Truyện thật ngắn của Nguyễn Phước Đáng
Tácgiả: Nguyễn Phước Đáng
Ông Tướng
Tôi mệt nhừ, vừa vô phòng, tôi thả người nằm dài trên chiếc giường rộng, nệm dầy, trông thật sang trọng so với chiếc giường tôi ngủ hằng đêm ở nhà. Tôi nẩy người nhún nhún để cảm nhận cái sướng lâng lâng. Vĩnh từ ngoài bước vào, vừa thay đồ, vừa nói: - Chút nữa, trưa mình đi xem ca vũ nhạc kịch. Một trong 2 vũ kịch đó là TITANIC, diễn thuật lại giây phút cuối cùng trên chiếc tàu nầy, trước khi nó chìm sâu trong lòng biển cả. Vũ kịch kia, con quên tên, là một ca vũ kịch diễn thuật thời cổ xưa La Mã, cho người hiện tại biết các bậc vương giả thời đó hưởng thụ làm sao. Vũ công của đoàn kịch, theo quảng cáo, thật là tuyệt vời. Hai show trình diễn đều cấm trẻ dưới 18 tuổi. - Thôi! Đồ mắc dịch đó đi coi làm gì tốn tiền! Giá vé bao nhiêu? - Cũng thường thôi. Sáu chục đồng một vé. Bà xã tôi giẫy nẩy: - Giá sáu chục đồng mà là thường à? Hai cha con đi với nhau đi. Má ở lại phòng nghỉ. Má mệt lắm rồi. Lại thứ cấm trẻ dưới 18... - Con đã mua 3 vé rồi. Má không đi thì Ba và con trả 90 đồng một vé. Đi đi Má. Con bảo đảm với Má đoàn ca vũ nhạc kịch nầy rất hay. Nó trình diễn tới trình diễn lui mỗi ngày, cả bao nhiêu năm rồi, chỉ có 2 show đó thôi, mà lúc nào cũng có khách đầy rạp. Bảo đảm với Má, sạch chứ không bẩn như má tưởng. Đi nghe Má... Chúng tôi đi xem ca vũ nhạc kịch. Tuyệt vời! Tuyệt vời! Đúng như Vĩnh nói, sạch chứ không bẩn. Đoàn nữ vũ công với những bộ chân thon dài y nhau, với bộ ngực để trần hoàn toàn, hai trái đào tơ non, cứng chắc tuyệt vời. Họ được chọn lựa cùng trang lứa nhau, kể cả chiều cao, giống nhau đôi chân và bộ ngực. Bộ ngực như bộ ngực tượng thần Vệ Nữ. Trong một màn, ngoài sân khấu chính, còn thêm chiếc cầu đưa ra từ hai bên vách rạp, lơ lửng trên cao, vừa tầm người xem, tất cả vũ nữ của đoàn dường như được đưa ra hết trên sân khấu, và trên chiếc cầu hành lan. Đẹp tuyệt. Họ đang uốn lượn, nhún nhảy với thân hình ẻo lả, với đôi tay như mây bay lượn, với đôi chân như lướt nhẹ trên lớp đệm không khí. Họ đang sinh động trên sân khấu, theo từng tiếng nhạc khi trầm buồn, khi réo rắt. Tôi vừa xem vừa đếm số vũ nữ tuyệt vời đó, trên sân khấu và trên chiếc cầu lơ lửng. Tôi đếm tới được con số 60. Còn nữa... còn nữa..., nhưng họ di chuyển, trộn vào nhau, tôi bối rối, không đếm thêm nữa, tôi e rằng mình có thể đếm lại những người đẹp đã được đếm rồi. Tôi ngưng, nhưng tôi còn nghĩ, nếu mình đếm đủ hết, thì con số có lên tới 100 không? Ngần ấy vũ nữ xinh tươi, ngực để trần, lượn lờ trước khán giả, mà màn ca vũ nhạc kịch rất sạch, rất sạch, chẳng chút nào bẩn. Nghệ thuật cao tuyệt cao làm tâm trí con người hoá ra sạch, hơn nữa, thăng hoa. Ra khỏi rạp, chúng tôi nghe thấy kiến bò trong bụng, nên kéo nhau đi kiếm món quốc hồn quốc tuý để thưởng thức, tôi thèm một tô phở. Tô phở tái gầu gân sách, thật nóng, nước lèo thật trong, với rau quế, ngò gay, với giá trụng, hành chần... Chúng tôi đến một quán phở. Bước vào cửa, nhìn lên vách, tôi thấy một khuông hình to. Người trong hình mặc quân phục thời VNCH, dưới hình chua thêm hàng chữ: "Tướng..., Tư Lệnh..." (Tôi quên tên ông