhung nhớ nhau, lo nghĩ cho nhau.  Nửa tháng nữa, má qua với ba, lại tiếp tục xa cách nhau, 6 ngày mới gặp nhau được 1 ngày để đi garage sale, để đi chợ trời, như lời má nói.  Tụi con thương ba má quá!  Ba má là cái gương tuyệt vời cho tất cả tụi con, ngay bây giờ và mai sau nữa.  Huyên nó trách con:

- Anh có thấy ba má già rồi, mà ba viết thư, lời lẽ tình với má biết bao nhiêu. Anh không được phân nửa ổng

Con hỏi lại nó:

- Vậy chớ em có được phân nửa má không?

Suýt chút nữa 2 đứa tụi con lại gây với nhau vì cái chuyện không-bằng-phân-nửa-ba, không-bằng-phân-nửa-má.  Nhưng tụi con kịp thời, cùng nhận ra rằng "Sao mình ngu quá, sao mình không bắt chước ba, sao mình không bắt chước má?"  Tụi con hoà với nhau nhờ gương sáng của ba má.

Ba là nhà văn rồi, dù ba chưa từng có tác phẩm in ra, bày bán trên kệ sách.  Có lần ba định nghĩa văn sĩ và viết văn như vầy  "Văn sĩ là người viết văn, thi sĩ là người làm thơ, viết ra thơ.  Viết văn, làm thơ là làm cái công việc khuếch đại tâm hồn và tình cảm người đọc"  Đọc ba như vậy, lúc đó con ù-ù cạc cạc có hiểu gì đâu, vì định nghĩa đó của ba không có trong tự điển.  Bây giờ con hiểu rồi.  Những lá thư của ba làm lớn tâm hồn tụi con, tụi con mở rộng lòng hơn.  Đúng là tình cảm tụi con được khuếch đại, khi đọc ba.  Thương, con thương dữ hơn; giận, con giận dữ hơn; buồn, con buồn nhiều hơn... Người ngoài coi ba thế nào thì coi.  Tụi con coi ba là nhà văn, nhà văn lớn của tụi con.  Người ngoài biết tụi con ca ngợi ba như vậy, chắc họ sẽ dè bỉu "Chuyện mẹ hát con vỗ tay"  Mặc họ, tụi con ca ngợi, quí trọng ba của tụi con, đâu có sao.  Phải không ba?  Vả lại, cha con mình nói chuyện với nhau, chớ đâu phải nói cho người ngoài nghe.  Vả lại, có lần ba dạy tụi con rằng "Khen chê đều cần phải thành thật.  Khen người ta có hơn, có quá đôi chút cũng không sao.  Còn chê thì phải đúng và không được quá."  Tụi con đang tập theo lời ba dạy đó.  Con nghĩ tụi con ca ngợi ba không quá đâu, vì thực sự thư của ba, tức văn của ba, đã đem lại hạnh phúc cho cả nhà, cho má trước và cho cả tụi con nữa.  Không cần ba khổ công sáng tác thơ văn đăng báo, ba đã là văn sĩ của cả nhà rồi.  Con mong tuổi già của tụi con rồi được như ba má!

Kính thư,

Con  Hải.