ấy rồi! - Tuy nhiên, quý vị độc giả nghĩ rằng tôi làm bộ quên cũng được). Một tay ôm vai bà xã, tay kia nắm áo thằng con, tôi quày quả trở ra. Thằng con bảo: - Ba nói đi ăn phở mà? - Thôi, đi kiếm nhà hàng khác. Hay mua khúc bánh mì kẹp thịt về phòng nhai cũng được... - Ông nầy lạ! Mới đó..., giở chứng!!!??? - Hình ông tướng treo trong quán không làm tô phở ngon hơn. Lời chú thích cho thực khách biết đó là ông tướng nào làm cho tô phở thêm phần tồi tệ. Đi chỗ khác ăn. Milpitas, đêm đầu hè 2004 (Viết theo lời kể của một chiến hữu Thiết Giáp)
x X x
Chiếc mền
Dưới rừng thưa cổ thụ, một bên là vách núi, một bên là vực sâu, con đường nhỏ hẹp ngoằn ngoèo uốn lượn, thỉnh thoảng gấp khúc như một cành cây bị bẻ gãy quập lại. Hai cha con tôi đang luồn lách bò lên núi lạ, thuộc thành phố lạ Los Gatos, một trong những thành phố có tiếng là giàu của California. Tôi nhìn bên phải. Thằng con vừa lái vừa nhìn bên trái. Chúng tôi đang tìm số nhà, trước hết để biết bên nào số chẵn bên nào số lẻ, rồi sau đó, 2 cha con chú mắt qua một bên, mỗi khi tới một căn nhà. Xa, xa lắm mới có một căn nhà. Té ra số nhà chúng tôi tìm hôm nay ở tít mù trên ngọn núi. Thằng con, sau 13 năm được anh bảo lãnh, từ VN mới sang chưa đầy 2 tháng, mới lấy được bằng lái một tuần nay, mà phải lái xe trên freeway 880 từ Milpitas để tới down town thành phố nầy, rồi phải lái leo lên núi thấp, núi cao. Tôi ngồi bên nó mà lo âu từng cơn, hồi hộp từng đoạn... Bạn của anh nó thương hoàn cảnh hai-vợ-chồng-ba-đứa-con, mới toanh trên xứ lạ đang trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nên chia cho nó mỗi ngày trên dưới 20 bao thư hoặc kiện hàng của FedEx để đi giao tận nhà mỗi thân chủ đặt mua hàng qua phone, qua internet. Mỗi stop (mỗi chỗ ghé lại giao hàng) được trả $2.00. Tuần làm 5 ngày, kiếm được $200.00 + $30.00 tiền xăng. Tính ra, mỗi ngày được $40.00, mỗi tháng được $920.00. Vợ chồng, con cái Truyền mừng vui ra mặt, khi lần đầu lãnh được $230.00, bằng chính sức lực của mình, trên xứ sở mới, thấy mà cảm động. Niềm vui thật lớn, nhưng công việc thật vất vả (Chắc lúc ban đầu phải chịu vậy). Mỗi ngày hai cha con phải vật lộn với trên dưới 20 địa chỉ lạ hoắc phải ghé giao hàng. Tôi giúp Truyền chia bản đồ Los Gatos ra làm bốn khu vực, 1. Tây Bắc, 2. Đông Bắc, 3. Tây Nam, 4. Đông Nam. Mỗi khu được phóng lớn bằng khổ giấy thường 8.5" x 11", rồi in ra. Chúng tôi nhận "hàng" từ chiếc xe FedEx khi đậu chỗ nầy, khi chỗ khác (Phần nhiều trong khu parking của Bank of America Los Gatos). Xong xuôi, Truyền lái xe tìm chỗ có bóng mát đậu lại. Tôi mở laptop, bấm máy tìm từng địa chỉ để Truyền đánh dấu trên bản đồ đã in sẵn. Công đoạn nầy mất trên nửa tiếng. Nhìn bản đồ đã đánh dấu 20 địa chỉ, hai cha con định liệu đi khu nào trước, đi bằng con đường nào thuận lợi nhứt. Truyền bắt đầu lái xe đi tìm, tôi cầm "bản đồ hành quân", đếm số đường cắt ngang để nhắc nhở Truyền quẹo trái hay quẹo phải... Từ đỉnh núi, Truyền cho xe đổ dốc, chân phải bỏ ga, sẵn sàng trên thắng, và thường xuyên đạp rà giảm tốc, nhứt là khi đường nhỏ hẹp, quanh co, một bên là vực sâu. Đến triền dốc, cha con đều ngửi thấy mùi khen khét của bố thắng. Tấp vô lề, Truyền rề đến chỗ có bóng mát, đậu nghỉ, để người lấy lại hồn, để máy xe ngụi dần, để bố thắng hết mùi khét. Hai cha con chuyện trò bá vơ cho qua thời gian. - Lái được những con đường như vầy rồi, nhớ lại đường đèo Đà Lạt thật nhẹ hều, có nhằm nhò gì, kể cả đường đèo Hải Vân. - Bọn Mỹ vui thú gì mà tìm nơi thâm sơn cùng cốc như vầy để ở? Bên VN mình chỉ những người bần cùng, lạc đạo mới leo trèo lên non thấp, núi cao, cất một cái chòi hiu quạnh, chui ra chui vào. Bên nầy thì ngược hẳn lại, trèo lên núi ở mới là tầng lớp thượng lưu, trèo lên càng cao càng giàu sụ, càng ra vẻ thượng lưu hơn. - Căn nhà mình, trước khi rời VN, tụi con bán được 2 tỷ 300 triệu (tính ra được140 nghìn đô-la). Tại Long Xuyên mà bán được giá đó thì nhà mình cũng thuộc loại gần gần với bọn "thượng lưu" địa phương. Vậy mà so sánh với những căn nhà ở đây, nhà mình như là một chòi tranh. Những căn nhà trên núi mình đi qua, gọi là villa, là biệt thự, theo con, là chưa nói đủ cái khác biệt của nó. Phải gọi là dinh thự, là lâu đài mới đúng. Không biết ở đây gọi những căn nhà như vậy là gì?.. Thảm thương cho dân mình, biết bao nhiêu người sống chui rúc trong các con hẻm, ở trong những căn nhà "ổ chuột". Ba có về VN, Ba không thấy các căn nhà ổ chuột, vì những căn ổ chuột nằm sâu phía sau những căn nhà "thượng lưu" chiếm lĩnh mặt tiền... Về thôn quê còn thảm hơn nữa... - Trong tương lai gần, tương lai xa, con có thấy đường lối nào đảng Cộng Sản VN sẽ đưa dân mình khá hơn không? - Nhắm mắt định thần thật kỹ, con không thấy con đường nào cả. Không tin cậy, không chờ trông vào Cộng Sản được. Họ cứ đấp vá chỗ nầy chỗ kia cho ra cái vẻ như hôm nay mà thôi. À! Con ngưỡng mộ lời phát biểu của một đảng viên cộng sản, nói trong một phiên họp quan trọng cấp tỉnh, "Các đồng chí thường nghe thấy thống kê cho biết nền kinh tế mình tăng trưởng 5%, 7%, thậm chí 10%, 12%. Nhưng dân số mình tăng trưởng cũng dữ dội. Đem cái tăng trưởng kinh tế đối chiếu vối cái tăng trưởng dân số, thì mình tăng trưởng không có bao nhiêu đâu, có khâu tăng trưởng 0%, thậm chí còn âm phần trăm nữa. Chúng ta có số người đông quá, mà chỉ có một chiếc mền! Chiếc mền chỉ đủ ấm cho một ít người, kéo chiếc mền đi chỗ khác cũng chỉ trùm ấm được một ít người chỗ khác mà thôi! Chỗ kia lại bị lạnh!" - Do vậy, nên những người có quyền lực trong tay, họ kéo phăng chiếc mền về đấp ấm riêng mình và gia đình mình thôi, mặc kệ 80%, 90% dân chúng sống làm sao thì sống!? - Đúng vậy! Một thời, tất cả đám xe đò từ 4 chỗ ngồi đến 50 chỗ ngồi tỉnh mình và các tỉnh lân cận khác đều chết ngủm hết, khi công ty xe khách 15 chỗ ngồi ra đời, cứ 30 phút là có một chuyến khởi hành, dù có khách hay không. Công ty trang bị toàn bằng xe mới toanh nầy không phải của quốc doanh, mà của tư nhân (như nhiều người đòi cho tư nhân tham gia vào nền kinh tế đổi mới). Ba biết ai là xếp sòng công ty nầy không? - Con gái của ông Võ Văn Kiệt đó. Chiếc-mền-xe-khách-miền-Tây được kéo hẳn về một người! Mặc kệ bao nhiêu người khác chết lạnh giữa mùa đông giá buốt! Đó là nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa?