x  X  x

Long Xuyên, ngày  28- 3- 1998

Anh thương,

Đọc thư anh, biết anh ăn ngủ được, lại rất khoẻ mạnh, em và tụi nhỏ vui lắm, yên lòng lắm.  Nhưng mà...  Ông có dóc không?  Ăn được, ngủ được?  Sao tui nghi quá!  Ông liếm láp cho qua ngày chớ làm gì ăn được.  Không có tui nấu cho ông, mà ông ăn được à?  Xạo!  Ông xạo với tui rồi!  Ông nói cho tui yên lòng mà vui vẻ với tụi nhỏ bên nầy.  Ông còn khoe là lúc nầy biết ướp thịt bầm, biết nấu canh chua, dù chỉ biết nấu với tép thôi.  Ông hăm he rằng chừng tui qua ông sẽ nấu cho tui ăn nữa. Nấu không rau rác, không ngò gay, không ngò om, lá quế, rau cần dầy lá gì hết mà bảo là ngon, là giống như tui nấu lận.  Dóc vừa thôi ông ơi.  Đừng có dùng tiếng quyển tiếng kèn mà giục tui trở qua.  Đủ 3 tháng tui mới qua.  Cha con ông một giơ, một phe với nhau.  Bốn đứa con dâu thì phe tui, nhưng tụi nó sợ chồng, chắc mấy thằng con trai phe ông nó gầm gừ, nó dặn dò đám con dâu phe tui thế nào đó, nên dù tụi nó quyến luyến tui một mực, mà có đứa nào dám nói trịch ra chuyện về sớm về trễ của tui.  Con Phiên ở Sài gòn nghe có mấy vở kịch mới dàn dựng, nó nhắn nhe tui lên nó dẫn đi coi.  Con Chi thì khoe nó nấu bún cá bây giờ giống hệt tui.  Nó nấu mời tui ăn.  Con Huyên ngồi một bên rủ rê tui đi may đồ, nó nói tiệm may của con Thu Trang mới mở, may không thua gì Sài Gòn, may đồ đầm không thua bên Mỹ (Nó cũng xạo giống như ông vậy.  Biết bên Mỹ may làm sao mà so sánh)  Con Oanh thì lúc nào nhắc đến ngày tui trở qua với ông, nó cũng rơm rớm nước mắt.  Ngày tui ra phi trường tui không cho nó đi đưa tiển đâu.  Nó khóc, tui khóc coi đâu được.  Vậy mà có đứa nào dám hé môi rủ tui ở lại thêm đâu.  Đứa nào mở miệng rủ tui ở lại thêm thì con trai ông ăn thịt nó mà.  Con trai ông thì khỏi phải nói.  Tụi nó đâu dám đuổi tui về bển với ông sớm, nhưng lừa lúc tui vui vui, thì có đứa nhắc vụ book vé máy bay.  Chắc thằng chó thằng Cường ở Sài gòn đã gọi book vé rồi hổng chừng.  Tụi nó không áp lực mạnh, nhưng có nhẹ nhàng áp lực tui sớm về với ông.  Áp lực nhẹ, nhưng cả 8 đứa bên nầy thêm thằng Út Rạng bên bển, thêm ông áp lực bằng lời ngon tiếng ngọt, mật ngọt chết ruồi, chết tui mà, làm sao tui không thua. Thằng Út Rạng ở bển, nó làm bộ hù ông, nó thử phổi ông, nói rằng 2 tháng nữa tui mới qua.  Nó gọi về thăm tui, nó báo cáo đủ thứ chuyện về ông, tui mới biết ông liếm láp qua ngày, tui mới biếtt ông đâu có dưỡng sức, ngủ lúc 9 giờ để còn 2 giờ dậy đi bỏ báo.  Nó nói ông cứ nhẩn nha vui chơi, trò chuyện với cô mặt vuông Computer của ông, chừng nào hả hê, hết hứng mới nhớ tới ngủ, có khi tuột xuống võng ngủ luôn, không thèm lên giường ngủ cho thẳng thớm con người nữa.  Có phải vậy hông?  Nó là điệp viên của tui mà.  Nhưng mà tui biết nó là thứ điệp viên nhị trùng.  Nó bị ông huyễn hoặc.  Giờ chót nó làm việc cho ông.  Cũng như mấy thằng kia, nó thương ông nhiều hơn thương tui mà.  Nói ba đồng bảy đổi đủ thứ chuyện, tui hối nó ngưng, nó nói điện thoại viễn liên về VN đang on sale, má đừng lo.  On sale thằng cha nó.  Tui biết nó xạo, nhưng môi mép nó ông biết rồi, ông còn khoái nghe nó chuyện trò, nữa là tui.  Sau cùng nó hỏi:

- Má đăng ký vé trở qua chưa?   Ổng nhớ bà mất ăn mất ngủ đó!

Có phải ông dặn nó nói câu kết luận như vậy không?  Nó nằm vùng cho ông mà!  Nó làm bộ là điệp viên cho tui.  Tui biết hết đám cha con ông.  Một bữa tui thử tụi nó, tui bảo:

- Ngày mai, Huyên đưa má đi xin gia hạn thêm 1 tháng

Mặt mày đứa nào cũng xìu xuống, ủ dột thấy rõ, chỉ có một mình con Oanh thiệt thà, mừng ra mặt, miệng cười toét, nó hí hửng hỏi:

- Thiệt hả má?

Tui liếc thấy thằng Truyền trừng con Oanh.  Chắc tối đó nó ăn thịt con nhỏ.  Cả ngày, 3 thằng con trai dưới Long Xuyên của ông, chẳng đứa nào vui.  Tui thấy Hải kêu con Huyên nhỏ to chuyện gì đó.  Hôm sau, Huyên rụt rè nhỏ nhẹ nhắc tui vụ gia hạn.  Tui nói:

- Thôi, tội nghiệp ổng, để má về đúng ngày!

Tụi nó nhảy dựng lên "Hoan hô má!"  Con Huyên ôm chầm lấy tui.  Con Oanh thì vừa cười vừa khóc lẫn lộn.  Chiều đó tụi nó mở tiệc ăn mừng.  Thấy ghét hông!  Tụi nó ăn mừng tui chịu qua đúng ngày với ông.  Ông thấy đó.  Rốt cuộc cả mấy con dâu phe tui, tụi nó cũng nhào qua phe ông.  Tui ghét ông, ghét cái văn sĩ của ông.  Ông luyện viết văn để rù quến đám con và con dâu của tui về phe với ông.  Ông không có xúi đứa nào, nhưng rồi đứa nào cũng về phe với ông.  Đứa nào sau cùng cũng xa gần nhắc tui book vé về đúng ngày.  Chỉ còn tụi cháu nội ngây thơ, không biết gì, là hoàn toàn về phe với tui thôi.  Tụi nó cứ xúm lại đòi :  "Bà nội ở lại chơi lâu lâu với tụi con.  Ông nội ở bển có bác Tư, có chú Út, hổng sao đâu!"