Milpitas, đêm vào hạ 2004
x X x
Để Sinh Tồn
Ông già Ngô Phát Đạt định cư tại Mỹ từ hơn 10 năm nay. Thằng con mới sang có một tháng rưỡi. Hơi hám Việt Nam còn nguyên vẹn trên nó. Hai cha con đang ngồi ăn sáng. Ông Đạt xé một miếng bánh mì, nói: - Có hơn hai năm nay, tại San Jose nầy, bắt đầu từ Bác Ba Thận Lee Sanwiches, bánh mì được làm theo kiểu baguette của Pháp, ăn giòn ngon gần bằng bánh mì baguette Long Xuyên mình thuở xưa. Con ăn đi. Cái gì chứ trứng gà ốp-la với chả lụa, chả quế ăn với bánh mì là Ba bao. Bên nầy ăn như vậy là rẻ nhứt, hà tiện nhứt... - Bên nhà thì khác hẳn. Ba nhớ không, trước 75, con lên Sài Gòn, Ba cho đi điểm tâm bánh mì ăn với chả lụa, jambon chiên chung với 2 trứng gà ốp la ở đường Nguyễn Thiện Thuật? Bây giờ nhớ lại, con còn thấy cái ngon lành trộn lẫn với không khí sang trọng qua thực khách lịch sự... Tới bây giờ, cũng vậy, vào quán ăn, kêu trứng gà chiên bơ là người sang cả lắm lắm... Tội nghiệp con Phượng, hồi nhỏ xíu, được mẹ mua cho một trứng gà về chiên ăn sáng. Trứng gà VN nhỏ xíu, nó giẻ nhỏ từng miếng trứng để ăn hết ổ bánh mì con cốc. Nó còn chừa một góc nhỏ trứng, có đủ tròng trắng, tròng đỏ, đem lại mẹ, bi bô nói "mẹ ăn miếng trứng nầy coi, ngon lắm" - Má cứ nói với Ba "Trông tụi nhỏ mau mau qua để bọn chúng mặc sức mà ăn trứng" Tụi con thuộc hạng trung lưu, lại còn có người ngoài thỉnh thoảng tiếp hơi, mà còn vậy. Biết bao nhiêu con trẻ VN cả năm không ăn được một trứng gà. Tôm, cua, đồ biển là một ước mơ "vĩ đại" - Bên nầy, con để ý thấy, mỗi lần anh Vĩnh chịu ăn trứng ốp-la, ảnh chiên cả 3 - 4 trứng, còn xắt thêm chả quế vào chão trứng. Cái phần điểm tâm chỉ dành cho 1 người đó, mà có được trong bữa ăn trưa chánh thức của cả gia đình nhà con, là bữa ăn sang trọng , lâu lắm mới dám ăn một lần như vậy. Hai cha con cà kê dê ngỗng hết chuyện nầy đến chuyện kia cho đến lúc xong bữa ăn sáng, rồi lại nhấm nháp ly cà phê đắng, tán hươu tán vượn tiếp: - Cả 2 năm nay, nhờ tụi con liên tục gởi cà phê Trung Nguyên sang, nên Ba uống toàn cà phê VN. Thét rồi cà phê Mỹ Ba uống không vô... Nói kiểu như vậy, không khéo, dám có người chụp cho Ba cái mũ thân cộng! - Vậy mà nước ngoài, Ngân Hàng Thế Giới, khuyến cáo VN nên bớt trồng cà phê, không có lợi, vì không cạnh tranh nổi với cà phê trên thế giới. Nhưng VN không nghe. - VN đâu có nghe ai, ngoài Trung Cộng. Trung cộng làm sao thì không lâu sau đó VN làm y chang như vậy. Người ta khuyến cáo diệt trừ tham nhũng thì mới khá được, mới văn minh được... - Chuyện nực cười, một bữa, con ngồi ăn gần một nhóm "đại gia", bọn đang phất lên ở tỉnh mình, họ nói nhỏ giọng với nhau rằng "Chống tham nhũng, tớ không đồng tình chút nào! Tại sao lại chống?..." Một tên khác phụ hoạ "Tớ cũng vậy! Không có bọn tham nhũng thì bây giờ bọn mình có ra cái thớ gì. Làm sao bọn mình được phè cánh nhạn như hôm nay! Tham nhũng muôn năm!" Một tên khác tiếp hơi "Ở VN mình bây giờ có tiền là trên hết, là văn minh, là... là..., đủ thứ là, dù đồng tiền đó có bất chính đi nữa. Bọn mình tung tiền ra là mua được hết, sai bảo được tất cả..." - Nghĩa là "quần chúng nhân dân" đồng tình với "chính sách tham nhũng" của Đảng và Nhà Nước à? - Không phải vậy Ba à! Quần chúng nhân dân đâu chỉ có một nhúm người đó thôi. Quần chúng nhân dân là khối người đông đảo 90% dân số sống cơ cực kìa, nhứt là nông dân và công nhân... Họ chống tham nhũng... Ba nói "chính sách tham nhũng"... nghe cũng hơi quá... - Trên chính sách, trên giấy tờ, họ kêu gọi "chống tham nhũng", nhưng việc làm của họ là nhắc nhở nhau "chóng tham nhũng", kêu gọi nhau tham nhũng nhanh nhanh lên. Nếu thật tình chống tham nhũng, thì tại sao có "quần chúng nhân dân" xin lập hội giúp chính quyền và nhà nước chống tham nhũng, thì những người đó lại bị bao vây, lần lượt bị bắt vào tù? - Con kể Ba nghe một chuyện điển hình nhỏ. Một anh công an giao thông mới ra lò, sạch bon. Anh được "bố trí" tại một trạm kiểm soát giao thông. Anh làm nghẽn mạch máu đường dây buôn lậu. Chưa đầy một tháng sau, anh bị "bố trí" lại tại một xó xỉnh nào đó để an dưỡng (Có khi còn bị sa thải ra khỏi ngành). Lý do là bọn "thượng lưu" mới phất mời "sếp" của anh công an trong sạch đó đi nhậu. Trong tiệc nhậu, họ mạnh tay "mua" ông sếp, và ra lệnh ông sếp "bứng thằng công an" trong sạch đi chỗ khác chơi. Nói "ra lệnh" cũng là nói quá, nói hỗn, nhưng bảo làm sao thì phải làm làm vậy, có nghĩa là ra lệnh chứ còn gì. Anh công an hành sử theo bài học của trường lớp, theo huấn lệnh của sếp, ngồi ở một xó xỉnh tăm tối, ngẫm nghĩ vài ngày, bỗng hiểu ra "Muốn sinh tồn, mình phải hành sử ngược với huấn lệnh, mà thuận với tâm ý thượng cấp". Ba đừng kêu ca chuyện mấy ông hải quan vòi vĩnh Ba dăm ba đồng tại phi cảng Tân Sơn Nhứt. Tất cả là để sinh tồn. Cả một chính quyền, từ hạ tầng đến thượng tầng, đều hành sử y như anh công an, y như anh hải quan... để sinh tồn... Ông Đạt gầm mặt, bóp trán nghĩ suy "Để sinh tồn, 90% dân Việt trong nước phải làm sao đây?"
Milpitas, ngày Hè lành lạnh 2004 (25-6-2004)
|
Bàivở xin gởivề : dchph (a) yahoo dot com
Copyright © 2003-18. All rights reserved.