Tui đứt ruột đứt gan... Nhưng mà tụi nhỏ đâu có biết gì chuyện của cha mẹ, chuyện của ông nội bà nội... Không biết gì, nhưng tụi nó cũng biết tui lo cho ông.  Không biết, sao tụi nó biết trấn an tui "Ông nội ở bển... hổng sao đâu!"  Chỉ có ông hổng biết tui lo cho ông thôi...

Anh thương,

Tụi nhỏ đang chuẩn bị hành trang trở qua cho em.  Chi đang làm khô lóc cho anh.  Huyên đi đặt người ta kiếm thứ khô sặt làm lạt, hơi bủn một chút cho thịt rể tre, mà anh ưa.  Nó cũng dặn thứ mắm lóc đặc biệt ở Châu Đốc.  Truyền đã dặn 2kg cà-phê rang còn nguyên hột đặc biệt.  Nó nói anh ưa hương vị cà-phê VN.  Ngày chót Oanh sẽ mua cá bống trứng và cá he kho tiêu cho anh.  Anh khen nó kho giống em, kỳ nầy em cũng để nó kho, em dặn nó kho mặn hơn em một chút, anh ưa mặn mặn.  Trên Sài gòn thằng Cường, con Phiên chuẩn bị cái gì cho anh, em chưa biết.  Tụi nó khùng, định mua tôm càng hạng số 1 kho tàu cho anh.  Tôm ở bển thiếu gì, tôm càng xanh Nam Mỹ, tép rằn còn ngon hơn tôm VN nhiều.  Tụi nó tưởng anh ở bển nhịn thèm tôm.

Thôi em ngưng. Hai tuần nữa mình nhé!  Ngưu Lang của em.  Hai tuần nữa mưa ngâu!

Em thương anh.

Phụng.

x  X  x

Ông Đạt muốn đọc lại lá thư của ông tuần trước.  Ông đã viết gì mà vợ con ông lại viết qua như vậy?  Thằng con thì ca ngợi tưng bừng.  Còn Chức Nữ của ông thì cứ mắng ông là dóc, là xạo.  Mà ông quen rồi.  Ông thích chọc bà để được bị mắng dóc, xạo.

San Jose, ngày 21-3-1998

Con Hải thương,

Kỳ nầy ba viết dặn dò con trước, viết cho má sau, kẻo không khéo ba lại quên chuyện nầy chuyện nọ.  Từ bây giờ, con hãy biên ra giấy những gì cần mua sắm cho má mang qua.  Ba dặn những gì từ trước, lục thư cũ coi lại, ghi ra, sách nè, hình nè, gì gì nữa đó.  Hạng nhứt là con phải giữ giấy tờ của bả, nhứt là thẻ Re Entry Permit, mất cái đó thì chết cha con rồi đó.  Bả kẹt luôn bên bển.  Chỉ còn nước ba về ở luôn với bả thôi.  Bả chê ba là Vua quên, nhưng bả bây giờ cũng là Hoàng Hậu không nhớ chớ vừa sao.  Chừng bả vô cửa cách ly mới đưa giấy tờ cho bả, nhớ căn dặn bả nhét đâu cho kỹ, nhét chỗ nào phải nhớ, đến phi trường SFO còn trình với Hải Quan Mỹ mới sum họp với ba được.  Bả tâm hơ tâm hất, rồi đứng đó mà khóc, bắt ba ở ngoài chờ đến mục xương. 

Ba dặn ít, tụi con phải xúm nhau nhớ thêm những gì ba quên chưa dặn đó nhé.  Sơ xuất điều gì là ba về ba cạo đầu tụi bây hết đó.  Thôi, ba viết cho bả đôi điều.

Em thương nhớ,

Ba ngón tay bị tê của anh vì căn bệnh quái quỉ gì có cái tên dài nhằng "Hội Chứng Đường Hầm Giữa Của Cánh Tay", nay đã đỡ nhiều , bớt cỡ 80%, không biết có phải nhờ băng vải vật lý trị liệu băng cổ tay mà bác sĩ Phan cho toa, hay do anh mỗi ngày thoa bóp thuốc rượu của chú Góp Huỳnh cho.  Anh vẫn mang cái băng tay khi ngủ và vẫn thoa bóp thuốc rượu hai lần mỗi ngày.  Đông Tây gặp nhau hay không gặp nhau cũng được, miễn trị hết tê 3 ngón tay anh thì thôi.  Chỗ thắt lưng có lúc nhói nhói buốt đau mỗi lần anh ưỡn người, nay cũng đỡ chừng 70%.  Đừng có nói anh dóc, anh xạo khi anh viết, anh định bao nhiêu phần trăm.  Cách nói đó là cách của các kinh tế gia, cách nói thời thượng, tri thức.  Anh kinh tế gi


Mụclục


Back to VNY2K Homepage
Trởvềlại trangnhà VNY2K

Back to top

Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com

Copyright © 2003-18. All rights reserved. 

Flag counter for this page only -- reset 06062023